Giải toả tâm lý lo lạm phát, sớm thúc đẩy chương trình phục hồi kinh tế
Theo chuyên gia, nhiều người quan ngại về câu chuyện nếu tiếp tục bơm tiền ra để kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp có thể làm bùng lạm phát, nhưng cần thiết phải giải tỏa tâm lý đó.
>>Gói kích thích kinh tế: Tốc độ phải quan trọng hơn quy mô
Thêm nhóm giải pháp về cải cách thể chế
Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang nhận được nhiều ý kiến, bình luận, đề xuất từ phía doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia, nhằm hướng đến hiến kế để Quốc hội và Chính phủ sẽ thiết kế chương trình với năng lực thực thi tốt nhất, triển khai cho dòng tiền đi trúng nhất và đạt hiệu quả cao nhất.
Trao đổi tại một buổi toạ đàm, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, rất nhiều người nói biện pháp hỗ trợ về thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là biện pháp thiết thực nhất, ít tốn kém nhất về phía Chính phủ, nhưng mang lại nhiều lợi ích nhất cho doanh nghiệp và đảm bảo công bằng nhất.
Theo ông Hiếu, một môi trường thuận lợi sẽ tạo ra sự công bằng, đó là khi doanh nghiệp nào thực sự có trí tuệ, có sáng tạo thì doanh nghiệp đó phát triển, còn các chính sách khác cho dù thiết kế đến hoàn hảo đến đâu, nhưng vẫn có những phần trăm xác suất bị lạm dụng. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về cơ chế xin – cho, tạo ra một cuộc đua mà nếu ai năng lực kém, không tiếp cận kịp thời sẽ bị bỏ lại, gây ra sự méo mó, bất bình đẳng.
“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay cần bàn đó là dư địa thời gian đang ngày càng hạn hẹp, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, chúng ta ngày càng ý thức được vấn đề về thời gian, liên quan đến tính thích ứng, tính linh hoạt, tính chuyển đổi một cách nhanh chóng nhất.
Như vậy, câu chuyện về thể chế cũng lại trở nên quan trọng. Có rất nhiều bài học trong thời gian vừa qua, đơn cử như khi đợt đầu dịch bệnh bùng phát, một vấn đề phát sinh là chúng ta thiếu rất nhiều khẩu trang và doanh nghiệp đã rất nhanh nhẹn chủ động, nhưng nếu doanh nghiệp triển khai một nhà máy may khẩu trang trong thời gian lý tưởng là 6 tháng, thì coi như đã hết cơ hội. Qua đó để thấy rằng, việc thời gian và cải cách thể chế rất quan trọng, đồng thời cộng thêm hai yếu tố cần lưu ý nữa đó là: Tính tiên liệu và Dự đoán được các quyết định của cơ quan Nhà nước”, ông Hiếu phân tích.
Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội, ai cũng đồng ý về cải cách thể chế nhưng lại có một số câu chuyện về thể chế như: Khi thiết kế chương trình phục hồi, thì có nên đặt ra vấn đề thể chế trong chương trình này hay không; và thể chế trong chương trình này phải khác gì với các cải cách thể chế khác, mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện? Tiếp đó, thể chế là môi trường kinh doanh nói chung, nhưng thể chế để cho triển khai thực hiện biện pháp hỗ trợ lại là vấn đề tổ chức thực thi.
“Bài học của Việt Nam thực tế đã có trong năm 2020, là rất nhiều chính sách mà doanh nghiệp cực kỳ mong đợi, điển hình như vay trả lương cho người lao động, nhưng rất nhiều doanh nghiệp cơ bản không tiếp cận được, vì thể chế, vì điều kiện thủ tục không thể hỗ trợ.
Vậy không nên bàn về vấn đề thể chế chung chung, mà cần quan tâm đến tính kịp thời. Cũng là yêu cầu về thể chế, nhưng nếu yêu cầu thực hiện trong vòng 1 năm, 2 năm thì tác động sẽ rất khác so với việc hoàn thành nhiệm vụ trong 5 - 10 năm tới. Vì thế, trong chương trình này, vấn đề thể chế vẫn nên đặt ra là một trong những giải pháp trọng tâm”, vị Đại biểu phân tích.
>>Chủ tịch Quốc hội: Gói kích thích kinh tế phải chú trọng cả tổng cung, tổng cầu
Giải toả tâm lý lạm phát
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch công ty IMC cho rằng, có một vấn đề phải thay đổi căn bản đó là thay đổi tư duy từ những nhân tố nhỏ nhất. Ông Hoàng nêu ví dụ, từ Chính phủ đến doanh nghiệp, người dân đều hô hào về chuyển đổi số, nhưng nhận thức về chuyển đổi số chỉ mới ở một mức độ nào đó, thậm chí nhiều nơi còn chưa hiểu đúng. Bởi vì chuyển đổi số không phải chỉ là số hóa cái gì đó trên nền tảng công nghệ, mà phải là chuyển đổi từ cả yếu tố con người.
“Tại IMC, khi chúng tôi đào tạo thì 80% là đào tạo về thái độ của nhân viên đối với công việc, 14% đào tạo về kỹ năng và 6% còn lại đào tạo về kiến thức. Nhưng phía cơ quan nhà nước hầu hết đào tạo về kiến thức, trong đó có một chút về kĩ năng nhưng không có đào tạo về tâm thái của người làm việc. Tương tự với câu chuyện cải cách thế chế, thì phải đổi mới từ những người nhỏ nhất thay đổi tư duy, tâm thái phục vụ đất nước, phục vụ người dân, khi đó, việc thực thi sẽ nhanh đạt được hiệu quả”, ông Hoàng bày tỏ.
Vị doanh nhân cũng dẫn chứng thêm, điển hình về sự thay đổi là đối với ngành ngân hàng, đến nay đã thay đổi rất nhiều, phục vụ khách hàng nhiệt tình hơn so với cách đây 20 năm. Hay các cơ quan như bên Tư pháp, Công chứng cũng vậy, nhưng riêng bên phía chính quyền quận, huyện, thị trấn, xã, phường vẫn có những quan liêu nhất định, khiến việc tiếp cận hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều rào cản. Do đó, con người phải là yếu tố số một, sau đó mới đến các hành lang, văn bản...
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng viện chiến lược (NHNN) bổ sung thêm rằng, với kinh nghiệm quốc tế từ Malaysia, điểm đầu tiên đó là phải làm mới lại tư duy của những người làm chính sách.
Phải coi câu chuyện phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp trong nền kinh tế là trách nhiệm của công chức, viên chức Nhà nước. Ông Hoè nêu ra 3 vấn đề thách thức cần giải quyết đó là:
Một, Chính phủ cần tập hợp một đội ngũ chuyên gia, tập trung trong khoảng hai tháng, đưa ra đề cương, Nghị định và viết ra những nội dung rất cụ thể, sau đó giao lại cho các Bộ làm việc, rút gọn trong vòng 3 tháng để ra được Nghị định, chứ không theo tuần tự Luật soạn thảo văn bản từ sáu tháng đến một năm, khi đó thời gian đã không còn nữa.
Hai là, những người làm pháp chế phải giữ nguyên tắc về soạn thảo văn bản, dẫn đến câu chuyện trình tự pháp lý rườm rà, để xảy ra rủi ro sẽ phải chịu trách nhiệm cao. Cho nên cần có hành lang giải quyết vấn đề trách nhiệm cho những người làm chính sách đột phá này.
Ba là, trong tư duy của một số nhà lãnh đạo vẫn còn đang quan ngại về câu chuyện nếu tiếp tục bơm tiền ra để kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khó khăn về an sinh xã hội, nếu không cẩn thận sẽ làm bùng lên lạm phát, nhưng cần thiết phải giải tỏa tâm lý đó.
“Mọi người thường đưa ra câu chuyện về bài học năm 2009-2011, nhưng chu kỳ giai đoạn đó hoàn toàn khác. Lúc trước, chúng ta đã tăng trưởng tín dụng quá nóng, từ năm 2001 - 2007 tăng trưởng trên 33%, riêng năm 2006 tăng trưởng cao nhất 51,47%, nên nó tích tụ lại và đến khi bơm thêm gói 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất mới dẫn đến câu chuyện bùng lạm phát.
Nhưng trong giai đoạn này, từ năm 2016 đến nay, mức độ tăng trưởng tín dụng đều được kiểm soát, chỉ có 12 -14 %, không có sự tích tụ về dòng tiền. Cho nên điều tôi ngại nhất là phải có tốc độ bơm tiền nhanh hơn, tránh tình trạng nhập khẩu lạm phát từ ngoài vào và lạm phát trong nước bùng lên khi tổng cầu tăng. Còn về phía tổng cầu, liên tục trong 4 tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ giảm, vì người dân không còn tiền, doanh nghiệp không có dòng tiền để mua nguyên liệu đầu vào, ngoại trừ các doanh nghiệp FDI. Vì thế những nhà làm chính sách phải quyết định nhanh hơn nếu không sẽ lỡ mất cơ hội”, ông Hoè khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Kích thích kinh tế thời COVID
04:00, 03/01/2022
Gói kích thích kinh tế mới sẽ kéo dài 2 năm 2022 và 2023
19:00, 02/12/2021
Gói kích thích kinh tế: Tốc độ phải quan trọng hơn quy mô
16:01, 01/12/2021
Gói kích thích kinh tế mới: Tính đến khả năng hấp thụ của doanh nghiệp
04:00, 16/11/2021