Tính hiệu quả các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế
Dù thống nhất về việc thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là rất cần thiết, nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là Nghị quyết chưa có trong tiền lệ, do đó cần quan tâm đến tính hiệu quả.
>>Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới
Chính sách bao phủ nhiều đối tượng
Bàn về gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quy mô gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia đã dùng cụm từ “hết sức cấp thiết”, “phao cứu sinh” để nói đến sự cần thiết của có gói hỗ trợ này.
Theo các chuyên gia, so với nhiều quốc gia trên thế giới, gói hỗ trợ của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ tương đương 4% GDP, trong khi các nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có gói hỗ trợ quy mô tầm 16% GDP, hay các nước có thu nhập trung bình cao trong khu vực như Thái Lan, cũng có gói hỗ trợ trên 15% GDP. Tuy nhiên, việc xây dựng các gói hỗ trợ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc thù và tiềm lực của các quốc gia đó. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn dư địa, thì các gói hỗ trợ đủ liều hơn là cần được thực thi, để nguồn tài chính được đổ vào nền kinh tế, kích thích cung cầu, sản xuất kinh doanh, chi tiêu nhiều hơn, giúp nền kinh tế vực dậy sau giai đoạn khủng hoảng.
Trả lời báo chí, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần được đón nhận nhanh chóng gói hỗ trợ để đưa vào sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển đầu tư, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Đó là cái rất kịp thời và nếu chờ đến kỳ họp định kỳ thì sẽ bị chậm, vì thế, đây là quyết sách rất đúng đắn. “Tôi tin tưởng gói hỗ trợ lần này sẽ có hiệu quả hơn những gói trước, mang lại sức sống mới sau đại dịch, mặc dù còn khó khăn, nhưng tương lai sẽ tươi sáng hơn. Điều này chính bản thân chúng ta có thể tự quyết định và các doanh nghiệp cũng phải tự giác đổi mới ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên sau đại dịch”.
Đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cũng kỳ vọng, gói hỗ trợ mới này phải là hỗ trợ thực sự, là “tiền tươi thóc thật” để doanh nghiệp có được một “cú hích” lớn. Vì đây là thời điểm các doanh nghiệp rất cần dòng vốn đầu tư cho năm 2022 như chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư máy móc, hoặc tuyển dụng nhân sự,...
Bà Lê Thị Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup chia sẻ, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều chia sẻ của doanh nghiệp đã được Thủ tướng, Chính phủ lắng nghe và có sự điều chỉnh nhất định trong các cơ chế chính sách, để cho doanh nghiệp được “dễ thở” hơn. “Do đó, chúng tôi tin tưởng năm 2022, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn, chính sách để có cơ hội khởi sắc hơn và bứt phá trong năm tới, mà dự kiến khoảng sau tháng 6 này”.
Không chỉ khó khăn bủa vây cộng đồng doanh nghiệp, tính chung cả năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến tình hình lao động việc làm gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, lực lượng lao động có việc làm giảm, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người. Đến thời điểm này, mặc dù đã bước vào trạng thái bình thường mới, nhưng việc mưu sinh của người lao động không hề dễ dàng. Ngoài nỗ lực tìm kiếm việc làm, người dân còn phải cố gắng thắt chặt chi tiêu để vượt qua đại dịch. Chính vì vậy, khi gói hỗ trợ một cách tổng thể, toàn diện được thông qua, trong đó có chính sách an sinh sẽ giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện tại và phục hồi nhanh khi đại dịch đi qua.
Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty máy tính Thánh Gióng cho biết, việc nhà nước hỗ trợ những người lao động quay lại làm việc thông qua các quỹ hỗ trợ về lao động, cụ thể là hỗ trợ đào tạo tái lao động từ ngành này khác sang ngành khác là rất quan trọng. “Bên cạnh đó, các vấn đề về thuế, bảo hiểm được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm do các doanh nghiệp đang phải nỗ lực đóng bảo hiểm, nếu có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho người lao động, thì doanh nghiệp sẽ vững vàng hơn để đảm bảo quyền lợi cũng như hỗ trợ cho người lao động trong thời kỳ khó khăn”.
>>Thực thi gói hỗ trợ toàn dân: Phải đơn giản các thủ tục hỗ trợ
Lưu ý tính hiệu quả
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa 15, các Đại biểu đều đánh giá, với chương trình gói hỗ trợ này, Chính phủ đã vào cuộc kịp thời, đầy đủ các nội dung, bao phủ những vấn đề quan trọng, ví dụ như việc đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế, gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đề xuất gói để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, cấp bù vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ lãi suất cho những người yếu thế, đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động,...
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm, gói hỗ trợ này trọng tâm đi vào cho đầu tư công, tức là các nguồn lực của chúng ta vừa tung ra để giải quyết các vấn đề kích cầu cho các lĩnh vực hiện tại thông qua đầu tư công. Đồng thời tạo ra nền tảng để tới đây tăng trưởng, phát triển bền vững, lâu dài. Hệ thống hạ tầng của đất nước hiện nay đang trong quá trình xây dựng, kiến thiết, thì phải đẩy nhanh lên, làm sớm đi, để tạo ra một tiền đề cho sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Dù thống nhất về việc thông qua gói hỗ trợ là rất cần thiết, nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là Nghị quyết chưa có trong tiền lệ, do đó cần quan tâm đến hiệu quả của chương trình, lưu ý tránh tránh việc trục lợi chính sách để đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, cũng có ý kiến về chính sách mới chỉ tập trung cho nhóm đối tượng lao động chính thức, cần bổ sung thêm cả nhóm người lao động ở những khu vực phi chính thức, lao động tự do, bởi đây cũng là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề và cần được hỗ trợ.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường, việc dự kiến tăng bội chi ngân sách nhà nước để thực hiện gói hỗ trợ chính sách tài khóa trong hai năm 2022 - 2023 là cần thiết và phù hợp.
“Ngoài việc miễn, giảm thuế, phí và đầu tư công, Chính phủ đã tính toán đến nhiều khía cạnh, các gói chính sách này nhằm tạo nguồn lực tài chính, góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn. Tuy nhiên Quốc hội cần cân nhắc tính toán đến vấn đề mức độ trì cho cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 để đảm bảo phù hợp kế hoạch tài chính quốc gia mà Quốc hội đã thông qua”, vị Đại biểu đề nghị.
Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là hai công cụ quan trọng cần đặt trong tổng thể dài hạn, để đảm bảo ổn định vĩ mô, vì vậy cần sử dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, công cụ phù hợp, để huy động thêm nguồn lực thực hiện chương trình. Song song với đó là đẩy nhanh việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, rà soát lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước để huy động thêm nguồn lực cho chương trình này.
Có thể bạn quan tâm
Thực thi gói hỗ trợ toàn dân: Phải đơn giản các thủ tục hỗ trợ
00:06, 26/01/2022
Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới
05:00, 25/01/2022
Gói hỗ trợ 40.000 tỷ tác động ra sao đến thị trường bất động sản?
11:30, 22/01/2022
NHNN: Gói hỗ trợ bù lãi suất 2% dự kiến chia 2 năm, dư nợ 500.000 tỷ đồng/ năm
17:59, 15/01/2022