Trái phiếu Chính phủ năm 2021: Đạt 98% kế hoạch phát hành sau điều chỉnh

L.MỸ 30/01/2022 04:30

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), kết thúc năm 2021, kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 318.213 tỷ đồng, tương đương 98% kế hoạch cả năm sau điều chỉnh.

ADB: COVID-19 bất định khiến trái phiếu Chính phủ phân hóa

Cụ thể, báo cáo thị trường tháng 12 của VBMA thống kê, trong tháng 12, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 21 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu (GTGT) đạt 38.750 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu đạt 78%. 

Trong đó, 2 kỳ hạn có khối lượng gọi thầu cao nhất là kỳ hạn 15 năm và kỳ hạn 20 năm (lần lượt là 15.500 và 7.750 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu lần lượt đạt 84,3% (kỳ hạn 15 năm) và 74,3% (kỳ hạn 20 năm). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm không được gọi thầu thành công trong tháng trước. Lãi suất trúng thầu trung bình trong tháng ở hầu hết các kỳ hạn đều giảm so với tháng trước trừ kỳ hạn 20 năm.

Trong tháng 12, KBNN đã điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP trong Q4/2021 xuống 86.000 tỷ đồng từ mức 135.000 tỷ đồng trước đó, bao gồm các kỳ hạn 5 năm (1.500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (28.000 tỷ đồng), 15 năm (3.000 tỷ đồng), 20 năm (14.000 tỷ đồng) và 30 năm (11.000 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 12, KBNN đã phát hành tổng cộng 80.499 tỷ đồng TPCP trong quý, tương ứng 94% kế hoạch quý 4.

VBMA cũng thống kê, tính từ đầu năm đến hết tháng 12/2021, kết quả phát hành TPCP đạt 318.213 tỷ đồng, tương đương 98% kế hoạch cả năm sau điều chỉnh. Trong tháng 1/2022, sẽ có khoảng 7.734 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, khoảng 15% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn cả năm.

Cũng trên thị trường sơ cấp, trong tháng 12, Ngân hàng Phát Triển Việt Nam thực hiện 9 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL), tổng giá trị gọi thầu là 11.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ trúng thầu đạt 77,3%. Trong tháng 12, Ngân hàng Phát Triển Việt Nam đã tiến hành gọi thầu 11.000 tỷ đồng TPCPBL qua 9 phiên đấu thầu, tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu đạt 144,1%. Trong đó, khối lượng trúng thầu đạt 8.500 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu 77,3%) ở 3 kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 7 năm (700 tỷ đồng) và 10 năm (6.800 tỷ đồng). Tỷ lệ trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 50%, 7 năm là 35% và 10 năm 97%. Lãi suất trúng thầu ở 3 kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm lần lượt là 1,12%, 1,5% và 2,39%, cao hơn 28 điểm, 40 điểm và 31 điểm so với LSTT TPCP cùng kỳ hạn.

VBMA cho biết tính từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng TPCPBL đã phát hành đạt 21.524 tỷ đồng, trong đó có 11.024 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Ngân hàng Chính sách xã hội (hoàn thành 100% kế hoạch phát hành theo QĐ số 945/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và 10.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam (đạt 61% khối lượng phát hành tối đa của năm theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 10/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021, thị trường trái phiếu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho Chính phủ để đầu tư phát triển và các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo đó, đối với thị trường trái phiếu chính phủ, trong năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đúng Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 để huy động vốn cho NSNN. Theo đó, khối lượng huy động TPCP trên thị trường trong năm 2021 là 318.213 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,92 năm (giảm 0,02 năm so với cuối năm 2020), lãi suất phát hành bình quân đạt 2,30% (giảm 0,56% so với cuối năm 2020).

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính đến hết năm 2021, dư nợ thị trường TPDN riêng lẻ đạt khoảng 16% GDP năm 2021.

Đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được 11.024 tỷ đồng TPCPBL, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 11,64 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 2,5%. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành được 10.500 tỷ đồng TPCPBL, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,94 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 2,09%.

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong năm 2021, chính quyền các địa phương chưa phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công trong năm qua. Bên cạnh đó, tiếp tục trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành trái phiếu Chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2022, Bộ tiếp tục đặt mục tiêu đảm bảo thị trường TPCP giao dịch an toàn, hiệu quả như những năm qua, đồng thời cải tiến các công cụ để huy động vốn của ngân sách nhà nước cũng như giao dịch của các thành viên được thuận lợi và hiệu quả nhất. 

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Tìm hướng bền vững cho thị trường

    Sửa quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Tìm hướng bền vững cho thị trường

    05:15, 28/01/2022

  • Nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, giám sát vốn với trái phiếu

    Nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, giám sát vốn với trái phiếu "3 Không"

    05:30, 22/01/2022

  • Bamboo Capital phát hành trái phiếu, tăng đòn bẩy tài chính để tài trợ dự án mới

    Bamboo Capital phát hành trái phiếu, tăng đòn bẩy tài chính để tài trợ dự án mới

    04:30, 01/01/2022

L.MỸ