Xây chính sách mở với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
Theo chuyên gia, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng không nên là một gói đóng, bởi năng lực của chúng ta còn đảm bảo để có thể điều chỉnh phù hợp và nếu làm tốt, thì khả năng bơm vốn ra rất mạnh mẽ.
>>Tháo “rào” thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, để nâng cao năng lực hấp thụ của nền kinh tế, chủ yếu là phải khơi thông các kênh dẫn vốn đến doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cần vốn rất lớn, đặc biệt, họ có thể sử dụng nguồn vốn tốt khi môi trường kinh doanh thuận lợi. Vì thế, mấu chốt vấn đề là muốn tạo năng lực tốt, thì gói thể chế phải do Nhà nước, chứ không nên quy trách nhiệm về cho doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, gói phục hồi và phát triển kinh tế xã hội lần này không nên là một gói đóng, bởi vì năng lực của chúng ta còn đủ bảo đảm để có thể điều chỉnh lên xuống cho phù hợp và nếu làm tốt thì khả năng để bơm vốn ra rất mạnh mẽ.
Trong hai năm này, phải lấy “bất biến ứng vạn biến”, với năng lực của chúng ta hiện có bao gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như nền tảng vĩ mô đảm bảo, đều có khả năng tăng hỗ trợ để tăng sức mạnh cho nền kinh tế, mà không phụ thuộc vào giới hạn cứng nào”, ông Thiên đề xuất.
Vị PGS cũng giải thích thêm, trừ những khoản hỗ trợ không phải tiền mặt ra, thì phần tiền tươi thóc thật như mọi người đánh gía cũng vừa phải, vậy nên hiệu quả của một gói mở sẽ tốt hơn rất nhiều. Quan trọng nữa là tính khuyến khích việc chi tiêu cần rõ hơn, ví dụ ưu tiên cho những doanh nghiệp tiếp cận thị trường thì được hỗ trợ nhiều hơn, đòi hỏi năng lực hiểu biết doanh nghiệp và bộ máy phải mất công sức rất nhiều.
Mặt khác, chúng ta đã trải qua nhiều bài học, từ thiết kế chính sách ban đầu không tốt, đến giám sát không tốt,... nên dù nói Chính phủ chậm nhưng thực sự cũng khó có thể làm tốt hơn, vì phải bảo đảm nguyên tắc, kỷ luật để hành động, nếu không sẽ gây ra rủi ro hệ thống, rủi ro bộ máy và mất đi lòng tin còn lớn hơn cả việc mất tiền.
Còn theo góc nhìn của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Tài chính, khi nhắc đến những vấn đề vẫn xảy ra từ trước đến nay và muốn tạo ra đột phá mới, thì phải đi từ gốc rễ. Ví dụ như chuyện sản phẩm hàng hóa của nông nghiệp tắc ở biên giới, trong đó nguyên nhân lớn nhất là chúng ta sản xuất còn manh mún, các nông hộ vẫn sản xuất theo suy nghĩ cá nhân, chưa có liên kết chuỗi sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa phải là người có thể thực hiện các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, hoặc công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và kết nối các nông hộ thành một chuỗi sản xuất để có thể xuất khẩu được hiệu quả cao, vì thế, nông dân vẫn phụ thuộc vào các đầu nậu thu gom, xuất khẩu qua biên giới thông qua đường tiểu ngạch.
Bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần có sự thay đổi chính sách từ phía bên kia biên giới, thì ngay lập tức phía Việt Nam bị ách tắc và bài toán này không phải mới diễn ra gần đây, mà đã rất nhiều năm. Điều quan trọng là chúng ta chưa có cách thức giải quyết tận gốc vấn đề, vì thế khi nói đến khả năng hấp thụ, thực tế vẫn phải xem khả năng hấp thụ của doanh nghiệp đến đâu.
>>Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng như thế nào?
“Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ đang cố gắng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thì doanh nghiệp phải là người phản hồi cần chính sách, hay cần tiền, hay cần cơ chế về giảm chi phí. Theo quan điểm của tôi, hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần việc làm sao để giảm thấp các chi phí để có thể nâng được năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất và từ đó họ có thể cạnh tranh được ngay trên thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu. Còn làm thế nào để tiền đến với họ, chúng ta phải có cơ chế cụ thể, dù là gói lớn, gói nhỏ thì quan trọng vẫn là phải có sự thay đổi linh hoạt.
Đáng chú ý, gói phục hồi và phát triển lần này không giống gói cứu trợ trong thời gian đại dịch bùng phát. Chúng tôi cho rằng, về phía mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp trước hết phải tự vượt lên, tự tìm cách để hồi phục và phát triển, còn Nhà nước chỉ có tính chất hỗ trợ, cứ ngồi chơi được phát tiền là không có, vì thế phải có tiêu chí rất rõ ràng, đầy đủ”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Bổ sung vào ý kiến của các chuyên gia, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích, câu chuyện cần làm ngay bây giờ là thực thi chính sách. Ví dụ với việc cấp bù lãi suất phải thông qua ngân hàng, nhưng không lẽ ngân hàng lại không biết doanh nghiệp nào vay tiền của mình vẫn “mạnh khoẻ”, doanh nghiệp nào không, hay ngân hàng không dám làm vì rủi ro quá lớn?
Theo ông Dũng, bên cạnh việc xác lập kỉ cương, mà thực tế doanh nghiệp muốn vay tiền cũng không dễ, nên phải khuyến khích như thế nào đó để phía ngân hàng cũng được hưởng lợi từ việc cho vay đúng chỗ, đúng địa chỉ. Mặc dù rủi ro là có, nhưng nếu thực hiện được thì vừa lợi cho kinh tế lại vừa có lợi cho ngân hàng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Thiên khuyến nghị, ngân hàng phải chấp nhận rủi ro ở một mức nào đó và Nhà nước phải mất công, mất sức nhiều hơn để có một hệ thống thông tin chuẩn bảo đảm rủi ro ít nhất có thể.
“Muốn triển khai đánh giá doanh nghiệp, thì Chính phủ phải có một nhóm đặc nhiệm cùng với ngân hàng và các Hiệp hội phối hợp, trong một tháng phải tổ chức họp hai lần để xác nhận các thông tin. Cần nâng cao vai trò của Hiệp hội nhằm giúp đỡ cho các doanh nghiệp thành viên, đồng thời Chính phủ cũng nắm được thông tin, để từ đó ngân hàng thực sự có thể hành động, mà không bị lợi ích nhóm chi phối quá mạnh”, ông Thiên khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng như thế nào?
00:06, 19/02/2022
Tháo “rào” thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
09:50, 18/02/2022
Tháo "chốt chặn" hấp thụ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
05:30, 16/02/2022
Chờ đợi giải ngân gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng
11:00, 13/02/2022