Khuếch đại chi tiêu trong nền kinh tế từ việc giảm 2% thuế GTGT
Bộ Tài chính ước tính giảm 2% thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 49.000 tỷ đồng, nhưng số tiền này vẫn nằm tại túi người tiêu dùng và họ sẽ tiếp tục chi tiêu với hệ số khuếch đại...
>>Người tiêu dùng hưởng lợi thế nào khi giảm thuế VAT xuống 8%?
Theo TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ và Quốc hội đã ban hành, lấy một trong những trọng tâm là giảm thuế suất phổ thông của thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ mức 10% xuống 8%, là một quyết sách mang tính đột phá và hợp lý trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Để khẳng định tính hợp lý, chúng ta nên so sánh với các chương trình hỗ trợ, các gói kích thích như trước đây đã ít nhất hai lần sử dụng, ngay cả trong năm 2020-2021, khi đặt trọng tâm chính sách thuế là ưu đãi về thuế trực thu và cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi đó, có rất nhiều ý kiến rằng, trong lúc khó khăn doanh nghiệp vẫn có thu nhập, có lợi nhuận để đóng thuế và được hưởng ưu đãi thuế, thì rõ ràng chúng ta đang hướng tới ưu đãi không đúng đối tượng, còn hàng loạt những doanh nghiệp gặp khó khăn, không có lợi nhuận, không có thu nhập, thậm chí doanh thu sụt giảm và đứng trước ngưỡng giải thể phá sản, họ không được hưởng ưu đãi hỗ trợ nào. Nên rõ ràng lần này, chúng ta lựa chọn thuế gián thu, là một sắc thuế có số thu lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước để thực hiện và mức giảm tới 2%, mà nói theo ngôn ngữ của giới chuyên gia là thu 5 đồng thuế GTGT thì miễn 1 đồng và con số này không phải là nhỏ.
“Như vậy, cái đầu tiên tác động tốt đó là gần như toàn bộ giao dịch trong nền kinh tế được hưởng ưu đãi hỗ trợ, ngoại trừ một số đối tượng theo quy định. Thuế GTGT là thuế gián thu, là người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải nộp, trong đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi về việc giảm chi phí thuế GTGT đầu vào, giảm bớt một phần chi phí. Điều quan trọng hơn rất nhiều đó là, nhờ việc giảm thuế GTGT, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong suốt hai năm qua, dưới tác động của dịch bệnh, tổng cầu tiêu dùng trong nước được thể hiện bằng chỉ số tổng mức bán lẻ (CPI) và doanh thu hàng hóa dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội. Nếu trước dịch bệnh, mỗi năm tăng trưởng trên dưới 10%, có những năm cao lên tới 12 - 13%, nhưng đơn cử như năm 2021, chỉ số này giảm tới gần 10%. Do đó, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp Việt Nam có điều kiện và cơ hội để phục hồi lại tổng tiêu dùng trong nước, thông qua đó là hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế tốt hơn rất nhiều”, TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.
Phân tích thêm về vấn đề này, vị chuyên gia còn bổ sung rằng, bên cạnh những lợi ích to lớn đã nêu, thì doanh nghiệp còn có thêm cơ hội mở rộng quy mô, doanh thu, thị trường, khả năng tiêu thụ,... và người tiêu dùng là người được hưởng lợi lớn nhất. Theo Bộ Tài chính tính toán, với lần giảm thuế này, ước lượng ngân sách sẽ giảm thu khoảng 49.000 tỷ đồng, giả định với phương án đó, thì 49.000 tỷ đồng sẽ nằm lại túi của các hộ gia đình, các cá nhân và họ sẽ lại tiếp tục tiêu dùng lượng tiền đó, thậm chí có thể hơn. Với hệ số khuếch đại của tiêu dùng, thì đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh xuyên suốt 2 năm, mặc dù đã có một số chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, bổ sung thu nhập cho người lao động. Nhưng chúng ta đã chứng kiến hàng chục triệu người lao động giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập và cả triệu người mất việc làm, cho nên việc giá hàng hóa không tăng, mà còn có cơ hội giảm nhờ ưu đãi chính sách thuế GTGT này có tác động rất lớn.
>>Giảm thuế VAT xuống 8%, người bán, người mua đều hưởng lợi
Đặc biệt, nếu trước đây chúng ta ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thì gần như không tác động tới mặt bằng giá cả hay nói rộng hơn là lạm phát của Việt Nam, trong bối cảnh trên thế giới lạm phát ở các nước phát triển đã lên tới mức cao, như tại Mỹ hay châu Âu. Từ đó thấy rằng, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT phổ thông cũng giúp chúng ta có điều kiện tốt hơn để kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Trong khi đây cũng là một yếu tố quan trọng, không chỉ liên quan đến vĩ mô mà còn liên quan đến mặt bằng giá cả sinh hoạt tiêu dùng.
“Đáng chú ý, trong chính sách lần này được đánh giá rất cao và cần phải bàn luận thêm để đi vào thực tế hơn, đó là liên quan đến câu chuyện tư duy khác biệt trong câu chuyện hoạch định chính sách. Nếu trước đây, chúng ta chỉ định ai sẽ được hỗ trợ, có liệt kê, thì lần này chúng ta làm ngược lại, là chỉ định rằng ai không được hỗ trợ. Tôi cho rằng đây là một cách lựa chọn mà giới chuyên môn hay gọi là “chọn bỏ” hãy “chọn cho” và lần này chúng ta chọn bỏ chứ không chọn cho. Vì thế, cái quan trọng nhất chính là hạn chế thấp nhất cơ chế xin cho, việc đặt ra điều kiện không hợp lý, để ai đó được hưởng, thì lần này sẽ là ai đó không được hưởng. Dù việc áp dụng mới diễn ra, còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhìn tổng quan chương trình lần này là sự đột phá về tư duy hoạch định chính sách, tới đây sẽ còn đột phá về tư duy thực hiện chính sách”, vị chuyên gia bày tỏ tin tưởng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Lệ Phương, giám đốc công ty tài chính kế toán Centax chia sẻ, điều quan trọng trong chính sách giảm thuế GTGT 10% là đánh vào người tiêu dùng, nhưng quan trọng hơn đó đều là những mặt hàng thông dụng. Còn những mặt hàng cao cấp hơn, có thuế tiêu thụ đặc biệt,... không được giảm, thì đây được xem là một chính sách xã hội rất tốt, vì hỗ trợ cho chính tiêu dùng tối thiểu của các cá nhân. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, thuế GTGT là thuế đánh vào người tiêu dùng, nên sẽ rất khuyến khích người tiêu dùng tăng sức mua, đồng thời làm giảm giá bán để người mua hàng sẽ tích cực mua hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tích cực sản xuất hơn.
“Trong thời gian vừa qua, sức mua yếu thì doanh nghiệp sản xuất cũng chậm đi, nhưng đối với doanh nghiệp, nhất là đối với những đơn vị sử dụng thuế GTGT kê khai theo phương pháp khấu trừ, sẽ không ảnh hưởng đến giá thành, mà chỉ ảnh hưởng đến thuế đầu ra và thuế đầu vào. Cho nên, đối với doanh nghiệp, nó chỉ có tác dụng về việc doanh nghiệp sẽ giảm đi một lượng vốn nhất định khi phải mua hàng hóa đầu vào, còn chủ yếu là hỗ trợ cho người tiêu dùng để đảm bảo an sinh xã hội nhiều hơn là hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Song, trong năm 2021 các doanh nghiệp Việt vẫn được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp với điều kiện doanh thu dưới 200 tỷ đồng và thấp hơn năm 2019, nghĩa là thấp hơn trước khi bị dịch, thì vẫn được hỗ trợ giảm 30 % thuế thu nhập doanh nghiệp”, bà Thu phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%
11:00, 19/02/2022
Giảm thuế VAT tác động ra sao tới lạm phát năm 2022?
07:05, 18/02/2022
Giảm thuế VAT về 8%: Doanh nghiệp “bối rối"
16:42, 17/02/2022
Người tiêu dùng hưởng lợi thế nào khi giảm thuế VAT xuống 8%?
14:05, 09/02/2022
Giảm thuế VAT xuống 8%, người bán, người mua đều hưởng lợi
00:05, 05/02/2022