Nên bỏ quy định phân biệt đối tượng được giảm 2% thuế GTGT
Các chuyên gia đều đồng tình quan điểm, giảm 2% thuế GTGT nên và cần áp dụng chung cho tất cả các giao dịch hàng hóa, dịch vụ, thì sẽ khắc phục được các bất cập đang diễn ra gần đây.
>>Khuếch đại chi tiêu trong nền kinh tế từ việc giảm 2% thuế GTGT
Một chính sách trúng ba mục tiêu
Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ mức 10% xuống 8% là một chính sách rất đột phá và đổi mới của Việt Nam.
Ông Hoè cho rằng, tất cả những lần suy thoái, khủng hoảng kinh tế trước đó, hầu như Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ là chính, nhưng đợt này, Chính phủ, Quốc hội đã đi một bài toán rất đúng, là sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn, để vừa kích thích tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ được người dân, lại vừa kiềm chế được lạm phát. Một chính sách mà giải quyết được ba vấn đề, ba mục tiêu là không hề đơn giản.
Đây cũng là một cuộc “đấu tranh” rất lớn, với tính toán tổng mức bán lẻ của Việt Nam ở mức 4.800.000 tỷ đồng, mà theo Bộ Tài chính tính toán chỉ giảm thu ngân sách 49.000 tỷ đồng là đúng, vì còn có những bộ phận bán hàng không có hóa đơn như các chợ dân sinh, kinh tế vỉa hè. Còn mua hàng hoá ở siêu thị, cửa hàng hay đầu vào đầu ra của doanh nghiệp có hóa đơn xuất nhập khẩu rõ ràng.
“Ngoài ra, khi doanh nghiệp đi vay tiền để nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất thì đều phải vay cả thuế GTGT 10%. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh nhập khẩu trong tháng 1 là 70.000 tỷ đồng nguyên liệu đầu vào, thì sẽ tiết kiệm được khoảng 1.400 tỷ đồng và số tiền đó các doanh nghiệp không phải đi vay ngân hàng. Khi doanh nghiệp không phải bỏ ra một lượng tiền vốn sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn, hay dành vốn tự có sang làm việc khác, còn nếu phải vay ngân hàng thì cũng giảm được doanh số vay, cũng như lãi suất, giảm được chi phí đầu vào,... đó chính là điểm mà ở góc nhìn ngân hàng tôi thấy rất rõ rệt”, ông Hoè cho biết.
Còn về các phân tích, bình luận, kiến nghị gần đây liên quan đến các vướng mắc trong việc thực thi chính sách, ông Hoè bày tỏ quan điểm, nếu giảm đồng loạt thuế với tất cả các mặt hàng chịu thuế suất 10% về 8%, thì ngân sách cũng không hụt thu đáng kể, đâu đó khoảng 10.000 tỷ đồng trở lại, không phải là con số quá lớn. Do đó, cần phải lượng hóa lại bài toán có bao nhiêu hóa đơn chính thức có thể xuất, còn lại ở các khu vực chợ tự do, buôn bán vỉa hè hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi thuế GTGT, cho nên có nhất thiết phải “chọn bỏ” như quy định hiện nay không, mà nên giảm đồng loạt như các kiến nghị đã nêu.
>>Giảm 2% thuế GTGT để phục hồi kinh tế
Bỏ quy định phân biệt đối tượng giảm thuế
Ở một quan điểm khác, TS. Nguyễn Trung Hưng, Giám đốc Marketing công ty Đại Việt Hương lại phân tích rằng, khi nói đến thuế là phải công bằng, hiệu quả nhưng ở một góc độ nào đó, thì thuế là phải thu đủ, thu đúng.
Ông Hưng dẫn chứng, thuế có ba nấc như: ở Mỹ, tổng thu thuế của ngân sách khoảng 28-29% GDP; ở Trung Quốc là khoảng 32-34 % GDP; còn châu Âu từ 45-60% GDP. Riêng Việt Nam, nếu GDP khoảng 300 tỷ USD và mỗi một năm thu 1.500.000 tỷ đồng tiền thuế, thì mới chỉ chiếm 21,4% GDP. Và ở mức lý tưởng nhất là Việt Nam thu bằng Trung Quốc, để tránh trường hợp thuế quá cao, có thể tạo ra những tổn thất vô ích, khiến người tiêu dùng mua ít đi và sản xuất ít hơn, thậm chí làm thu hẹp tối đa hóa tổng thặng dư, trong đó có thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất, thì cần phải chinh phục khoảng cách 13% bổ sung trên GDP.
“Nhưng hiện nay, chúng ta lại lo lắng về sự co giãn của tiêu dùng và co giãn sản xuất quá mức do tác động của dịch bệnh, muốn tụt mức thuế xuống, nên vấn đề ở đây là với mức chênh lệch phần trăm thuế như vậy, thì cần phải xem xét lại toàn bộ các vấn đề về mặt vĩ mô của nền kinh tế. Đồng thời cũng cần tư duy một cách nhẹ nhàng hơn trong việc thôi thúc Chính phủ giảm thuế”, ông Hưng cho biết.
Còn về mặt giảm thuế GTGT có chọn lọc, ông Hưng băn khoăn rằng, tại sao với thuế lũy thoái mà Chính phủ lại cho những nhà soạn luật giảm một cách có chọn lọc, tức là giảm không đồng đều, để đưa đến những bất cập trong thời gian vừa qua? Theo ông Hưng, thuế lũy thoái là phải đồng đều, đó là nguyên tắc căn bản. Chúng ta chỉ có thể giảm thuế ưu đãi, để thiết kế lại sự công bằng nào đó, nếu sự công bằng mang tính rộng khắp để chống phân hóa giàu – nghèo, hoặc giải quyết sự khó khăn của những tầng lớp nào đó với tác động đặc biệt. Bởi những biến cố mà không phải trên diện rộng, thì chúng ta chỉ có thể thiết kế trên thuế lũy tiến, nghĩa là muốn giảm cho thành phần nào thì giảm một cách dễ dàng, hoặc giảm trên hoá đơn đầu cuối thì sẽ tránh được những bất cập đã nêu.
Về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế giải thích, khái quát lại hiện nay, Việt Nam có khoảng 9 sắc thuế thực hiện theo 9 luật riêng biệt về chính sách thuế và có một luật chung đó là Luật Quản lý thuế. Trong đó, duy nhất có một thuế suất lũy tiến áp dụng ở thuế thu nhập cá nhân, hiện có mức thuế suất lũy tiến cao nhất là 35%. Còn lại có thêm một loại thuế trực thu nữa, đó là thuế thu nhập doanh nghiệp mà chính sách của chúng ta, kể cả chính sách thu ngân sách nhà nước, hay chính sách về ưu đãi hỗ trợ, cũng như các lần triển khai đều xoay quanh sắc thuế này.
“Tôi hoàn toàn tán thành về câu chuyện lũy thoái - lũy tiến, nhưng bản chất ở đây là trực thu hay gián thu. Đối với thuế trực thu, chúng ta hoàn toàn có thể phân biệt theo đối tượng nào được hưởng, đối tượng nào không, bản thân các ưu đãi hỗ trợ này cũng ghi rõ trong mỗi một mục. Tuy nhiên có thể nói rằng, đối với thuế gián thu thì không thể phân biệt các đối tượng được”, TS. Vũ Đình Ánh lý giải.
Cũng theo vị chuyên gia, vốn dĩ doanh nghiệp là người nộp thuế, nhưng doanh nghiệp chỉ trả hộ cho người tiêu dùng, còn người nộp thuế thật sự như thuế GTGT và các loại thuế gián thu khác là người tiêu dùng.
“Có lẽ hợp lý và phù hợp nhất, là chúng ta quan tâm đến hóa đơn cuối cùng, hóa đơn cho người bán lẻ, còn các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau, thì họ hiện nay đang thực hiện phương pháp khấu trừ. Như vậy rõ ràng, thuế GTGT đầu vào và đầu ra là khấu trừ vào doanh nghiệp, chẳng có liên quan gì đến câu chuyện này, mà cuối cùng họ chỉ nộp loại thuế cho người tiêu dùng cuối cùng phải trả.
Mà để chúng ta áp dụng cái gọi là hạch toán ưu đãi thuế là rất phù hợp và đúng bản chất. Một lần nữa tôi nhắc lại rằng, để phù hợp với bản chất của thuế gián thu này, thì chúng ta nên và cần áp dụng chung cho tất cả các giao dịch hàng hóa, dịch vụ thì sẽ khắc phục được các bất cập đang diễn ra gần đây”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Khuếch đại chi tiêu trong nền kinh tế từ việc giảm 2% thuế GTGT
05:30, 07/03/2022
Giảm 2% thuế GTGT để phục hồi kinh tế
04:30, 25/12/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Cần bổ sung thêm quy định
04:00, 05/11/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Bất cập về giá tính thuế
04:00, 04/11/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Một số điều chỉnh chưa hợp lý
04:00, 03/11/2021