Nếu xăng tăng lên 30.000 đồng/ lít, áp lực chi phí của doanh nghiệp sẽ ra sao?
Xung đột Nga – Ukraine khiến giá dầu leo thang, để lại hậu quả cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng nặng bởi giá xăng sẽ “phi mã”, gây áp lực chi phí vốn lớn cho các doanh nghiệp.
>>Giá dầu tăng cao, doanh nghiệp có thể bảo vệ mình như thế nào?
Doanh nghiệp vận tải bắt đầu điều chỉnh cước phí
Theo tính toán từ các doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội tại kỳ điều chỉnh sắp tới (11/3), giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.800 - 4.800 đồng/lít, tùy loại. Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng sẽ vượt mốc 30.000 đồng/lít, tiếp tục phá vỡ kỷ lục.
Trước diễn biến này, Thông tin từ Grab Việt Nam cho hay, bắt đầu từ ngày 10/3/2022, đơn vị này sẽ chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Cụ thể, với dịch vụ gọi xe ô tô GrabCar, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng. Trong khi đó, các hãng khác như Gojek và BeGroup chưa có động thái gì tương tự. Như vậy, Grab là hãng gọi xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước trên thị trường.
Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện công ty Vận tải Cường Thắng, doanh nghiệp vận tải hàng hóa tuyến Bắc – Nam chia sẻ, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá, nhưng mức điều chỉnh chỉ ở khoảng 15-20% và chỉ thực hiện với khách lẻ để bù đắp chi phí. Những đối tác "chung thân", làm việc hàng chục năm sẽ không thể tăng được, bởi nếu tăng doanh nghiệp sẽ mất khách quen. Với mức tăng giá cước như hiện nay, doanh nghiệp đang sụt giảm doanh thu tới 40%, trong khi đó, dịch bệnh khiến số lượng khách vận chuyển giảm nhiều, các đơn hàng không có.
"Chúng tôi buộc phải giữ cước ổn định, chấp nhận chịu thua thiệt để giữ được chân những khách hàng lâu năm. Nhưng với xu hướng tăng giá dầu, giá xăng thời gian tới đây, sẽ là bài toán rất khó cho doanh nghiệp: Không chạy cũng chết mà chạy tiếp thì thu khó bù nổi chi", bà Vũ Tuyết Hạnh nói.
>>Giải pháp ứng phó với giá dầu tăng mạnh năm 2022
Vẫn còn nỗi lo dài hơi
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhiều người cho rằng hành động quân sự sẽ kết thúc nhanh, nhưng hậu quả về kinh tế sẽ rất lâu dài. Vì trên thực tế chúng ta điểm lại, phần lớn các cấm vận của phương Tây và Mỹ đối với Nga đã đến đỉnh điểm, nghĩa là cực kỳ nghiêm trọng. Mặc dù Nga cũng chuẩn bị một hệ thống thanh toán riêng, nhưng điều đó cũng rất hạn hẹp cho một số quốc gia độc lập, hay một số ngân hàng lớn có vị thế độc lập.
Đến thời điểm này, cũng chưa ai nhận ra được, liệu kéo theo sau cuộc xung đột này là một cuộc chiến tranh tiền tệ hay không? Nhưng các chuyên gia thành thạo về thông tin cũng đang lo ngại, cuộc chiến quân sự này và cả cuộc chiến thương mại nếu dẫn đến chiến tranh tiền tệ, thì tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn hơn nhiều. “Dù một vài kịch bản Mỹ đưa ra đã có những dấu hiệu về chiến tranh tiền tệ, nhưng chắc chắn giá dầu thế giới sẽ tăng cao nữa, hoặc không tăng thì cũng sẽ lập đỉnh ở một thời gian dài, kéo theo hàng loạt các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu vừa mới chớm phục hồi thì đã bị trục trặc”, TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo.
Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, khi nguồn cung của toàn cầu vừa mới phục hồi thì đã gặp phải trở ngại lớn, chỉ số sản xuất có dấu hiệu giảm, đặc biệt năm 2020-2021, Mỹ gặp một trận hạn hán cực kỳ nghiêm trọng trong vòng 1.400 năm mới xuất hiện. Như vậy, mất mùa khiến sản lượng lương thực của Mỹ suy giảm mạnh, trong khi Nga gần đây trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm khá lớn của thế giới. Chính vì thế, có hai hệ thống giá bị tác động mạnh nhất, đó là giá nhiên liệu và giá lương thực thực phẩm. Nhưng hai hệ thống này lại không nằm trong rổ hàng hóa để tính chỉ số lạm phát của Mỹ, nên chỉ số này tại Mỹ hiện nay đâu đó chỉ 7-8%, vẫn là thấp so với thực tế, nếu cộng cả nhiên liệu, lương thực thực phẩm vào, thì có thể lên tới trên 10%.
“Toàn cầu cũng vậy, nếu tính chỉ số lạm phát một cách cẩn trọng, tức là lạm phát thực và lạm phát cơ bản, thì có thể ở mức khá cao rồi. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam, vì chúng ta là một nền kinh tế mở hoàn toàn, gần như chỉ đứng sau Hồng Kông, cho nên sẽ tác động trực tiếp vào thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ”, vị chuyên gia đánh giá.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, tác động trực tiếp từ Nga và Ukraine đến Việt Nam là nhỏ, vì tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam với hai nước này không quá lớn, tuy nhiên tác động gián tiếp lại tương đối lớn.
Ông Sơn nhận định: Việt Nam là kinh tế mở, chúng ta sẽ chịu áp lực lạm phát từ giá nguyên liệu tăng tương đối cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn cách nào mà buộc phải nâng lãi suất. Bản thân Fed trước đây đã chuẩn bị nâng lãi suất rồi, nhưng thấy lạm phát tăng thì sẽ rút ngắn chương trình nới lỏng định lượng lại, mức lãi suất sẽ tăng cao và nhiều lần hơn, dẫn đến sự mất giá nhiều đồng tiền của các nước khác, đặc biệt là những nền kinh tế của Đông Nam Á hay của Việt Nam vừa phải vật lộn sau đại dịch.
“Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn đang phải chịu thêm một vấn đề nữa đó là công nhân đòi tăng lương. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận điều này để níu chân người lao động, vì thế, theo nhận định của tôi, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải lưu ý vấn đề này, từ tỷ giá, cho đến chính sách lãi suất, đó là những con đường tác động đến Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Còn dòng đầu tư, theo tôi nghĩ sẽ không tác động lớn, vì Việt Nam vẫn là quốc gia được ưa chuộng, dòng vốn FDI vẫn có thể khá ổn định, nhưng bối cảnh vĩ mô làm Việt Nam phải bận tâm không phải là nhỏ.
Thêm nữa, quá trình sản xuất trong nước ngoài việc tăng do lạm phát, mà các vấn đề khác như tăng chi phí, liên quan đến nguồn cung sẽ không thể thuận lợi như trước. Hiện giờ, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đã phản ánh, nếu không có chính sách, thì doanh nghiệp buộc phải nâng chi phí vận tải, khi đó tất cả các mặt hàng sẽ tăng giá, trong khi Việt Nam ngoài việc là nền kinh tế mở, thì vấn đề giá lương thực và giá xăng dầu lại là yếu tố quan trọng trong rổ CPI và đó cũng là sóng gió lớn cần phải lưu ý”, ông Bùi Ngọc Sơn phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Giá dầu tăng cao, doanh nghiệp có thể bảo vệ mình như thế nào?
05:15, 17/02/2022
Giải pháp ứng phó với giá dầu tăng mạnh năm 2022
05:30, 12/02/2022
Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin về giá xăng dầu biến động
22:16, 03/03/2022
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát tình hình xăng dầu
17:26, 28/02/2022