Xây dựng và sử dụng công cụ phái sinh để ứng phó biến động xăng dầu
Chuyên gia cao cấp Đoàn Tiến Quyết tại Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, đối với các công ty dầu khí trong nước, việc xây dựng và sử dụng công cụ phái sinh đang rất khó, bởi vì liên quan đến cơ chế...
>>Giá xăng dầu còn dư địa để giảm nhiệt
Phiên giao dịch sáng ngày 16/3 (giờ Việt Nam), dầu ghi nhận mức giảm nặng liên tiếp 3 phiên đầu tuần, do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý, bao gồm các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, khả năng giảm nhu cầu của Trung Quốc và ngừng giao dịch trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.
Theo đó, dầu WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 96 USD/thùng, dầu Brent dưới mốc 100 USD/thùng. Còn giá bán các loại xăng dầu trong nước vẫn áp dụng mức được điều chỉnh từ 15h chiều ngày 11/3/2022, giá xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng/lít so với giá kỳ trước.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu phía Nam cho biết, giá dầu thô thế giới liên tục giảm giá trong những ngày qua có thể giúp kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 21/3 sẽ hạ nhiệt. "Mức giảm bao nhiêu chưa thể tính chính xác được, nhưng theo tính toán giá nhập từ 5 ngày qua cho thấy, giá cả hai mặt hàng xăng và dầu đều giảm nhiều so với kỳ trước. Mức giảm của giá dầu cao gấp đôi, hoặc hơn gấp đôi so với mức giảm giá xăng. Tuy nhiên, hiện tại quỹ bình ổn giá xăng dầu đang âm hàng trăm tỉ đồng, nên cơ quan quản lý có thể tính toán để tăng trích lập quỹ".
Theo đánh giá của GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), ngành vận chuyển hàng không, đường thuỷ vừa phục hồi bị ảnh hưởng nghiêm trọng về giá dầu, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục vận chuyển vì không gánh nổi chi phí. Trong khi đó, Bộ Tài chính đã đưa ra kiến nghị giảm 2.000 đồng/lít xăng dầu đối với thuế bảo vệ môi trường, song vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Không chỉ lĩnh vực vận tải gặp khó, mà các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang phải cố kìm giá hàng hoá. Đại diện WinCommerce (đơn vị quản lý, vận hành chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+) cho biết, thị trường tiêu dùng đang có xu hướng bước vào mặt bằng giá mới khi nhiều nhà cung cấp, nhà kinh doanh điều chỉnh tăng giá do tác động bởi giá xăng dầu tăng cao.
"Chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá của rất nhiều nhà cung cấp. Tuy nhiên, WinCommerce chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm nhu yếu phẩm," đại diện WinCommerce nói.
Còn theo Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, xăng dầu liên tục tăng giá trong thời gian sau Tết Nguyên đán đã ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà cung cấp hàng cho siêu thị, nhất là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. "Ở góc độ nhà bán lẻ, chúng tôi rất khó đoán định mặt bằng giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới".
Đưa ra khuyến nghị về giải pháp, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, nếu Việt Nam không có những chính sách quyết liệt để kìm giá dầu thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành vận tải mà toàn bộ đến nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu để giá dầu tăng quá mạnh, hiệu quả gói hỗ trợ nền kinh tế có thể sẽ giảm đi rất nhiều. Vì thế, đề nghị Chính phủ giữ giá dầu ở mức 22.000 - 23.000/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay giúp ngành giao thông vận tải phục hồi, yên tâm mở động sản xuất, làm kinh tế không bị đứt gãy do ngừng giao thông vận tải.
Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dầu thô của PVN thu được rất nhiều, ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch và tăng 48% so với cùng kỳ 2021.
>>Đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu
“Đối với thâm hụt ngân sách, sẽ được bù lại từ nguồn thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguồn cung liên quan tới vận tải... Đây là giải pháp tránh khủng hoảng kinh tế do giá dầu mà nhiều nước đã áp dụng. Các nhà hoạch định chính sách cần nhìn nhận giá dầu trong bối cảnh dài hạn và sâu rộng trong bối cảnh hội nhập thế giới để đưa ra quyết định dứt khoát nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của giá dầu đến kinh tế. Nếu không nhìn dài hạn sẽ thiên lệch về thu ngân sách do giá dầu tăng", ông Mại nói.
Bên cạnh các giải pháp tình thế nhằm làm hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, việc nghiên cứu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc áp dụng công cụ phái sinh đối với thị trường năng lượng, trong đó có dầu cần được tính tới để ứng phó hiệu quả với các biến động đầy bất lợi.
Chuyên gia cao cấp Đoàn Tiến Quyết tại Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, đối với các công ty dầu khí trong nước, việc xây dựng và sử dụng công cụ phái sinh đang rất khó, bởi vì liên quan đến cơ chế, trong đó, cụ thể là cơ chế thanh toán. Vì vậy, để vận dụng và sử dụng các công cụ phái sinh này một cách tốt nhất, chúng ta cần phải xây dựng hành lang pháp lý, đưa vào một cơ chế chính sách về mặt tài chính cụ thể, rõ ràng đối với các công ty dầu khí trong nước.
Ngoài ra việc đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động dự báo thị trường dầu khí là rất quan trọng, để có chiến lược xuất nhập khẩu phù hợp, đảm bảo cân bằng cung cầu trên thị trường, tránh gây thiếu hụt, đè nặng lên áp lực giá. Hiện nay, Viện Dầu khí Việt Nam đang áp dụng mô hình học máy và trí tuệ nhân tạo trong dự báo trích chi quỹ bình ổn giá và dự báo giá dầu thô, đạt tỷ lệ chính xác trên 90%.
“Với dự báo chính xác khi thị trường biến động, thì chúng ta có thể đưa ra quyết định với công cụ phái sinh một cách hợp lý, hiệu quả, giúp gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như giảm thiểu các rủi ro”, ông Quyết phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu
07:30, 16/03/2022
Đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu
05:30, 16/03/2022
Giá xăng dầu còn dư địa để giảm nhiệt
17:30, 15/03/2022
Kiểm soát giá xăng dầu: Cần sự phối hợp đồng bộ
15:00, 15/03/2022
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để “hạ nhiệt” giá xăng
03:50, 15/03/2022