Xung đột địa chính trị, vai trò đòn bẩy tài chính quốc tế về tay ai?

DIỄM NGỌC 01/04/2022 05:00

Chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính cho thấy, không có những thứ như tài sản trú ẩn an toàn, hoặc tiền tệ nào an toàn vào thời điểm xung đột địa chính trị leo thang...

>>Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt làm "nóng" căng thẳng với Nga

Tác động sâu sắc từ phương Tây

Kể từ khi bùng nổ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga được xem là một trong những lệnh trừng phạt hà khắc nhất từ trước đến nay. Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng, tài sản của các ngân hàng quốc doanh bị tịch thu và tài sản cá nhân của giới tài phiệt Nga cũng chung số phận. Tuy cuộc chiến tài chính này chắc chắn sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Nga, nhưng nó cũng tạo ra nhiều hậu quả lâu dài cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Nga

Lệnh trừng phạt từ phương Tây không chỉ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Nga, nhưng nó cũng tạo ra nhiều hậu quả lâu dài cho hệ thống tài chính toàn cầu (ảnh: Shutterstock)

Theo Chen Zhao, chiến lược gia tại Alpine Macro đánh giá, đồng Đô la Mỹ, đồng Euro và nhiều đồng tiền phương Tây khác vốn được coi là đồng tiền dự trữ toàn cầu, dùng để tích trữ làm tài sản của các quốc gia khác, chúng không chỉ hoàn toàn có thể chuyển đổi mà còn được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Kết quả là, hơn 95% tài sản dự trữ toàn cầu được giữ bằng tiền phương Tây, đặc biệt là Đô la Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt tài chính đã làm lung lay nhiều giả định và nguyên tắc cơ bản này. Họ đã chứng minh rằng, tài sản tài chính của các đối thủ phương Tây không bao giờ được coi là “an toàn” vì chúng có thể dễ dàng bị tịch thu hoặc biến thành “vũ khí hủy diệt” tài chính.

“Điều này cũng làm các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải quan ngại và đặt ra câu hỏi làm gì để bảo vệ khối tài sản của mình đã được cất giữ trong hệ thống tài chính phương Tây. Câu trả lời chỉ có thể là đa dạng hóa khỏi đồng Đô la Mỹ. Trước khi cuộc chiến diễn ra, Nga đã chuyển gần như tất cả dự trữ ngoại hối của mình khỏi đồng Đô la Mỹ và chuyển sang vàng, đồng Euro và các loại tiền tệ khác.

Mặc dù vậy, điều này giúp ích rất ít khi toàn bộ phương Tây tham gia vào các lệnh trừng phạt, đóng băng tổng thể 2/3 tài sản dự trữ của Nga. Bài học cho giới lãnh đạo Trung Quốc là, nếu Mỹ và các đồng minh cùng hành động, thì tài sản được giữ bằng Đô la Mỹ hay bằng các loại tiền phương Tây khác cũng tương tự...”, chiến lược gia nhận xét.

Liệu Trung Quốc có thể chuyển toàn bộ lượng dự trữ ngoại hối trị giá 3,2 nghìn tỷ USD của mình thành vàng? Vị chuyên gia cũng cho rằng, điều đó là không thể. Do tổng giá trị của vàng trên mặt đất là khoảng 12.500 tỷ USD, với khoảng một nửa ở dạng đồ trang sức. Điều đó khiến 6.700 tỷ USD vàng được giữ như một tài sản tài chính, trong đó 2.100 tỷ USD thuộc sở hữu của các Ngân hàng Trung ương và không có khả năng được bán; 4.600 tỷ USD còn lại đơn giản là quá nhỏ để hấp thụ một phần lớn trong số 3.200 tỷ USD dự trữ không phải vàng của Trung Quốc.

Song, nếu đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc là đồng tiền dự trữ toàn cầu, thì tính dễ bị tổn thương của tài sản Trung Quốc sẽ giảm đi đáng kể. Nhưng việc biến đồng tiền Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu thực sự không dễ dàng. Vì ngày nay, đồng Nhân dân tệ vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nó chiếm ít hơn 3% dự trữ toàn cầu và chỉ chiếm 4% của tất cả các tỷ giá hối đoái, thậm chí ít hơn so với đồng Franc Thụy Sĩ.

Giới chuyên gia cũng ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong việc thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ, nhưng những nỗ lực này không mang lại kết quả lớn nào, giúp nâng cao thị phần của đồng tiền trong các giao dịch tài chính hoặc thương mại toàn cầu.

Trở ngại chính để đồng tiền Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu là nó không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn hoặc không được thả nổi tự do. Vì thế, để đồng Nhân dân tệ có thể chuyển đổi hoàn toàn sẽ đòi hỏi phải tự do hóa lãi suất trong nước và hệ thống tài chính, nhưng không thể thực hiện được nếu không có những cải cách sâu rộng trong các doanh nghiệp nhà nước và Ngân hàng Trung Quốc. Một cách khác để cách ly tài sản của Trung Quốc khỏi các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây, là tái triển khai chúng khỏi hệ thống tài chính phương Tây và đầu tư hữu hình vào các quốc gia trung lập về địa chính trị.

>>Lệnh trừng phạt của Mỹ liệu có tác động đến dự trữ ngoại hối của các quốc gia?

Việt Nam vẫn duy trì ổn định ngoại hối

Một chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á cho biết, ở một mức độ nhất định, các dự án Vành đai và con đường đã giúp Trung Quốc đa dạng hóa rủi ro. Ví dụ, tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã leo thang lên 1.600 tỷ USD từ năm 2014 đến năm 2020. Nếu không có những khoản đầu tư này, dự trữ Đô la Mỹ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Trên thực tế, dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc đã giảm 800 tỷ USD so với mức đỉnh 4 nghìn tỷ USD năm 2014.

Hiện Việt Nam vẫn đang có cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định

Hiện Việt Nam vẫn đang có cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định (ảnh minh họa)

Mặc dù các khoản đầu tư vào vành đai và con đường đã giúp cắt giảm tích lũy dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thể nắm giữ phần lớn tài sản ở nước ngoài dưới hình thức đầu tư vào tài sản hữu hình bên ngoài hệ thống tài chính phương Tây. Điều này đơn giản là vì những tài sản này không có tính thanh khoản và chịu rủi ro kinh doanh, chính trị và tài chính rất lớn của các nước nhận tài trợ.

Cuối cùng, chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính tiếp theo cho thấy, không có những thứ như tài sản trú ẩn an toàn, hoặc tiền tệ nào là an toàn vào thời điểm xung đột địa chính trị leo thang. Bất kể chúng ta cắt giảm nó như thế nào, phương Tây vẫn giữ đòn bẩy kinh tế và tài chính rất lớn đối với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

“Chưa rõ Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược hoặc biện pháp đối phó nào để giảm bớt tính dễ bị tổn thương của các tài sản Trung Quốc nắm giữ trong hệ thống tài chính phương Tây. Cho dù cuộc chiến Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào, thì việc bảo vệ sự giàu có quốc gia của Trung Quốc và tránh các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây sẽ là hàng đầu trong chương trình nghị sự về an ninh quốc gia của Bắc Kinh tới đây”, vị chuyên gia dự báo.

Tại Việt Nam, những lo ngại về việc có đủ nguồn cung về ngoại hối để bình ổn tỷ giá, trước các biến động khôn lường của thị trường thế giới, cũng được đặt ra. Nhằm tiếp tục để cân đối nguồn ngoaị tệ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký quy chế mua bán ngoại tệ trong việc điều hành thị trường ngoại hối; đồng thời, tạo thuận lợi cho ngân sách nhà nước cân đối ngoại tệ, phục vụ cho các khoản chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ.

Theo đó, việc triển khai quy chế mua bán ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số cơ chế cụ thể của mua/bán ngoại tệ như giá ngoại tệ, rủi ro tỷ giá, tính minh bạch trong quy chế chưa được công bố.

Hiện Việt Nam vẫn đang có cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đạt 94,8 tỷ USD, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối quốc gia gồm các cấu phần khác nhau như ngoại tệ, vàng, trái phiếu chính phủ nước ngoài,… được xác định và đánh giá lại tại các thời điểm.

Một khi lượng dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt nhất là, chúng tạo nên sự thuận lợi trong việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị của VND.

Dự trữ ngoại hối còn là một bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế trong nước chống đỡ lại các cú sốc từ bên ngoài, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, thị trường ngoại hối ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tự tin bỏ vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, bởi họ ít phải lo ngại về rủi ro tỷ giá. “Chính sách tỷ giá luôn là một yếu tố vĩ mô quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài xem xét khi họ có ý định đầu tư vào Việt Nam”, ông Hiếu khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Lệnh trừng phạt của Mỹ liệu có tác động đến dự trữ ngoại hối của các quốc gia?

    00:00, 29/03/2022

  • Vì sao tiền điện tử không giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt?

    05:02, 20/03/2022

  • Chân dung một số tài phiệt Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây

    04:16, 06/03/2022

  • Xung đột Nga - Ukraine: Giới tài phiệt Nga tránh lệnh trừng phạt bằng tiền ảo

    05:00, 27/02/2022

DIỄM NGỌC