Cải thiện lòng tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo chuyên gia, cần tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để mọi quy trình trở nên chặt chẽ, an toàn, đảm bảo lòng tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
>>Thanh lọc trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Tồn tại nhiều khó khăn
Trong thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2019, quy mô trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 5,9% trên tổng GDP, thì đến hết tháng 3/2022, con số này đã là 17,5 % GDP, được xem là vượt ngoài mong đợi của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh và mạnh như vậy cũng cho thấy, trên thị trường đang có nhiều lỗ hổng, nhiều kẻ hở cần phải tiến hành rà soát, kiểm tra cũng như chỉnh sửa các cơ sở pháp lý và quy định cụ thể của thị trường; để từ đó làm thị trường trái phiếu không chỉ phát triển nhanh mạnh, mà còn bền vững, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên.
Về những khó khăn tồn tại trên thị trường trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế đã chỉ ra một số vấn đề như:
Thứ nhất, là sự chậm trễ lại trong quá trình vừa phát hành, vừa tiêu giảm quy mô của các đợt phát hành và thậm chí, không còn đợt phát hành mới trong thời gian gần đây.
Thứ hai, là tâm lý của các nhà đầu tư rất hoang mang, nhiều người muốn thoái lui, muốn bán tháo nhưng thanh khoản không có nên không bán được, khiến cho giá trên thị trường bị giảm.
Thứ ba, là sự đảo chiều của các dòng vốn, thay vì tập trung vốn vào thị trường chứng khoán cũng như tìm kiếm các khách hàng mới, thì dòng vốn dường như đang có nguy cơ rút ra để chuyển sang lĩnh vực khác, tạo ra làn sóng tâm lý bất ổn cho hoạt động chứng khoán khác, kể cả các cổ phiếu của những doanh nghiệp liên quan chứ không chỉ trái phiếu.
Thứ tư, một biểu hiện đáng quan ngại nhất đó là xu hướng mất điểm liên tục của các chỉ số Index trên thị trường, đồng thời việc bán ròng đang khá đậm và kéo dài.
Thứ năm, một hệ quả rất trực tiếp và lâu dài là các doanh nghiệp đang thiếu vốn, nhất là các doanh nghiệp đang cần phát hành hoặc đang có nhu cầu vốn thì lại băn khoăn xem lựa chọn kênh dẫn vốn nào cho hoạt động của mình. Trong khi đó, vốn từ ngân hàng bị siết lại, tất cả đều dẫn đến sự trì trệ các dự án, công ăn việc làm, thu nhập, dòng tiền, an sinh xã hội và các hoạt động khác.
Xét về mặt nhận diện và logic, thì chúng ta cần phải bám sát để có giải pháp thích ứng.
“Về tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán, không giống như vay ngân hàng thương mại phụ thuộc vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước, mà phụ thuộc vào nhà đầu tư. Khi niềm tin được củng cố, lợi nhuận uy tín của doanh nghiệp được khẳng định, thì doanh nghiệp sẽ tự đẩy lên mà không cần bất kỳ động thái hỗ trợ nào. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các thông tin còn đang thiếu hoặc không chính xác, cộng với những báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phát hành gây quan ngại và đặc biệt là một tin đồn tạo ra tâm trạng lo âu chung. Từ đó, tư tưởng phòng ngừa, im lặng chờ xem sao đang phổ biến, dẫn đên khó có thanh khoản hay nói cách khác, khó có người nào dám bỏ tiền ra tiếp tục đầu tư trên thị trường trái phiếu, nhất là mua đi bán lại với những trái phiếu đang có, kể cả những trái phiếu trước đây thuộc diện “hot”.
Ngoài nguy cơ về thanh khoản hay khả năng cam kết trả lợi tức đúng hạn, thì còn vấn đề về thị trường thứ phát chưa thực sự phát triển. Chúng ta mới chỉ quan tâm chủ yếu đến thị trường sơ phát, công ty phát hành ra để đấy, việc mua đi bán lại chưa có sân chơi nhiều, chưa có thủ tục hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm nên đang gây cản trở lớn”, TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.
>>Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Lo lắng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Tăng trách nhiệm giám sát
Với những phân tích về mặt nguyên nhân, thì rõ ràng thị trường cần thêm những động thái để phục hồi, trước hết là cải thiện lòng tin dựa trên thông tin. Vì thế, chỉ đạo mới đây nhất của Thủ tướng Chính phủ tới các cơ quan chức năng trong việc thanh kiểm tra, vào cuộc xác minh và xử lý những tin đồn nhũng nhiễu, thất thiệt làm ảnh hưởng đến uy tín, lòng tin của nhà đầu tư là rất quyết liệt.
Để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và bớt đi gánh nặng cho ngân hàng khi các doanh nghiệp cứ trông chờ vào các nguồn vốn vay trung - dài hạn, thì chính thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng phải có hành động cụ thể. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện những biện pháp khẩn cấp trong vấn đề kiểm soát, ổn định thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Có thể thấy, tất cả những biện pháp đưa ra là rất cần thiết vì trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang cần động lực cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế, cần một kênh huy động vốn trực tiếp trên thị trường tài chính thay vì chỉ thông qua ngân hàng và đồng thời rất cần sự phát triển lành mạnh, giảm thiểu hậu quả trong thời gian tới.
Vị chuyên gia đã nêu ra ba nhóm giải pháp, cụ thể như:
Một là, tập trung rà soát sửa đổi luật bao gồm Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp và các quy định liên quan. Trong đó có những ý kiến của Bộ Tài chính về nhận diện được những điểm trống, điểm khiếm khuyết đang tồn tại, tuy nhiên cần phải bổ sung thêm quy định liên quan đến vấn đề thu hẹp phát hành, mục đích phát, hành giảm thiểu tình trạng lạm dụng.
Hai là, đưa ra giới hạn kiểm soát với ngân hàng thương mại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tránh trường hợp các ngân hàng đầu tư quá mức vào các trái phiếu bất động sản, tạo ra tổng dư nợ bất động sản chung cho xã hội rất cao và nguy hiểm. Điều đó gây ra những “đốm lửa” có thể lan tỏa khả năng vỡ nợ của hệ thống ngân hàng nếu trái phiếu doanh nghiệp kia bị mất khả năng thanh khoản.
Ba là, cần phải bổ sung vai trò trách nhiệm của cơ quan chứng khoán vào trong quy trình thông tin và quy trình niêm yết phát hành.
“Tân Hoàng Minh là một điển hình khi họ phát hành 9 đợt trái phiếu trong 6 tháng mà không thông báo cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Cơ quan này không biết, không can thiệp trong khi họ đã phát hành thành công, thì đây là một ví dụ cho thấy không có sự kiểm soát chặt chẽ, cũng như không có tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan quản lý, đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư trên thị trường.
Trong tháng tới, chúng ta nên bổ sung một quy định là thay vì công bố trên cổng thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, thì đơn vị phát hành phải thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng báo cáo chính thức, có xác nhận đóng dấu vào bản phát hành thì mới được phát hành. Vậy rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải tăng trách nhiệm giám sát, đảm bảo thông tin trong quá trình phát hành đó, cũng như các quy trình được đảm bảo. Đây là một động thái rất đơn giản và cần thiết, buộc phải có trong thời gian tới để mọi quy trình trở nên chặt chẽ, an toàn hơn, đảm bảo lòng tin hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần bổ sung trách nhiệm của các cơ quan tư vấn như các đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính của đơn vị phát hành. Hiện nay cũng không ai chịu trách nhiệm về chất lượng kiểm toán đó, còn nhà đầu tư thì chỉ nghĩ rằng, khi đã được kiểm toán đồng nghĩa với việc được kiểm soát chặt chẽ và chính xác. Khi đơn vị phát hành phối hợp, liên kết lợi ích với đơn vị kiểm toán đưa ra những báo cáo giả, chất lượng kiểm toán kém, rồi những dịch vụ phát hành kém,... thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi đến nhà đầu tư và uy tín chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán như giai đoạn vừa qua”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thanh lọc trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
03:00, 05/05/2022
Công ty Chứng khoán bị siết trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư còn trông vốn margin?
05:15, 03/05/2022
Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Lo lắng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
04:00, 02/05/2022
Bộ Xây dựng: Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu
03:00, 02/05/2022