PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần giải pháp đúng và trúng
Theo Phó Chủ tịch VCCI, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, ổn định, cần có các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường.
>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”
Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 19/5, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, năm 2022, kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn biến động mới, với sự kéo dài, dư âm, hệ quả của 2 năm COVID-19 cùng sự hồi phục của các nền kinh tế lớn.
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt Ngân hàng Trung ương phát đi tín hiệu bắt đầu tăng lãi suất cơ bản, giảm các gói kích thích kinh tế. Một thời kỳ ứng phó với lạm phát thông qua co hẹp các gói kích thích và sử dụng tiền tệ thắt chặt đã xuất hiện. Đi cùng, chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa vừa phục hồi một phần thì chiến tranh Nga- Ukraine xảy ra, đẩy giá dầu thô và nhiều loại nguyên liệu sản xuất lên đỉnh cao nhất trong 10 năm, gây áp lực lạm phát lên kinh tế toàn cầu và gây quan ngại về chiến tranh tiền tệ. Môi trường kinh doanh toàn cầu trở nên biến động khó lường và khó khăn hơn.
“Trong bối cảnh chung đó, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực. Kết thúc quý 1/2022, tăng trưởng GDP đã vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý, cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, để thúc đẩy phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ấy nhìn lại, vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của cùng kỳ năm 2019 – thời kỳ bình thường và là năm tăng trưởng cao của nền kinh tế trước đại dịch. Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% sẽ là thách thức lớn trong bối cảnh tình hình quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trên cả môi trường kinh doanh quốc tế và nội địa, khi giá cả hàng hóa nguyên nhiên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao. Cùng với đó, những tác động từ thị trường vốn, tiền tệ với việc tiếp cận tín dụng vẫn còn khó khăn, mặt bằng lãi suất đang có tín hiệu tăng lên; các gói hỗ trợ tài khó – tiền tệ một phần chưa thể tiếp cận được, nhất là gói hỗ trợ cấp bù lãi suất chưa đi vào triển khai", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, với những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh mẽ khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện và hạ tầng thị trường chưa thực sự đồng bộ; các chủ trương chính sách rà soát, quản lý thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung theo hướng sát sao minh bạch, hiệu quả để hướng đến triển vọng tương lai là hoàn toàn đúng đắn; song vẫn khó tránh khỏi những tác động ngắn hạn.
>>Mở đường cho trái phiếu doanh nghiệp
Vị lãnh đạo VCCI cũng đánh giá, thị trường vốn luôn có vai trò chủ đạo, lớn gấp 3 lần thị trường vốn chủ sở hữu; trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung- dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, thị trường vốn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.
Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP). Trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của quốc gia.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn: Phát triển Thị trường trái phiếu Doanh nghiệp hiệu quả và bền vững.
"Diễn đàn sẽ hướng đến đánh giá tổng quan thực tế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, cùng các giải pháp phát triển thị trường, các ý kiến sẽ được VCCI tổng hợp, kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ, hướng đến đóng góp sáng kiến cùng các cơ quan chuyên môn trong định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp lý, vận hành thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư được tăng nguồn lực vốn, tăng trưởng giá trị, được đầu tư kinh doanh an toàn, sinh lợi tốt”, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”
14:00, 19/05/2022
Phát triển thị trường trái phiếu hiệu quả, bền vững
08:00, 19/05/2022
Đưa trái phiếu doanh nghiệp về đúng vị trí trên thị trường
05:30, 19/05/2022
Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng chế tài xử lý vi phạm
04:00, 19/05/2022