PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Giải pháp phát triển bền vững

HUYỀN TRANG-Ảnh: NGỌC TUẤN 19/05/2022 15:49

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã đưa ra một số giải pháp từ chính sách.

>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Bài học từ thị trường Mỹ

Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” từ 13h30-17h00 ngày 19/05.

Tại Diễn đàn, điểm lại thị trường trái phiếu Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện tại quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP) còn thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc 86.6%, Malaysia 60% GDP.

ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Với thị trường vốn của Việt Nam hiện nay, ngân hàng đang đảm nhiệm nhiệm vụ cung vốn của thị trường. Doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).

Điều này, theo ông Đậu Anh Tuấn sẽ tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tài chính tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).

Về thị trường trái phiếu riêng lẻ, ông Tuấn cho biết tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605 nghìn tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. 

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy khối lượng trái phiếu tín dụng phát hành ra công chúng là 31 nghìn tỷ đồng. 

Trong quý I/2022, khối lượng trái phiếu tín dụng phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105,5 nghìn tỷ đồng; đồng thời, các doanh nghiệp đã chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.

Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% tổng khối lượng phát hành.

Từ thực tế, ông Tuấn đã chỉ ra các vấn đề của thị trường trái phiếu riêng lẻ như: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, phát sinh rủi ro; Tiêu chuẩn doanh nghiệp phát hành chưa cao; Tình hình tài chính một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế. Rất nhiều nhà đầu tư trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ chỉ quan tâm tới lãi suất chứ không quan tâm tới tình hình phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” từ 13h30-17h00 ngày 19/05 thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 19/05 thu hút sự quan tâm nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.

Cùng với đó, ông Tuấn cho biết với thị trường trái phiếu riêng lẻ, đã có tình trạng doanh nghiệp doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố hoặc doanh nghiệp tuân thủ lỏng lẻo các thông tin đã được công bố. 

“Nhà đầu tư vi phạm lách quy định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật”, ông Tuấn nói. 

Tiếp theo, ông Tuấn nhấn mạnh, với thị trường trái phiếu riêng lẻ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp (doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…) chưa chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường.

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” được tổ chức theo hai hình thức là trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 19/5 với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Về giải pháp đối với trái phiếu riêng lẻ, ông Tuấn đã đưa ra một số giải pháp để phát triển thị trường.

Một là, điều kiện phát hành, ông Tuấn cho biết, hiện tại Dự thảo 5 Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quy định 3 điều kiện với tổ chức phát hành gồm: Kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dự nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu.

Hai là, điều kiện với nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, ông Tuấn cho biết Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.

Những quy định này, theo ông Tuấn đang bộc lộ rất nhiều bất cập.

“Các quy định này có thể sẽ tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ. Cùng với đó, chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ: kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn… hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức”, ông Tuấn nói.

quyp/mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.

Quy mô thị trường trái phiếu hiện tại đạt 39,7% GDP.

Ba là, quản lý dòng vốn, mục đích vay, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, hiện tại, Dự thảo 5 Nghị định sửa đổi 153/2020/NĐ-CP quy đinh doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu đểngóp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khác và cho doanh nghiệp khác vay vốn.

>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần giải pháp đúng và trúng

Những quy định này, theo quan điểm của ông cũng tiếp tục tạo ra sự bất cập vì sẽ hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp và cản trở hoạt động M&A. 

“Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng các quy định này cũng không phù hợp với nguyên tắc quản trị của tập đoàn (Công ty mẹ có uy tín đảm nhận việc phát hành trái phiếu sau cho công ty con (công ty dự án) vay lại)”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bốn là, tư cách nhà đầu tư, hiện tại, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định dẫn chiếu điều kiện tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Luật Chứng khoán. Theo đó, Điều 11 Luật Chứng khoán: cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng

Thực tế, theo ông Tuấn, quy định này khi thực hiện thường bị “lách luật” bằng cách mua trái phiếu Chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian ngắn rồi bán.

Do đó, ở Dự thảo lần 5 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, ông Tuấn đề xuất sửa quy định này theo hướng nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đầu tư, nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán niêm yết trong vòng 2 năm liên tục, có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng.

Năm là, giải pháp từ yêu cầu đánh giá tín nhiệm bắt buộc. Đây là giải pháp mà các nước thường sử dụng. Theo ông Đậu Anh Tuấn, ở đây có sự bất đối xứng thông tin, bởi có nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp mà không biết tình hình tài chính nhà đầu tư như thế nào. Thường ở các nước, họ bắt buộc phải định giá tín nhiệm qua các công ty định giá chuyên nghiệp, qua đó đánh giá cụ thể về những rủi ro có thể gặp phải là như thế nào. 

Dưới góc nhìn của ông Đậu Anh Tuấn, quản lý nhà đầu tư cũng gặp trục trặc bởi nguồn vốn trong dân của người Việt Nam tương đối lớn. Ngay cả với vốn vay ngân hàng, mặc dù có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, nhưng bản thân ngân hàng quản lý doanh nghiệp vay vốn và sử dụng vốn vẫn gặp nhiều khó khăn; thì việc các nhà đầu tư cá nhân phải quản lý các mục tiêu sử dụng vốn còn khó hơn nhiều. 

Tài sản bảo đảm hiện nay về lý thuyết là tốt, nhưng thực sự giá trị của tài sản đảm bảo có sự thay đổi rất nhanh. Điển hình như bất động sản, đất đai, cứ hình dung nếu doanh nghiệp không trả được trái phiếu mà phát mại tài sản đó ở Việt Nam hiện nay là quy trình rất phức tạp. Ngay cả việc phát hành để thu hồi tài sản từ bất động sản, chỉ thu hồi của vài chủ nợ đã khó, đằng này phải thu hồi hàng trăm, hàng nghìn chủ nợ là một thách thức rất lớn. Do đó, ông Tuấn cho rằng định giá tín nhiệm là một giải pháp rất quan trọng và tiềm năng. "Tiếc là trong Dự thảo 5 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP lại hơi mờ nhạt, chưa đậm nét". - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Có thể bạn quan tâm

  • PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Sớm hoàn thiện "hạ tầng" pháp lý

    15:21, 19/05/2022

  • Thị trường tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam chứng tỏ sức hấp dẫn hàng đầu khu vực

    15:16, 19/05/2022

  • PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU: Bài học từ thị trường Mỹ

    14:58, 19/05/2022

  • PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần giải pháp đúng và trúng

    14:13, 19/05/2022

  • Chủ tịch VCCI: "Đạo đức doanh nhân là cốt lõi hình thành văn hoá của mỗi doanh nghiệp"

    13:01, 19/05/2022

HUYỀN TRANG-Ảnh: NGỌC TUẤN