PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Bệ đỡ từ thị trường trái phiếu Chính phủ

DIỄM NGỌC - Ảnh NGỌC TUẤN 19/05/2022 19:00

Theo TS. Cấn Văn Lực, cần tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, để bổ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh về lâu dài.

>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Không nên cứng nhắc mục đích sử dụng vốn

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 19/5, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ Quốc gia cho biết, ngày 22/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu ba quan điểm quan trọng bao gồm: Thứ nhất, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, nghĩa là doanh nghiệp nào làm sai, vi phạm, đương nhiên phải xử phạt rất nặng, còn doanh nghiệp nào làm ăn chân chính thì phải tiếp tục tạo điều kiện để phát triển; Thứ hai, không hình sự hóa quan hệ kinh tế; và Thứ ba, mục tiêu chính của chúng ta là để lành mạnh hóa thị trường và không “bóp nghẹt”...

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia

“Trước những vấn đề xảy ra vừa qua trên thị trường, các chuyên gia đã đề cập nhiều đến một vấn đề quan trọng, là làm rõ hơn vai trò của trung gian tài chính khi tham gia cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp phát hành. Trong Dự thảo Nghị định 153, Bộ Tài chính về cơ bản đã chú trọng hơn vấn đề này, như đơn vị quản lý tài khoản có trách nhiệm gì, đơn vị bảo lãnh phát hành, tư vấn hay phân phối phải làm gì... Chúng ta vẫn phải tiếp tục góp ý để những vấn đề trên được xác thực hơn.

Một điều nữa chúng ta không thể quên đó là tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, vì hai loại hình này song song nhau, trái phiếu Chính phủ được dùng làm mốc chuẩn để định giá lãi suất và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.  Nên về lâu dài, đây sẽ là một giải pháp rất quan trọng”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo vị chuyên gia, vừa qua, có doanh nghiệp cho ý kiến rằng, hiện nay ở Việt Nam vẫn nhầm lẫn về việc đi vay vốn hoặc đi huy động vốn chỉ để phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều đó là không hoàn toàn đúng. Thực tế, doanh nghiệp đi vay vốn hay phát hành trái phiếu còn dùng tiền đó để đầu tư như M&A, mua bán sát nhập, nhất là những doanh nghiệp có nghề đầu tư tài chính.

>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: 6 giải pháp thúc đẩy thị trường

Còn về vấn đề xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra. Nhưng Việt Nam có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, nên cho phép thành lập nhiều công ty hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Song song với đó là xem thời gian xét duyệt, quy trình thủ tục cần nhanh hơn.

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững"

Thực tế, cũng có những doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế như Moody’s, S&P, Fitch,... thì sẽ không cần thiết phải xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Để thấy rằng, năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vô cùng quan trọng. Không nên quan trọng số lượng nhiều hay ít, nếu các công ty ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu và chứng minh được năng lực thì sẽ rất sẵn sàng cho thị trường đón nhận.

“Thêm một vấn đề nhận được nhiều quan tâm chính là mục đích phát hành và có giám sát hay không giám sát. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu doanh nghiệp tự giác là rất tốt, không ai muốn phải giám sát, nhưng tại Việt Nam, mức độ tự giác chưa cao. Như ở nhiều nước, các chủ thể phát hành đều cực kỳ giữ thể diện, uy tín của mình và khi các cam kết đã nêu trong cáo bạch, thì nhất định họ phải thực hiện. Vì vậy, câu chuyện thanh tra kiểm tra, giám sát sau như thế nào còn cần phải bàn thảo tiếp, còn giao cho một bên nào đó thì chưa thể làm ngay được.

Cuối cùng là về tài sản đảm bảo, phát hành trái phiếu không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo,  nhưng với Việt Nam đôi khi vẫn cần. Có một ví von rằng “khi bị chết đuối thì cọng rơm cũng quan trọng”. Do đó, tài sản đảm bảo sẽ là “cọng rơm” cho những trường hợp xấu xảy ra, dù không nhất thiết phải có”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: 9 nội dung kiến nghị

    19:33, 19/05/2022

  • PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Không nên cứng nhắc mục đích sử dụng vốn

    17:28, 19/05/2022

  • PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần công khai, minh bạch thông tin phát hành

    17:02, 19/05/2022

  • PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: 6 giải pháp thúc đẩy thị trường

    16:46, 19/05/2022

DIỄM NGỌC - Ảnh NGỌC TUẤN