PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU: Tạo lập văn hóa xếp hạng tín nhiệm
Theo ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch SaigonRatings, khi tạo lập và phát triển được văn hoá xếp hạng tín nhiệm, sẽ có thể sẽ tạo ra nhu cầu đầu tư hiệu quả trên thị trường.
>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Không nên cứng nhắc mục đích sử dụng vốn
Tại Diễn đàn "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do VCCI chỉ đạo, Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hôm 19/5, ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating) cho biết trên bình diện quốc gia Thủ tướng đã có Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 V/v Đề án cải thiện Xếp hạng tín nhiệm quốc gia nhằm giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia và thực hiện các mục tiêu quan trọng khác.
“Chúng tôi cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thật sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, thì sự vận hành thị trường cần phải có sự sẵn sàng đồng bộ đồng thời của 3 yếu tố quan trọng sau đây: Hệ thống hành lang pháp lý cần phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quản lý thế giới để định hướng thị trường; sự minh bạch thông tin thị trường đầu tư trái phiếu, gắn với sự tham gia có trách nhiệm, có hiệu quả của các chủ thể tham gia trên thị trường; đồng thời cần phải nâng cao hơn nữa về hiệu quả vai trò giám sát, chế tài xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý chức năng”, ông Minh nói.
Về thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay, ông Minh cho rằng đang ở giai đoạn đầu sơ khai phát triển. Bên cạnh các nhân tố tiềm năng, cơ hội và dư địa phát triển rất lớn, thì còn rất nhiều vấn đề bất cập, tự phát và phát triển thiếu bền vững.
“Vì vậy, Chính phủ cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý nhà nước định hướng cho phù hợp, trấn an nhà đầu tư và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Yêu cầu chung đặt ra là, Nhà nước cần định hướng thị trường phát triển lành mạnh hiệu quả, an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Minh khẳng định.
Để thị trường phát triển lành mạnh hiệu quả, an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế ông Minh đã nêu ra một số vấn đề cần giải quyết:
Với vấn đề thứ nhất - doanh nghiệp có chất lượng Xếp hạng tín nhiệm tốt thông thường sẽ có nhiều thuận lợi hơn, trong việc huy động vốn, với chi phí thấp và có khả năng thu hút đa dạng hoá các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả chỉ dành cho các doanh nghiệp tốt chứ không phải dành cho tất cả doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần có một quá trình liên tục xây dựng hình ảnh, giá trị thương hiệu, chất lượng quản trị, quản lý điều hành hiệu quả và rất nhiều tiêu chí năng lực quan trọng khác nhằm từng bước cải thiện nâng cao chất lượng tín nhiệm.
Tiêu chuẩn Xếp hạng tín nhiệm có tác dụng rất lớn, góp phần phân biệt về uy tín, năng lực và khả năng huy động vốn cho hệ thống doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Vấn đề thứ hai, theo ông Minh là vai trò minh bạch thông tin.
Kinh nghiệm cho thấy, đa phần các tổ chức phát hành trái phiếu có chất lượng tín nhiệm tốt (từ mức đầu tư trở lên), trên thị trường thế giới phần lớn không có yêu cầu tài sản đảm bảo. Nhà đầu tư quyết định mua trái phiếu chỉ dựa vào việc tham khảo thông tin mức tín nhiệm của tổ chức phát hành chứ không dựa trên tài sản đảm bảo.
Vì vậy, ông Minh cho rằng yêu cầu thông tin minh bạch về doanh nghiệp là yêu cầu cần thiết và vô cùng quan trọng, đối với mọi tổ chức và cá nhân đầu tư trên thị trường khi họ tham khảo thông tin, cân nhắc và quyết định đầu tư.
Tất cả thông tin về yếu tố rủi ro vĩ mô, rủi ro ngành, rủi ro môi trường kinh doanh, rủi ro quản trị và quản lý và rủi ro tài chính (bao gồm tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của bên thứ ba) của doanh nghiệp khi thực hiện Xếp hạng tín nhiệm thì các tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm đều xem xét, cân nhắc và thẩm định trước khi đưa ra quyết định Bậc (Triển vọng) XHTN doanh nghiệp phát hành và/hoặc trái phiếu.
Kinh nghiệm cho thấy, đa phần các tổ chức phát hành trái phiếu có chất lượng tín nhiệm tốt (từ mức đầu tư trở lên), trên thị trường thế giới phần lớn không có yêu cầu tài sản đảm bảo. Nhà đầu tư quyết định mua trái phiếu chỉ dựa vào việc tham khảo thông tin mức tín nhiệm của tổ chức phát hành chứ không dựa trên tài sản đảm bảo.
Vì vậy, yêu cầu thông tin minh bạch về doanh nghiệp là yêu cầu cần thiết và vô cùng quan trọng, đối với mọi tổ chức và cá nhân đầu tư trên thị trường khi họ tham khảo thông tin, cân nhắc và quyết định đầu tư.
Vấn đề thứ ba - Cần tạo lập văn hoá xếp hạng tín nhiệm.
Văn hoá xếp hạng tín nhiệm hình thành phát triển, có thể sẽ tạo ra nhu cầu đầu tư trên thị trường. Điều này, sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế có đủ điều kiện tiếp cận thông tin để quyết định các dòng vốn từ tiền gửi tiết kiệm, các loại hình quỹ đầu tư và bảo hiểm tiềm năng tham gia đầu tư.
Hiện nay, ở thị trường tài chính Việt Nam đang diễn ra thực trạng bất đối xứng thông tin về xếp hạng tín nhiệm.
Kinh nghiệm cho thấy, một số quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Ấn Độ, Trung Quốc... Đây là các thị trường vốn năng động nhất đều có quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và trái phiếu.
Sau này, khi đã trở thành tập quán kinh doanh và văn hoá xếp hạng tín nhiệm thì các quy định này không còn ý nghĩa nên Nhà nước có thể sẽ bãi bỏ chính sách này.
>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: 6 giải pháp thúc đẩy thị trường
Ngoài ra, theo ông Minh, vấn đề thứ tư đó là làm thế nào để xác định số lượng công ty xếp hạng tín nhiệm là vừa đủ?
Theo đó, một số câu hỏi quan trọng được đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước là:
Hệ thống pháp luật Việt Nam cần hoàn thiện điều gì vừa cần thiết, đủ hấp dẫn và khuyến khích các tổ chứcãếp hạng quốc tế quyết định đầu tư phát triển ở Việt Nam?
Các giải pháp có thể xem xét là: Cho phép lập văn phòng đại diện hay liên doanh nội địa; Hoặc là liên doanh với các công ty xếp hạng tín nhiệm nội địa.
Thực tế cho thấy, có thể trong ngắn hạn có một số vấn đề nhỏ như các công ty xếp hạng tín nhiệm Nhật Bản, Hàn Quốc ... ra đời cách đây vài thập kỷ sẽ xuất hiện; nhưng ông Minh cũng cho biết thêm trong trung và dài hạn Saigon Raings đang hợp tác chuyên môn và đào tạo với Fitch Learning; Nguồn lực dữ liệu quốc tế và đội ngũ chất lượng cao trong nước và chuyên gia quốc tế; đồng thời quá trình làm việc sẽ góp phần nâng cao dần năng lực chuyên môn và kinh nghiệm để cung cấp dịch vụ phục vụ cho nhu cầu thị trường và đáp ứng thông lệ hoạt động và chuẩn mực chất lượng chuyên môn của các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Trả lời cho câu hỏi trong thời gian tới cần bao nhiêu tổ chức xếp hạng tín nhiệm là phù hợp? ông Minh cho biết, theo nghiên cứu, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Thế giới và tổ chức xếp hạng tín nhiệm địa phương có các điểm như: Xếp hạng tín nhiệm quốc tế có 3 tổ chức cung cấp hơn 95% dịch vụ xếp hạng tín nhiệm toàn cầu; Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan có 03 tổ chức; Philippines và Đài Loan có số lượng tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã ổn định vài thập kỷ đến nay và hiện nay các nền kinh tế này, có GDP lớn hơn Việt Nam rất nhiều nhưng các tổ chức này đang vận hành hoạt động tốt, hiệu quả và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường ở các nước sở tại.
"Kinh nghiệm nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các tổ chức có uy tín và thành công của thế giới phải trải qua quá trình đầu tư và vận hành phát triển hàng thập kỷ mới tạo dựng được uy tín thương hiệu và giá trị các nguồn lực cần thiết.
Đối với Việt Nam theo chúng tôi Chính phủ nên tham khảo kinh nghiệm quản lý quản lý phát triển thị trường trái phiếu các quốc gia phát triển ở Châu Á đã thực hiện thành công.
Chúng tôi được biết, quan điểm của Ngân hàng ADB kiến nghị Chính phủ Việt Nam chỉ nên có 03 tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vừa đủ và phù hợp với quy mô phát triển thị trường trái phiếu trong trung và dài hạn. Nhiều tổ chức hơn mà sẽ làm cho thị trường trở nên kém hấp dẫn và có thể dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh", ông Minh nói.
Vì thế, ông Minh cho rằng hệ thống pháp luật cần từng bước điều chỉnh theo hướng nâng cao dần quy định về các điều kiện và tiêu chuẩn rào cản tham gia ngành và chuyên môn đảm bảo yêu cầu cao cho 3 tổ chức tổ chức xếp hạng tín nhiệm đó.
“Thay vì thực hiện chính sách vì cho ra đời rất nhiều tổ chức không đủ điều kiện, yếu kém năng lực và có thể tạo ra rất nhiều vấn đề hệ luỵ nguy hiểm trên thị trường, cho cả hệ thống doanh nghiệp được xếp hạng và nền kinh tế quốc gia”, ông Minh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Bệ đỡ từ thị trường trái phiếu Chính phủ
19:00, 19/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU: 3 động lực hoàn thiện
19:42, 19/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: 9 nội dung kiến nghị
19:33, 19/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Những bất cập pháp lý cần sửa đổi
16:09, 19/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Bài học từ thị trường Mỹ
14:58, 19/05/2022