DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: TTCK dần khẳng định vai trò huy động vốn trung và dài hạn
Đó là đánh giá của ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UB Chứng khoán Nhà nước tại Hội thảo phát triển thị trường vốn và thị trường BĐS trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.
>>>DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Xây dựng thị trường vốn minh bạch, hiệu quả
Theo ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần tiếp cận và cân bằng hơn với quy mô của thị trường tín dụng và ngân hàng, góp phần đưa thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào cơ cấu nợ công của Chính phủ.
Cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô thị trường vốn đã tăng trưởng bình quân 28,5%/năm, trong giai đoạn 2016-2021, đạt 134% GDP năm 2021.
“Trong năm 2021, mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán vẫn đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt trên 318.000 tỷ đồng, huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 636.000 tỷ đồng”, ông Sơn thông tin.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, hoạt động của thị trường trái phiếu Chính phủ đã hỗ trợ tích cực trong việc cơ cấu lại danh mục của Chính phủ cả về khối lượng kỳ hạn và chi phí, góp phần tăng tính bền vững của nợ Chính phủ theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ về cơ cấu lại ngân sách và nợ công. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ duy trì ở mức cao là 13,92% năm, trong khi lãi suất phát hành bình quân năm 2021 giảm còn 2.3%, giảm 0,56% so với cuối năm 2020. Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng phát hành và nhà đầu tư mua. Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Khối lượng phát hành ra công chúng đạt 31.000 tỷ đồng.
>>>DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Tương lai khu vực hoá và đa dạng hoá chuỗi cung ứng
Trong quý I/2022, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105.000 tỷ đồng, đồng thời các doanh nghiệp đã chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng. Các doanh nghiệp BĐS chiếm 33,6% khối lượng. Thanh khoản thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với năm 2020, với 5,2 triệu tài khoản. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư đạt 54, 9 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020, gấp 6,5 lần trong vòng 10 năm qua.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng chưa niêm yết cũng tương đối khả quan. Lợi nhuận của các công ty niêm yết, trong năm 2021 tăng 35,1% so với năm 2020 và tỉ suất sinh lời cũng được cải thiện từ mức 13,1% năm 2020 lên 14,6% năm 2021. Điều này cho thấy, hoạt động của các công ty đại chúng đã từng bước phục hồi và thích nghi với tình hình dịch bệnh COVID-19.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tham gia và góp phần tích cực vào quá trình phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế, dần khẳng định vai trò huy động vốn trung và dài hạn và ổn định cũng như cần thiết cho cả doanh nghiệp và Chính phủ, thu hút ngày càng mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường trái phiếu trong thời gian qua đã phát sinh những rủi ro như: Hiện tượng thao túng giá cổ phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng tinh vi và phức tạp; Rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu biết rõ về lĩnh vực này, do đó, có những rủi ro khi tham gia; Chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán vẫn còn chưa đồng đầu, một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế.
“Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến các đột phát hành trái chứng khoán, trái phiếu để huy động vốn và gia tăng những rủi ro cho thị trường và cho các nhà đầu tư. Điều này cần đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý giám sát, thông tin tuyên truyền. Đồng thời thực hiện một số điều chỉnh, sửa đổi về mặt chính sách để phù hợp với tình hình phát triển của thị trường”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Quyết liệt hơn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
14:22, 05/06/2022
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Tự chủ nền kinh tế từ nâng cao sức chống chịu
13:52, 05/06/2022
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Tương lai khu vực hoá và đa dạng hoá chuỗi cung ứng
11:48, 05/06/2022
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Phát triển chuỗi cung ứng lao động
10:55, 05/06/2022