Nông dân Đà Lạt sập bẫy "tín dụng đen" với hợp đồng giả cách
Từ việc mong muốn vay vốn 300 triệu đồng, một nông dân tại Đà Lạt đã “vô tình” ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một cá nhân, dẫn đến tranh chấp chưa thể giải quyết...
>>THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khó vay vốn, nạn “tín dụng đen” hoành hành
Sậpbẫy "tín dụng đen"
Thời gian vừa qua, xuất hiện thủ đoạn mới của một số cá nhân, tổ chức chuyên cho vay với lãi suất cao bằng cách lợi dụng tình trạng cần tiền gấp của người vay, tận dụng kẽ hở của pháp luật một cách tinh vi, các đối tượng cho vay đã hợp thức hóa tài sản của người vay bằng việc lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản, hoặc các hợp đồng khác có công chứng, chứng thực nhằm che giấu giao dịch cho vay, hay còn gọi là "hợp đồng giả cách".
Mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Ngạn, trú tại Phường 11, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cũng rơi vào trường hợp tương tự như đã kể trên.
Trong đơn, bà Ngạn cho biết, hai vợ chồng bà tạo lập được khối tài sản chung là các thửa đất có tổng diện tích 2.088m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất G450828, do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 29/08/1996 (theo Quyết định số 11/QĐ-UB ngày 26/06/1996 của UBND tỉnh Lâm Đồng). Do vậy, cả hai người đều có quyền ngang nhau trong việc sở hữu, sử dụng và định đoạt (chuyển nhượng) khối tài sản chung này.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế gia đình quá khó khăn, gia đình bà Ngạn cần vay khoảng 300 triệu đồng để lấy vốn làm ăn, nên khoảng cuối tháng 10/2011, chồng bà là ông Đỗ Văn Vui đã đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) tại thành phố Đà Lạt để đặt vấn đề vay vốn. Tại đây, sau khi được nhân viên ngân hàng tư vấn các thủ tục vay vốn, ông Vui ra về thì có người đến bắt quen và đề xuất nếu gia đình có nhu cầu vay vốn gấp, họ có thể giúp đỡ.
Sau khi trao đổi, hai bên đi đến thống nhất: Nếu ông Vui muốn vay vốn với số tiền là 300 triệu đồng, thì phải mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Văn phòng công chứng Minh Tâm số 4D, đường Hai Bà Trưng, phường 6, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để làm thủ tục vay. Do đó, ngày 25/10/2011, ông Đỗ Văn Vui đã mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên đến Văn phòng công chứng Minh Tâm để làm thủ tục.
“Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như nhu cầu cần tiền gấp để làm ăn, nên tại Văn phòng công chứng, công chứng viên Trương Mạnh Sơn đã làm chứng cho việc ông Đỗ Văn Vui ký vào Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có điều kiện chuộc lại) cho ông Nguyễn Thành Nhân, trú tại Phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trị giá 300 triệu đồng. Mãi sau này khoảng giữa năm 2018 vợ chồng tôi tìm hiểu mới biết được đây là Hợp đồng chuyển nhượng tài sản chứ không phải hợp đồng thế chấp vay vốn.
Chúng tôi không có nhu cầu bán đất, chồng tôi chưa bao giờ biết mặt và làm việc với ông Nguyễn Thành Nhân mà đều qua Văn phòng công chứng Minh Tâm. Sau khi chồng tôi ký vào hợp đồng nêu trên thì được nhân viên Văn phòng công chứng Minh Tâm yêu cầu để lại tất cả giấy tờ trong đó có bản gốc của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên tại Văn phòng công chứng. Chồng tôi có thắc mắc thì được giải thích để Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại để ngân hàng giải ngân số tiền chồng tôi vay.
Suốt khoảng thời gian về sau, gia đình tôi không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Thành Nhân hay ngân hàng nào cho vay cả. Và sau khoảng thời gian 3 tháng kể từ khi để hồ sơ, bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại văn phòng công chứng Minh Tâm, thì chồng tôi nhận được cuộc điện thoại từ ông Nhân, yêu cầu phải trả tiền lãi, nhưng chồng tôi trả lời chưa nhận được khoản tiền vay thì ngay lập tức ông Nguyễn Thành Nhân ngắt điện thoại. Sau đó 3 ngày, ông Nhân cho người đến đòi gia đình tôi phải chuộc lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số tiền 700 triệu đồng. Gia đình tôi không đồng ý, vì chồng tôi chỉ vay tiền mà trên thực tế đến nay vẫn chưa nhận được một đồng nào từ khoản vay”, bà Ngạn bày tỏ.
>>THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khi nào vay vốn không cần thế chấp?
Có dấu hiệu gian dối...
Cũng theo bà Ngạn, đến khoảng giữa năm 2018, khi ông Nguyễn Tiến Thoại đến gặp gia đình bà và nói rằng đã được ông Nguyễn Thành Nhân bán/chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên, nên yêu cầu được bàn giao đất.
Do không được chấp nhận yêu cầu, ngày 05/01/2022, ông Thoại cho khoảng 40 người đến để trấn áp gia đình, cho đóng cọc và rào mảnh đất lại. Sự việc đã được bà Ngạn báo đến Công an Phường 11, UBND phường Phường 11, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nhưng không được giải quyết.
“Gia đình tôi tìm hiểu nên mới biết, ông Nguyễn Thành Nhân đã làm thủ tục biến động quyền tài sản với Cơ quan có thẩm quyền, sang tên toàn bộ thửa đất 2.088m2 của gia đình tôi sang ông Nguyễn Thành Nhân, rồi sau đó bán cho ông Nguyễn Văn Thoại.
Ông Nhân đã sử dụng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nội dung: Bên chuyển nhượng là ông Đỗ Văn Vui và vợ là Nguyễn Thị Hồng Thắm, giá chuyển nhượng là 300 triệu đồng. Thực tế, vợ chồng chúng tôi không có nhu cầu bán đất, không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Thành Nhân, tổng trị giá diện tích đất trên tại thời điểm năm 2011 là 2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với giá bán được ghi trong Hợp đồng”, bà Ngạn khẳng định.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên, vợ hợp pháp có đăng ký kết hôn với ông Đỗ Văn Vui bà Nguyễn Thị Ngạn. Nhưng trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có điều kiện chuộc lại) được thực hiện tại phòng công chứng Minh Tâm, do công chứng viên Trương Mạnh Sơn thực hiện, người đồng ký tên với vai trò vợ ông Đỗ Văn Vui lại là bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, trú tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Vui cho biết, do thời điểm đó bà Nguyễn Thị Ngạn vắng nhà, nên phòng công chứng Minh Tâm có giải thích rằng, chỉ cần có người cùng ký vào hồ sơ là được, mà không cần phải là vợ chính thức.
“Khi đó tôi có hỏi phòng công chứng, tại sao tôi làm giấy vay tiền lại thành hợp đồng chuyển nhượng thì một nữ nhân viên cho biết, đây sẽ là mẫu hồ sơ chung theo quy định pháp luật. Đồng thời nói chỉ cần có người cùng ký tên vào hợp đồng mà không cần là vợ chính thức là có thể hoàn tất thủ thục. Do không hiểu biết nhiều về quy định pháp luật, nên chỉ làm theo những gì phòng công chứng hướng dẫn, mới xảy ra chuyện tranh chấp đất như hôm nay. Tuy nhiên, tôi khẳng định tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được khoản tiền vay nào từ ông Đỗ Thành Nhân hay bất kỳ ai”, ông Vui cho biết.
Mang tất cả những băn khoăn này đi gõ cửa các cơ quan, nhưng đến nay vụ việc trên của gia đình bà Nguyễn Thị Ngạn vẫn chưa được giải quyết. Bà Ngạn bức xúc cho biết, bà có đăng ký kết hôn với ông Đỗ Văn Vui, là đồng sở hữu chung đối với khối tài sản nêu trên, nhưng trên hợp đồng chuyển nhượng lại là bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, một người không quen biết ký tên thay vị trí của bà.
Đây là một sự việc khá hy hữu xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt, phải chăng đã có sự gian dối trong quá trình thực hiện hồ sơ vay vốn, chuyển nhượng tài sản giữa các bên? Vụ việc tuy chưa ngã ngũ về kết quả tranh chấp nhưng có thểlà bài học lớn cho các cá nhân, tổ chức khi muốn tiếp cận vốn vay từ những nguồn không chính thức, dẫn đến hậu quả khó lường..
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin tới bạn đọc.
Có thể bạn quan tâm
THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khó vay vốn, nạn “tín dụng đen” hoành hành
11:39, 29/05/2022
THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khi nào vay vốn không cần thế chấp?
11:12, 29/05/2022
3 năm phát hiện xử lý 2.740 vụ tín dụng đen, nhiều bị hại là công nhân
01:25, 13/06/2022
Thống đốc NHNN: Sẽ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen
18:21, 08/06/2022