Toàn cầu hóa và hệ thống tiền tệ mới (kỳ 1): Sự xói mòn của đồng Đô la

TS. LÊ ĐẠT CHÍ - TS. ĐINH THỊ THU HỒNG * 27/06/2022 05:00

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch COVID-19 và giờ là cuộc xung đột Nga – Ukraine, đã đưa đến một sự đồng thuận mới từ các nền kinh tế phát triển là cần phải giảm sự phụ thuộc lẫn nhau...

>>> Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?

Tuy nhiên, quá trình giảm sự phụ thuộc lẫn nhau này đã đưa thế giới đến tình trạng lạm phát gia tăng, thiếu hụt lao động, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, những cú sốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu,… có làm thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế?

sự gia tăng trong thương mại quốc tế và đầu tư đã đưa đến sự tập trung trong một số loại tiền tệ nhất định. Hiện nay, đồng Đô la Mỹ vẫn đứng vai trò chủ đạo, đồng euro đứng thứ 2. (Ảnh minh họa)

Sự gia tăng trong thương mại quốc tế và đầu tư đã đưa đến sự tập trung trong một số loại tiền tệ nhất định. Hiện nay, đồng Đô la Mỹ vẫn đứng vai trò chủ đạo, đồng euro đứng thứ 2 - (Nguồn: Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, hội thảo UEH phối hợp tổ chức)

Có thể nói trong quá khứ, quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng và những tiến bộ kinh tế nhất định. Nhưng kỷ nguyên toàn cầu hóa liệu đã kết thúc khi thế giới đối mặt dịch bệnh COVID-19, cuộc chiến Nga và Ukraine?

Hiện nay, hoạt động thương mại toàn cầu được đẩy xuống vị trí thứ yếu và thúc đẩy các mục tiêu quốc gia lên vị trí quan trọng - đặc biệt là sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia. Mục tiêu của toàn cầu hóa nhằm thực hiện một nguyên tắc về lợi thế so sánh của một quốc gia để chuyên môn hóa quá trình sản xuất, nhưng sự phát triển toàn cầu hóa lại tạo ra một nguyên tắc khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia thông qua việc thúc đẩy nền kinh tế sản xuất ra những gì mà những quốc gia giàu có hơn đang có nhu cầu. 

Ngày nay, với sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một đối thủ địa chính trị, và cuộc xung đột Nga - Ukraine cạnh tranh chiến lược của Mỹ trong lựa chọn an ninh quốc gia hơn là lợi ích hợp tác kinh tế quốc tế. Điều này đặt thương mại toàn cầu dưới hai kịch bản: kịch bản tồi tệ và ít được mong đợi của những thập niên 1930 khi một nước/nhóm nước rút lui khỏi quá trình sản xuất; và một kịch bản cho khả năng ít tồi tệ hơn chính là quyền lợi tối cao của địa chính trị vẫn được duy trì, nghĩa là chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ trở thành một đặc điểm nổi bật trong thương mại và tài chính toàn cầu. 

Hệ thống tiền tệ thế giới

Toàn cầu hóa về cơ bản đã định hình lại cách thức hoạt động của các nền kinh tế các nước tiên tiến (bao gồm khu vực đồng euro và Mỹ). Các nước còn lại là điểm đến chính cho việc sản xuất và thiết kế các hàng hóa và dịch vụ này, trong khi cung cấp một sự lựa chọn đa dạng hàng hóa nhập khẩu cho các nhà sản xuất và tiêu dùng nội địa.

>>> Tiền kỹ thuật số ngày càng lép vế trước sức mạnh của đồng USD

Cùng với đó, hệ thống tài chính của các nền kinh tế phát triển đã được chuyển đổi thông qua dòng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, một sự thay đổi cơ bản trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có sự đóng góp ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Việc mở rộng thương mại quốc tế đã đi liền với sự mở rộng tài sản gia tăng bên ngoài so với GDP toàn cầu. Điều này cho thấy lợi ích của các nền kinh tế phát triển trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu để mở rộng cung tiền. Qua đó, cùng với sự gia tăng trong thương mại quốc tế và đầu tư đã đưa đến sự tập trung trong một số loại tiền tệ nhất định. Đồng đô la Mỹ vẫn giữ vai trò chủ đạo, đồng euro đứng thứ 2. Đó cũng là lý do chính mà Mỹ và các quốc gia phương Tây sử dụng quyền thống trị này để áp đặt các lệnh trừng phạt. Mức độ áp đặt các lệnh trừng phạt thông qua hệ thống thanh toán tiền tệ này đang ngày càng gia tăng đã thúc đẩy các quốc gia trên thế giới thiết lập những hệ thống thanh toán khác nhau để né tránh các lệnh trừng phạt này. Một số quốc gia thanh toán song phương sử dụng các loại tiền tệ của nhau hoặc thiết lập một số hệ thống thanh toán thay thế hệ thống SWIFT như hệ thống CIPS của Trung Quốc,… 

(Nguồn: Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, hội thảo UEH phối hợp tổ chức)

(Nguồn: Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, hội thảo UEH phối hợp tổ chức)

Như vậy, những thách thức lên hệ thống tiền tệ hiện nay vẫn đang tồn tại và ngày một gia tăng khi các lệnh trừng phạt liên tục được áp đặt từ các nước phát triển. Nhưng những thách thức này đã đủ lớn để hệ thống tiền tệ dựa trên đồng đô la Mỹ mất đi vai trò của nó?

Sự xói mòn của đồng Đô la

Thế giới ngày nay đang có nhiều thay đổi nhanh chóng từ vai trò dẫn dắt toàn cầu hóa của các nền kinh tế phát triển, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường độ áp đặt các lệnh trừng phạt trong hệ thống tiền tệ hiện tại gia tăng… niềm tin của các quốc gia tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu liệu có suy giảm vào hệ thống tiền tệ dựa vào đồng Đô la hiện nay?

(Nguồn: Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, hội thảo UEH phối hợp tổ chức)

(Nguồn: Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, hội thảo UEH phối hợp tổ chức)

Theo quan điểm của Paul Krugman, việc các quốc gia tham gia thương mại quốc tế sử dụng hệ thống tiền tệ nào cần tiếp cận trên hai khía cạnh là quy mô (size) và độ sâu (thickness) thị trường. Khi mà hệ thống tiền tệ đã trở nên được vũ khí hóa trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, thì Trung Quốc và Ả Rập Saudi đang trở nên lo ngại khi tham gia vào hệ thống SWIFT. Zhou Xiaochuan (cựu Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc) đã nói về nguy cơ của Trung Quốc và kêu gọi tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu qua hệ thống CIPS, nhưng kết quả thì giá trị giao dịch chỉ đạt 1% so với SWIFT. Một hệ thống tiền tệ được lựa chọn trong thanh toán quốc tế đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu tài trợ cao trong thời kỳ khủng hoảng cho các các tổ chức tài chính quốc tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra hai chương trình đáp ứng cho những căng thẳng trong thiếu hụt tiền tệ thanh toán là cuộc khủng hoảng 2008-2009 và khủng hoảng COVID-19 tháng 3/2020. Giá trị của các dòng giao dịch này rất lớn, trị giá 585 tỷ USD trong thời kỳ khủng hoảng 2008-2009 và 450 tỷ USD trong thời kỳ COVID-19. Trong khi đó, đồng Euro cũng được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế nhưng lại không được sử dụng hoán đổi rộng rãi với các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ. Như vậy, việc sử dụng đồng Đô la như một “phương tiện” hơn là trong vai trò thanh toán trực tiếp giữa các quốc gia như Trung Quốc kêu gọi.

Vì nhiều hàng hóa được định giá bằng đô la Mỹ, tài sản đô la Mỹ có sức mua tương đối dễ dự đoán; điều này củng cố nhu cầu đối với các tài sản này, do đó làm cho việc vay bằng đồng đô la có phần rẻ hơn so với các loại tiền tệ khác. Và vay bằng đồng đô la Mỹ giá rẻ lần lượt mang lại cho doanh nghiệp một động lực để hạn chế rủi ro trong vay nợ thông qua việc định giá sản phẩm bằng đồng đô la Mỹ, một lần nữa củng cố lợi thế của đồng đô la Mỹ. Một vấn đề quan trọng thứ ba của việc lựa chọn loại tiền tệ trong thanh toán quốc tế là thị trường nợ ứng với tiền tệ đó phát triển đến mức độ nào. Khi đồng Euro ra đời đã tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường nợ cạnh tranh với Mỹ, thế nhưng sau cuộc khủng hoảng nợ, do những lo ngại về vỡ nợ nên lợi suất của trái phiếu Euro do các chính phủ châu Âu phát hành đã trở nên phân kỳ. Nghĩa là không còn một thị trường trái phiếu euro để cạnh tranh với thị trường trái phiếu Mỹ.

Trong khi đó, nếu các quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế thì sẽ quản trị đồng tiền này như thế nào? Nếu theo cách mà các nhà kinh tế học thường đề cập đến vai trò của một loại tiền tệ dựa trên ba chức năng của nó, thì liệu Nhân dân tệ có đáp ứng trong vai trò tiền tệ quốc tế? Và nếu đánh giá trên hai tiêu chí của Paul Krugman thì Nhân dân tệ cũng chưa đủ điều kiện. Do vậy, ngay cả khi có nhiều sự thách thức lên hệ thống tiền tệ hiện nay thì đồng đô la Mỹ vẫn chưa thể bị thay thế trong những năm tới, nhưng câu chuyện về địa tiền tệ cũng có thể được đề cập.

* Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, UEH

Kỳ 2: Lựa chọn cho Việt Nam

TS. LÊ ĐẠT CHÍ - TS. ĐINH THỊ THU HỒNG *