8 khuyến nghị phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
Với trình độ phát triển hiện tại, hệ thống tổ chức tín dụng và doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức cả về nguồn lực tài chính, con người, công nghệ và năng lực quản trị.
>>Điểm tựa cho tài chính xanh phát triển
Khiêmtốn tín dụng xanh
Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối năm 2021 kết quả bước đầu về tín dụng xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp cũng như phát hành trái phiếu xanh còn khiêm tốn. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 431,7 nghìn tỷ đồng, tăng 29,61% so với cuối năm 2020; Tỷ trọng so với tổng dư nợ nền kinh tế là 4,35%; Dư nợ nông nghiệp xanh đạt 138,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ; Dư nợ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 198,6 nghìn tỷ đồng, tăng 88,4%...
Theo tổng hợp của SSI, kết quả phát hành trái phiếu xanh của một số ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp là 20.000 tỷ đồng. Chúng tôi tạm gọi là xanh vì các ngân hàng và doanh nghiệp này thực sự dùng cho dự án năng lượng tái tạo và dự án về môi trường, tuy chưa áp dụng theo các chuẩn mực của sổ tay về phát hành trái phiếu xanh. Trước đó cũng đã có 2 tỉnh thành phố là Vũng Tàu và TP HCM được Bộ Tài chính chấp thuận thí điểm phát hành trái phiếu địa phương, với tổng số tiền là 2.500 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án xử lý vấn đề về môi trường (bước đi ban đầu của trái phiếu xanh Chính phủ).
Từ những kết quả ban đầu mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng đã tạo ra nền tảng cho một thị trường tài chính xanh và thông lệ quản trị tốt nhất đối với doanh nghiệp niêm yết và chắc chắn sẽ lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trong khi các chuẩn mực về Basel II đã đạt được ở 18 NHTM, sự chuyển dịch trong quản trị kinh doanh của nhiều doanh nghiệp về sản phẩm xanh, sạch đạt chuẩn chứng nhận hàng hóa thế giới điều này sẽ mang đến những nền tảng quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất (ESG).
>>Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh
5 thách thức
Tuy nhiên, với trình độ phát triển hiện tại, hệ thống TCTD và doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với rất nhiều thách thức cả về nguồn lực tài chính, con người, công nghệ và năng lực quản trị điều hành. Từ góc nhìn tài chính, chúng tôi xin tóm tắt một số thách thức lớn dưới đây:
Một là, nhận thức chung của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng còn đang hạn chế, cũng như chưa thực sự được nâng cao với lối sống xanh và tiêu dùng xanh. Vì vậy, các hành vi ủng hộ hay phản đối với bên cung hàng hóa, dịch vụ chưa thể hiện rõ nét, những hành động phản đối, tẩy chay đối với doanh nghiệp gây hại cho môi trường sống cộng đồng và gây hại cho sức khỏe còn ở mức bộc phát, chưa được bài bản.
Bên cạnh đó, những vụ việc từ rủi ro môi trường và xã hội là nguyên nhân gây rủi ro cho nhà đầu tư vốn và các tổ chức tín dụng cho vay chưa thống kê, phân tích các bài học đầy đủ, nên các chính sách và quyết định của các nhà đầu tư và TCTD cho vay một cách có trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng chưa được chú trọng.
Hai là, các chính sách và sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ cho tín dụng xanh và trái phiếu xanh (gọi chung chính sách thúc đẩy thị trường tài chính xanh) còn thiếu vắng và chưa thực sự đồng bộ để giải quyết các vấn đề. Điển hình như về thanh khoản cho hàng hóa tài chính xanh; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ thuế, phí; hỗ trợ giá đầu ra; mua sắm chi tiêu công xanh. Do vậy, chính sách hiện tại chưa đạt được đích nhắm là mở đường, dẫn dắt và thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển.
Ba là, thách thức về lượng vốn trong nước cung ứng cho cầu tài chính xanh còn rất hạn chế, chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu. Bên cạnh vấn đề thời gian sử dụng vốn cần dài hạn, nhưng nguồn đáp ứng chủ yếu từ TCTD là vốn ngắn hạn; chưa kể lãi suất VND còn đang neo ở mức cao so toàn thể thị trường và càng thách thức với cầu vốn cho dự án/phương án xanh.
Bốn là, có 3 rủi ro nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính nói chung như: Rủi ro chuyển đổi sẽ mặc kẹt tài sản đã đầu tư vào dự án năng lượng hóa thạch; Rủi ro đền bù với số lượng lớn của các tập đoàn tài chính bảo hiểm; Rủi ro về thay đổi về giá tài sản khi được định giá lại đối với những loại tài sản tác động xấu đến môi trường và phát thải nhiều CO2.
Năm là, nhiều thách thức đối các doanh nghiệp cũng như định chế tài chính khi triển khai quản trị theo ESG, trong đó tập trung vào 6 thách thức lớn như: Các rủi ro liên quan cần được lường trước một cách đầy đủ; Chiến lượn ESG cần được chuyển đổi và tích hợp vào hệ sinh thái của tổ chức; Điều chỉnh sự quản lý các bên liên quan, thực hiện truyền thông và đào tạo kiến thức về ESG; Thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu ESG để thiết lập mô hình đánh giá rủi ro; Các cam kết ESG cần được đưa ra và công bố công khai; Tích hợp ESG vào các quy trình quản trị rủi ro hiện có của tổ chức.
8 khuyến nghị
Từ những đánh giá về cơ hội, thách thức và những rủi ro cần được phân tích đo lường để có được những kiến giải tốt nhất cho thị trường tài chính xanh của Việt Nam, hướng đến quản trị, phát triển bền vững của các định chế tài chính theo ESG, chúng tôi có một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Danh mục phân loại xanh, theo kinh nghiệm quốc tế đối với năng lượng xanh và năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1/3 danh mục, để có cơ sở định hướng, quản lý, khuyến khích, phát triển, báo cáo, thống kê Tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo.
Thứ hai, Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính chỉ đạo các Ngân hàng xây dựng Chương trình Tín dụng xanh, Trái phiếu xanh cho năng lượng xanh, tái tạo.
Thứ ba, các cơ quan Chính phủ hỗ trợ và hướng dẫn khu vực tư nhân tiếp cận, huy động, sử dụng nguồn tài chính xanh quốc tế, kể cả nguồn ưu đãi quốc tế.
Thứ tư, Chính phủ Việt nam đã cam kết quốc tế tại COP26 thì cần chỉ đạo yêu cầu các Tập đoàn, doanh nghiệp, NHNN và khuyến khích các tập đoàn, ngân hàng tư nhân cam kết chuyển đổi danh mục đầu tư/cho vay để đạt Net-Zero vào năm 2050 (tương tự như cam kết GFANZ).
Thứnăm, Chính phủ ban hành chính sách nhất quán và ổn định hỗ trợ phát triển năng lượng xanh sạch, bền vững.
Thứsáu, đấu thầu mua sắm chi tiêu công xanh cần được lồng ghép vào chính sách và thực thi ở các bộ ngành và địa phương.
Thứbẩy, sử dụng tốt các công cụ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thu hút dòng tài chính xanh cho tăng trưởng xanh: Thuế, phí, lãi suất, giá Fit, tái cấp vốn, tái chiết khấu.
Thứtám, NHNN có hướng dẫn chỉ đạo các NHTM Việt Nam xây dựng và triển khai chiến lược quản trị theo ESG.
Có thể bạn quan tâm
Điểm tựa cho tài chính xanh phát triển
05:30, 30/06/2022
Tài chính xanh – còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xanh
01:39, 03/03/2022
Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh
17:00, 19/02/2022
Việt Nam có cơ hội đón sóng tài chính xanh
05:30, 21/01/2022