Kiến giải phát triển thị trường vốn trong bối cảnh bình thường mới
Thị trường vốn với tư cách là một cấu thành của hệ thống tài chính Việt Nam cũng cần nhanh chóng đề ra chủ trương, giải pháp tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
>>CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: Chú trọng phát triển thị trường theo hướng bền vững
Thách thức chủ quan
Thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng nhanh, góp phần huy động được nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh những thành tựu kể trên, thị trường vốn tại Việt Nam vẫn còn tồn tại hạn chế, bất cập như về cấu trúc thị trường chưa cân xứng, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường còn nhiều yếu kém... Những bộc lộ tiêu cực xảy ra liên quan đến thị trường vốn trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là quản lý nhà nước còn lỏng lẻo và trong thời gian dài việc giám sát, kiểm tra không được đẩy mạnh. Chính vì thế việc kiểm soát rủi ro trên thị trường vốn trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 ngày càng cấp thiết.
Một số thách thức đặt ra trong bối cảnh đầy biến động khó lường như hiện nay đối với thị trường vốn có thể kể đến như:
Thứ nhất, mối lo về gián đoạn trong quá trình phục hồi nền kinh tế do nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới trong cộng đồng. Sau hai năm khủng hoảng bởi COVID-19, quá trình phục hồi chưa đồng đều trên toàn cầu vẫn đang diễn ra, nhưng động lực đã yếu đi bởi nhiều bất định và rủi ro khác nhau. Trong khi đó, nhiều quốc gia không còn nhiều dư địa để áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cũng dự báo sẽ giảm lần lượt xuống còn 3,8% và 5,1% trong năm 2022. Điều này càng làm tăng bất định và rủi ro cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu, qua đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Thứ hai, mối lo về lạm phát tăng cao mất kiểm soát, về rủi ro lãi suất, tỷ giá khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, đồng thời xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn đang căng thẳng. Do mặt bằng lãi suất hiện đã chạm đáy nên cho đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến lạm phát. Nếu lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tăng nhanh hơn dự kiến, thì sẽ làm tăng rủi ro lãi suất trên thị trường chứng khoán. Lạm phát có thể sẽ chỉ tác động tiêu cực trong ngắn hạn, song vẫn là một mối lo ngại nếu cuộc chiến kéo dài khiến giá dầu lên quá cao. Ngoài ra, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm dẫn đến việc thị trường có thể mất đi một số lượng hàng hóa chất lượng.
Thứ ba, là nâng hạng thị trường. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu, song hiện tại hai tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán (TTCK) quan trọng nhất là MSCI và FTSE Russel vẫn đang phân loại Việt Nam ở nhóm TTCK cận biên, trong khi các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đã thuộc nhóm các thị trường mới nổi nhiều năm.
Trong khi vẫn còn nhiều tồn đọng phải giải quyết trước khi Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi để tăng khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam thì việc FED tăng lãi suất cao hơn nữa đã làm dấy lên lo ngại về dòng vốn chảy ra ngoài và đồng tiền mất giá ở các thị trường Đông Nam Á.
>>Mở rộng đối tượng tham gia thị trường vốn
Kiến giải cho thị trường
Để nhanh chóng phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch đòi hỏi phải nắm bắt tốt những cơ hội và chủ động vượt qua những thách thức đang đối mặt.
Thị trường vốn với tư cách là một cấu thành của hệ thống tài chính Việt Nam cũng cần nhanh chóng đề ra chủ trương, giải pháp tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới” để có thể thực hiện tốt hơn nữa chức năng của mình là thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Sau đây là một số giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam trong năm 2022 và thời gian tới.
Một là, cần phát triển thị trường vốn theo theo chiều sâu, nâng cao năng lực chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài. Trong đó, gia tăng chất lượng cũng như sự đa dạng các loại hàng hóa trên thị trường đề phù hợp hơn với nhu cầu của nhà đầu tư, củng cố thêm về cơ sở hạ tầng công nghệ để thu hút thêm được nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.
Hai là, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.
Ba là, tăng cường cơ sở nhà đầu tư thông qua phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp, khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác, trong đó có các nhà đầu tư quốc tế tham gia thị trường vốn. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực phân tích, tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư cá nhân.
Bốn là, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, có biện pháp hỗ trợ tích cực, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong công tác chuẩn bị thủ tục, định giá doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt.
Năm là, thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi: nâng cao chất lượng chứng khoán niêm yết, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ, cải thiện năng lực hoạt động của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, tăng tính công khai minh bạch trên thị trường; tăng tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...
Sáu là, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TTCK, đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật, áp dụng biện pháp trừng phạt thỏa đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Bảy là, tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới; tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách của TTCK Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và các nước trên thế giới đang dần chủ động thích nghi với đại dịch, phục hồi nền kinh tế và nối lại đà tăng trưởng. Nền kinh tế sau thời gian dài bị kìm nén và tàn phá nặng nề sẽ cần có một lượng vốn dồi dào để phục hồi mạnh mẽ trở lại. Vì thế, đây là giai đoạn cực kì quan trọng để vận hành hiệu quả và phát triển hơn nữa thị trường vốn của nước ta.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán Mỹ rung lắc, thị trường Việt Nam không nằm ngoài xu hướng
05:00, 02/07/2022
Đón cơ hội đầu tư chứng khoán
16:00, 01/07/2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
06:45, 01/07/2022
ĐIỂM BÁO NGÀY 01/07: Đón cơ hội đầu tư chứng khoán
06:26, 01/07/2022