Cảnh báo nguy cơ rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi

DIỄM NGỌC 09/07/2022 05:00

Nền kinh tế toàn cầu đang ở trong tình trạng lãi suất dần thắt chặt và cú sốc lạm phát cao, sẽ có những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến động lực của dòng chảy về vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi.

>>Thị trường chứng khoán Trung Quốc nổi lên như nơi trú ẩn an toàn

Mới đây, Hiệp hội ngành tài chính toàn cầu đã đưa ra cảnh báo tới Trung Quốc và hơn 20 thị trường mới nổi khác đang trải qua làn sóng rút vốn trầm trọng nhất trong vòng 7 năm.

Dòng tiền giá rẻ đang bị rút dần khỏi thị trường, nên thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy, chứ không còn bứt phá mạnh như năm 2021 (ảnh minh hoạ)

Dòng tiền giá rẻ đang bị rút dần khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, nên thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy, chứ không còn bứt phá mạnh như năm 2021 (ảnh minh hoạ)

Dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 2,5 tỷ USD khỏi trái phiếu Trung Quốc và tổng cộng 4 tỷ USD ròng đã được rút khỏi cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi trong tháng 6/2022, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp lỗ ròng.

Chuyên gia kinh tế Jonathan Fortun của IIF nhận xét: “Chúng tôi thấy đợt tháo chạy xảy ra trong hiện tại có quy mô tương tự với nỗi lo mất giá đồng Nhân dân tệ trong năm 2015 – 2016. Thời điểm đó, Trung Quốc đã hứng chịu một lượng lớn dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán trị giá khoảng 670 tỷ USD”.

Fortun cảnh báo, nguy cơ gia tăng suy thoái toàn cầu đang đè nặng lên dòng vốn vào các thị trường mới nổi, khi lo lắng về các sự kiện địa chính trị, điều kiện tiền tệ thắt chặt và lạm phát ngày càng lớn.

Thông tin từ ChinaBond.com và Shanghai Clearing House đánh giá, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm nắm giữ trái phiếu Trung Quốc trong 4 tháng liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 5, tương ứng với tổng dòng tiền chảy ra khoảng 410 tỷ Nhân dân tệ (61 tỷ USD). Khởi đầu là đợt bán tháo chưa từng có vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 sau khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine, với ước tính khoảng 30,4 tỷ USD.

Các nhà phân tích tại Nomura cho rằng, tỷ lệ chênh lệch thu hẹp lãi suất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể là yếu tố đằng sau câu chuyện rút vốn khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc từ tháng 2 đến tháng 5/2022. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nới lỏng chính sách của mình nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thay vì đẩy nhanh việc tăng lãi suất như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhiều nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã dự báo một đợt tăng 50 - 75 điểm cơ bản khác cũng có thể tiếp theo vào cuối tháng này. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được cho là sẽ duy trì lập trường nới lỏng vừa phải trong 6 tháng cuối năm.

Có thể thấy, nền kinh tế toàn cầu đang ở trong tình trạng lãi suất dần thắt chặt và cú sốc lạm phát cao. Trong những tháng tới, một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến động lực của dòng chảy về vốn đối với một số nền kinh tế mới nổi.

>>Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, dòng tiền giá rẻ đang bị rút dần khỏi thị trường, nên thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy, chứ không còn bứt phá mạnh như năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, các tác động của thế giới sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là chiến tranh Nga – Ukraine, chính sách tài khóa tiền tệ của các nước bắt đầu thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng. Khi FED tăng lãi suất, thì dòng tiền sẽ chảy khỏi các thị trường mới nổi. Điều này tác động tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và chứng khoán, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn.

Đặc biệt, hành vi của nhà đầu tư cũng thay đổi khi bắt đầu tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn, thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong đó có nguy cơ khiến khối ngoại bán ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, dù họ đang quay trở lại mua ròng thời gian qua. Đáng chú ý, có những rủi ro từ bên ngoài ảnh hưởng đến thị trường như việc tăng vốn của các công ty chứng khoán, cho vay ký quỹ, cùng các chính sách lành mạnh hóa của cơ quan quản lý... 

Về những lo lắng trên, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia Công ty chứng khoán SSI khuyến nghị, sẽ cần thời gian để thị trường chứng khoán tìm điểm cân bằng và tăng trưởng trở lại. Các yếu tố cần thiết cho việc này là: Sự ổn định hơn của các biến số vĩ mô, ví dụ như lạm phát; Động lực mạnh hơn từ dòng tiền khối ngoại cũng như ETF; Kỳ vọng vào câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận tại các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mở cửa nền kinh tế sau dịch bệnh.

Còn theo đại diện UBCKNN, hiện cơ quan quản lý đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng. Hiện nay, cơ quan quản lý đã và đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán theo IFRS của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?

    04:50, 05/07/2022

  • “Mỏ vàng” chứng khoán

    16:55, 04/07/2022

  • Chứng khoán Mỹ rung lắc, thị trường Việt Nam không nằm ngoài xu hướng

    05:00, 02/07/2022

  • Đón cơ hội đầu tư chứng khoán

    16:00, 01/07/2022

DIỄM NGỌC