"Lương duyên" bảo hiểm - ngân hàng: Cần phát triển Bancassurance ra sao?
Theo TS. Cấn Văn Lực, hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên cũng có một số thách thức đặt ra cần phải trao đổi về giải pháp để làm tốt hơn.
>>Tránh "một cổ hai tròng" Bancassurance
4 thách thức lớn
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, mối quan hệ hữu cơ giữa ngân hàng và bảo hiểm, là 2 nghiệp vụ rất quan trọng trên thị trường tài chính ở bất kỳ quốc gia nào, gồm có ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm liên thông lẫn nhau. Đồng thời là dịch vụ tài chính mà người dân và doanh nghiệp rất cần.
Trong đó, câu chuyện huy động vốn từ đâu và đầu tư như thế nào, thì giữa ngân hàng và kênh bảo hiểm đều có câu chuyện bổ trợ cho nhau rất tốt, chính vì thế “mối lương duyên” này đã tồn tại tương đối lâu trên thế giới trong nhiều năm qua. Về tiềm năng phát triển Bancassurance đã và đang tương đối tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra, nhu cầu mua bảo hiểm từ nhân thọ đến phi nhân thọ được quan tâm hơn.
Hiện nay, các ngân hàng và các công ty bảo hiểm ở Việt Nam hợp tác theo hình thức ngân hàng ký trực tiếp hợp đồng hợp tác với công ty bảo hiểm, hoặc thông qua công ty con của mình. Đây là hai hình thức tương đối phổ biến, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên cũng có một số thách thức đặt ra cần phải trao đổi về giải pháp để làm tốt hơn.
“Qua trực tiếp nghiên cứu và đánh giá thực tiễn, chúng tôi nhận thấy có 4 rủi ro thách thức rất quan trọng mà chúng ta cần nhận diện để khắc phục đó là:
Thứ nhất, chất lượng tư vấn của nhân viên ngân hàng kể cả nhân viên bảo hiểm trong việc tư vấn cho khách hàng để bán và cung cấp dịch vụ hậu mãi sau bán hàng đối với sản phẩm này chưa phải là tốt. Lý do chính là kiến thức hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân các nhân viên tư vấn chưa tốt. Do tính chất của Bancassurance còn phức tạp cả về mặt kĩ thuật, tính toán hay đưa ra cơ sở về các mức phí có phù hợp hay không.
Thứ hai, liên quan đến rủi ro đạo đức nghề nghiệp có thể xảy ra. Một số nơi, khách hàng có phản ánh xảy ra hiện tượng gượng ép, xung đột lợi ích và tính hiệu quả khi tổ chức tín dụng, ngân hàng triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm. Nhân viên ngân hàng khi đó sẽ đứng giữa ngã ba đường, băn khoăn ưu tiên công việc ngân hàng hay bán bảo hiểm hơn.
Thứ ba, là rủi ro lan truyền. Mối quan hệ giữa bảo hiểm và ngân hàng nếu xảy ra rủi ro lỗ lớn ở một ngân hàng hay công ty bảo hiểm nào đó, thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến đại lý, đến đối tác của những công ty bảo hiểm, hoặc ảnh hưởng đến công ty con của ngân hàng mẹ, công ty bảo hiểm mẹ.
Thứ tư, liên quan đến cơ sở dữ liệu và thông tin bảo mật của khách hàng. Tại Việt Nam chuyển đổi số tương đối tích cực, tương đối nhanh, nhưng về mặt cơ sở dữ liệu của khách hàng, doanh nghiệp hay về luật pháp, cơ chế có cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các bên với nhau hay không vẫn chưa được thông suốt”, TS. Cấn Văn Lực nêu.
Khuyến nghị về giải pháp, vị chuyên gia cho rằng, chúng ta cần tập trung vào bốn yếu điểm đã nêu trên để đưa ra phương thức tháo gỡ phù hợp. Trong đó cần hoàn thiện hành lang pháp lý để chi phối nghiệp vụ Bancassurance với cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Đặc biệt là quyết định rõ ràng hơn quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm của các bên có tham gia, có liên quan đến công việc này và hợp tác này.
Tiếp đến là phải đầu tư hơn nữa vào việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng, kiến thức, nhất là của đội ngũ bán hàng cũng như đội ngũ thực hiện các dịch vụ sau khi bán hàng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần có sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu đặc thù của khách hàng. Trong khi đó, nhu cầu khách hàng là khác nhau và chuyển đổi số đã cho phép chúng ta có thể các nhân hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung và bảo hiểm theo hướng phục vụ khách hàng tốt hơn
Cuối cùng là chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, theo đó, cơ quan quản lý cần sớm có quy định cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu như thế nào, để việc nắm bắt nhu cầu của khách hàng cũng như kiểm soát rủi ro thông tin an toàn, bảo mật được đảm bảo tốt hơn.
>>Cách nào thúc đẩy bancassurance?
Ưu tiên quyền lợi khách hàng
Bên cạnh những vấn đề trên, cũng có những ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay chưa có những sản phẩm đặc thù dành riêng cho kênh Bancassurance và mới chỉ đang phát triển sản phẩm hiện có của chính doanh nghiệp bảo hiểm.
Về vấn đề này, ông Mark Chapman, Giám đốc điều hành kênh phân phối thông qua đối tác Manulife chia sẻ, điều quan trọng là chúng ta phải biết khách hàng đang muốn gì và đáp ứng nhu cầu khách hàng như thế nào...
Theo ông Mark Chapman, có một giải pháp đơn giản nhưng phù hợp với nhu cầu, đúng thời điểm thì có thể sẽ là giải pháp đúng. Một điều nữa là, các sản phẩm đơn giản lại là một trong những chất xúc tác có thể đẩy mạnh hơn tăng trưởng, cũng như gia tăng các nguồn khách hàng online, trực tuyến vốn vẫn còn thấp trên thị trường trong thời gian 2-3 năm trước.
“Điều quan trọng là chúng tôi phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác là ngân hàng của mình, để đảm bảo những sản phẩm đã có sẽ được tinh chỉnh, đáp ứng được nhu cầu cụ thể của khách hàng mà ngân hàng đó đã xác định từ trước. Dưới góc độ quan điểm của Manulife, chúng tôi có thể chứng minh rằng, với những gì chúng tôi đã hoạch định cho tương lai, những nội dung công việc đã thực hiện và khi đối tác ngân hàng hiểu được hành vi, khẩu vị của khách hàng, thì Manulife có thể đảm bảo cung cấp cho khách hàng theo nhu cầu của họ và bất cứ thời điểm nào mà khách hàng mong muốn”, ông Mark Chapman nói.
Ở góc độ của cơ quan quản lý, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng cục Quản lý giám sát, bảo hiểm, Bộ Tài chính nhấn mạnh, cơ quan quản lý đã nhìn nhận đánh giá kênh Bancassurance là một thành phần chủ lực của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Vì thế, bên cạnh các quy định chung về đại lý bảo hiểm áp dụng, thì Bancassurance thì cũng có những quy định riêng liên quan đến việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tại Thông tư 86 của Liên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành từ năm 2014. Trong đó những quy định bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm và quy định khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng hợp tác trong hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm này.
Về quy định pháp luật đã tương đối đầy đủ, được ban hành kịp thời, tuy nhiên trên thực tế còn xuất hiện nhiều rủi ro như các chuyên gia đã chỉ ra. Vì kênh Bancassurance đã phát triển rất “nóng” trong thời gian qua, có những tình trạng mà nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ, khiến nhiều người hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm với sản phẩm của ngân hàng.
Một số nhân viên tín dụng cũng gợi ý cho khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng và có thể, sự biến tướng của sự “gợi ý” này chắc chắn làm mất đi tính tự nguyện khi tham gia hợp đồng bảo hiểm.
“Về công tác quản lý giám sát, cơ quan quản lý, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra tại chỗ, kết hợp với giám sát từ xa, thông qua các báo cáo tài chính, phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kiến nghị của khách hàng gửi đến,... thì liên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng rà soát, tăng cường kiểm tra việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, để kịp thời chấn chỉnh sai phạm đảm bảo quyền lợi của khách hàng”, bà Phạm Thu Phương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tránh "một cổ hai tròng" Bancassurance
06:00, 27/05/2021
Toàn cảnh ngân hàng 2020 (kỳ 4): Tăng thu nhập dịch vụ nhờ bancassurance
12:30, 14/02/2021
Cách nào thúc đẩy bancassurance?
11:30, 25/09/2020
“Nở rộ” bancassurance
11:30, 24/09/2020
VietinBank và Manulife công bố hợp tác độc quyền bancassurance
14:43, 15/12/2020