Việt Nam sẽ "ngược sóng" lạm phát, tiếp tục tăng trưởng?

DIỄM NGỌC 28/07/2022 11:30

Việt Nam vẫn nằm trong “vùng sáng” theo dự báo tăng trưởng toàn cầu của IMF, cùng với đó, nhiều tổ chức cũng có đánh giá lạc quan về Việt Nam trong năm 2022 với bối cảnh vĩ mô ổn định.

>>IMF: Kinh tế hồi phục nhanh nhưng cần thận trọng rủi ro lạm phát

Hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và của nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, phần lớn là do tình trạng phong toả ở các thành phố lớn của Trung Quốc trong 3 tháng qua.

IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với mức 3,6% trong triển vọng trước đó vào tháng 4

IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với mức 3,6% trong triển vọng trước đó vào tháng 4 (ảnh: Getty Images)

Cụ thể, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với mức 3,6% trong triển vọng trước đó vào tháng 4, riêng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,3%, giảm so với mức 4,4%. Con số này thể hiện sự sụt giảm so với mức tăng trưởng 8,1% mà Trung Quốc đạt được vào năm ngoái.

Tăng trưởng ở Hoa Kỳ được dự báo sẽ đạt 2,3% trong năm nay, giảm so với 3,7% được dự đoán 3 tháng trước. Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF đã giảm dự báo tăng trưởng từ 2,8% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,6%, do lạm phát tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi đó, nền kinh tế Nga dự báo sẽ giảm khoảng 6% năm 2022 do các biện pháp trừng phạt tài chính và năng lượng của phương Tây đối với nước này và giảm thêm 3,5% vào năm 2023. Cùng với đó, tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra trước đó. Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây.

Riêng với Trung Quốc, IMF cho biết, sự trì trệ hơn dự đoán ở quốc gia này là do sự bùng phát và các động thái ngừng hoạt động bởi đại dịch Covid-19, cũng là động lực chính khiến tăng trưởng toàn thế giới chậm lại. Tiêu biểu là tại Thượng Hải, quá trình đóng cửa diễn ra trong tháng 4 và tháng 5, làm gián đoạn công việc của các nhà máy, vận chuyển, vận tải và tiêu dùng hàng ngày.

IMF cũng cho rằng, bởi cuộc chiến tranh Ukraine cùng "cú sốc" từ lạm phát cao hơn dự kiến ở Mỹ và các nước lớn châu Âu là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh giảm này.

Theo Jayant Menon, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Khu vực thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, hầu hết các yếu tố làm suy giảm nền kinh tế thế giới hiện nay sẽ vẫn còn cho đến cuối năm 2022. Những người đứng đầu ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đi vay của các nhà đầu tư. “Mối quan tâm chính của tôi là một lần nữa các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng quá mức với những lo ngại về lạm phát và gây ra sự suy giảm lớn về nhu cầu”.

Tại các khu vực khác trên thế giới, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng 3,2% đối với Vương quốc Anh, thấp hơn nửa điểm phần trăm so với tháng 4 và 1,7% đối với Nhật Bản, giảm 0,7 điểm %. Một lưu ý có phần sáng sủa hơn là tại Đông Nam Á, với dự báo mức tăng trưởng 5,3% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4 của IMF. Còn Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 7,4%, chỉ chậm hơn 0,8% so với dự báo trước đó.

>>Lạm phát và thắt chặt tiền tệ: Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt

Dự báo tích cực với Việt Nam

Tại Việt Nam, theo kết luận tham vấn Điều IV với Việt Nam được công bố vào đầu tháng 7, Ban Giám đốc Điều hành IMF đã dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 6% và tăng lên 7,2% trong năm 2023, giữ nguyên như kết luận sơ bộ hồi tháng 4.

IMF nhấn mạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam cần phải linh hoạt và cảnh giác với rủi ro lạm phát, trong đó đề cập đến tầm quan trọng của việc giải quyết các khoản vay có vấn đề

IMF nhấn mạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam cần phải linh hoạt và cảnh giác với rủi ro lạm phát, trong đó đề cập đến tầm quan trọng của việc giải quyết các khoản vay có vấn đề. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo Điều IV trong các Điều khoản thỏa thuận của IMF, hàng năm, IMF có các cuộc thảo luận song phương với các nước thành viên. Một nhóm các chuyên gia của IMF đến làm việc tại nước thành viên, thu thập thông tin kinh tế, tài chính và thảo luận với các cơ quan chức năng về tình hình kinh tế và các chính sách của nước đó để đưa ra báo cáo sơ bộ. Khi quay về trụ sở chính, báo cáo này sẽ làm cơ sở cho Ban Giám đốc điều hành IMF thảo luận và ra kết luận.

IMF đánh giá Việt Nam bước vào đại dịch với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các nền tảng cơ bản tương đối tốt. Các chính sách thận trọng dẫn đến tăng trưởng cao trong thời gian dài, giá cả ổn định và tỷ lệ nợ công thấp. Dòng vốn FDI và thương mại mạnh mẽ đã thúc đẩy các vùng đệm bên ngoài trong khi các ngân hàng bước vào đại dịch với một vị thế tương đối mạnh mẽ.

“Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều, trong khi tính dễ bị tổn thương của khu vực tài chính đang gia tăng cùng với những thách thức lâu dài về cơ cấu. Việt Nam cần đảm bảo vai trò chủ đạo của chính sách tài khóa và chính sách này cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các điều kiện kinh tế đang phát triển”, IMF khuyến nghị.

Đặc biệt, Ban Giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt và cảnh giác với rủi ro lạm phát. Trong đó, đề cập đến tầm quan trọng của việc giải quyết các khoản vay có vấn đề, bình thường hóa các quy định cấm một cách kịp thời và giám sát chặt chẽ các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời lưu ý rằng, trong trung hạn, vị thế về vốn ngân hàng cần được tăng cường và các khuôn khổ tái cơ cấu nợ tư nhân và bảo mật vĩ mô cũng cần được tăng cường.

Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố cũng cho thấy, dự báo tăng trưởng của Việt Nam được giữ nguyên ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 như mức dự báo hồi tháng 4. Không chỉ ADB, nhiều tổ chức khác cũng đưa ra những dự báo sáng sủa với nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng HSBC Việt Nam dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây.

Riêng VinaCapital đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%. Thậm chí, với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, VinaCapital tin rằng có khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7,5% trong năm nay. Hơn nữa, tăng trưởng GDP trong quý 3 có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm 2021.

“Chúng tôi tin rằng GDP quý III đạt 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Cảnh báo duy nhất cho triển vọng rất khả quan đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam là GDP của Hoa Kỳ đang chậm lại. Sự suy thoái  của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam” như ti vi, đồ nội thất và điện thoại  thông minh”, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạm phát và thắt chặt tiền tệ: Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt

    05:00, 21/07/2022

  • Lạm phát cao kỷ lục không “đánh gục” USD!

    05:00, 18/07/2022

  • Thận trọng chính sách tiền tệ, đề phòng lạm phát

    05:30, 11/07/2022

  • Mỹ - Trung vẫn đối lập chính sách tiền tệ

    05:00, 18/06/2022

  • 5 khuyến nghị đổi mới điều hành chính sách tiền tệ

    04:45, 12/06/2022

  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

    10:57, 09/06/2022

DIỄM NGỌC