Triển vọng giải cứu bất động sản Trung Quốc vẫn mờ mịt
Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng giải cứu một số nhà phát triển bất động sản đang chìm trong khủng hoảng nợ, nhưng dường như các biện pháp này là không đủ cho tất cả các nhà phát triển địa ốc.
>>Bất động sản Trung Quốc chật vật tìm lại thời hoàng kim
Ngày 8/8, nhà phát triển bất động sản Greenland Holdings có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc cho biết, họ đã nhận được khoản vay trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ (443,6 triệu USD) từ Shanghai Land Group và Shanghai Chengtou, hai cổ đông được chính quyền thành phố hậu thuẫn nhằm hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp.
Thông báo của nhà phát triển được đưa ra sau khi China Huarong Asset Management, gã khổng lồ xử lý nợ xấu thuộc sở hữu Nhà nước đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Yango Longking vào ngày 5/8 để cơ cấu lại các khoản nợ. Huarong giải thích, thỏa thuận này là kết quả của việc Bắc Kinh đang cố gắng tìm kiếm sự ổn định trên thị trường bất động sản và đưa ngành này đi đúng hướng.
Kể từ khi Bắc Kinh thực thi chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào tháng 8/2020 nhằm kiểm soát các khoản nợ trong lĩnh vực này, khả năng bán nhà của các nhà phát triển bất động sản đã bị ảnh hưởng, khiến tình trạng vỡ nợ trái phiếu gia tăng.
Về vấn đề này, Chủ tịch công ty dịch vụ tài chính Ye Lang Capital có trụ sở tại Thượng Hải bình luận, Chính phủ đã lên tiếng giải cứu một số nhà phát triển chủ chốt và củng cố lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, triển vọng vẫn còn mờ mịt, bởi vì các biện pháp cứu trợ dường như không đủ để cứu trợ tất cả các nhà phát triển cũng như các dự án nhà ở của đất nước.
Có thể thấy trên khắp đại lục, hàng trăm dự án bất động sản đã bị mắc kẹt vì cuộc khủng hoảng tín dụng, sau khi Bắc Kinh đưa ra biện pháp hạn chế nhằm hạ nhiệt thị trường, cùng với đó là chiến dịch zero-Covid ở các thành phố lớn như Thượng Hải đầu năm nay. Cho đến nay, 20 nhà phát triển Trung Quốc đã không trả được nợ gốc cho trái phiếu của họ, trong khi 7 đơn vị khác đề nghị các nhà đầu tư gia hạn thời gian đáo hạn. Evergrande mới đây cũng cho biết công ty đã vạch ra kế hoạch để tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài của mình, nhưng chi tiết thế nào sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.
>>Cái kết buồn của "ông trùm" bất động sản Trung Quốc
Không chỉ vậy, trong vài tuần qua, người mua nhà tại hơn 320 dự án ở 95 thành phố đã đồng loạt từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp mua nhà, trừ khi việc xây dựng nhà của họ được tiếp tục. Điều này được coi là mối đe dọa đối với trật tự xã hội Trung Quốc, khiến chính quyền các cấp phải vào cuộc và tìm giải pháp để giải quyết vấn đề nợ nần mà các chủ đầu tư đang đối mặt.
Điển hình là Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông qua kế hoạch thành lập một quỹ bất động sản trị giá lên tới 300 tỷ nhân dân tệ (44,4 tỷ USD) để hỗ trợ ít nhất 12 tập đoàn bất động sản giải quyết khủng hoảng nợ. Hay mới đây, tại Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam sẽ thành lập quỹ cứu trợ trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Quỹ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tài chính phát sinh từ các dự án chưa hoàn thành.
Từ những bê bối trong toàn ngành ngày càng có dấu hiệu lan rộng, trong tháng 7, S&P Global Ratings đã nhận định, ít nhất 1/5 các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ vỡ nợ, khiến các nhà đầu tư nắm giữ 88 tỷ USD trái phiếu gặp rủi ro. Tập đoàn Aoyuan Trung Quốc, một nhà phát triển khác bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng cho biết, họ cũng đang đàm phán với các chủ nợ về việc cơ cấu lại khoản nợ của mình nhằm giảm thiểu bất kỳ tác động tiêu cực nào đến các dự án đang được xây dựng.
Giá nhà mới của Trung Quốc cũng giảm vào tháng 7 lần đầu tiên sau 8 tháng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tẩy chay thanh toán của người mua nhà gia tăng. Dữ liệu từ nhà nghiên cứu bất động sản CREIS cho thấy, giá nhà mới ở 100 thành phố của Trung Quốc ở mức 16.204 Nhân dân tệ (2.402 USD)/m2 trong tháng 7, thấp hơn 0,01% so với tháng 6.
Esther Liu, nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings đánh giá, dù các cơ quan quản lý đã có biện pháp nới lỏng chính sách, nhưng một số chủ đầu tư đang gặp khó khăn như China Evergrande Group cũng đã hết tiền để hoàn thiện nhà ở. Khu vực này hiện phải đối mặt với sự suy giảm niềm tin của người mua nhà.
Do vậy, S&P dự báo giá nhà của Trung Quốc sẽ giảm 7% trong năm nay và doanh số bán sẽ giảm từ 28 - 33%. Lần giảm giá nhà mới gần đây nhất là vào tháng 11/2021, sau đó chính quyền trung ương cũng như chính quyền địa phương bắt đầu mềm mỏng hơn và bắt đầu đưa ra các biện pháp để vực dậy thị trường.
Tuy nhiên, để đảo ngược tâm lý thị trường yếu ớt hiện nay trên thị trường tài sản và vốn, cả nợ và vốn chủ sở hữu, các cơ quan quản lý cần xác nhận và công bố kế hoạch chi tiết của quỹ cứu trợ tài sản.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản Trung Quốc chật vật tìm lại thời hoàng kim
03:00, 16/07/2022
Cái kết buồn của "ông trùm" bất động sản Trung Quốc
03:00, 25/04/2021
Cú trượt dài của ông trùm bất động sản Trung Quốc
03:15, 01/04/2021
Phục hồi sau Covid-19, bất động sản Trung Quốc đối mặt rủi ro bong bóng
04:00, 21/08/2020