M&A và giải pháp tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp

DIỄM NGỌC 17/08/2022 04:50

Mua bán và sáp nhập (M&A) mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như nâng cao quy mô và thị phần, giảm chi phí nhân lực, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp.

>>M&A 2022: Cơ hội đánh giá lại chiến lược và mạnh dạn hành động

Nửa cuối năm 2022 được xem là giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức với mọi lĩnh vực, bao gồm cả M&A. Tuy nhiên đây vẫn là một lĩnh vực được kỳ vọng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn kinh doanh và phát triển. Để hiểu rõ hơn về các hoạt động của M&A trong thời gian tới, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với bà Kiều Ngoan, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc M&A của Fibo Capital Việt Nam.

Hoạt động M&A ở giai đoạn từ nay tới cuối năm sẽ đứng trước khá nhiều thách thức. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội được mở ra (ảnh minh hoạ)

Hoạt động M&A ở giai đoạn từ nay tới cuối năm sẽ đứng trước khá nhiều thách thức, tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội được mở ra (ảnh minh hoạ)

- Nhiều quan điểm cho rằng, hoạt động M&A từ nay tới cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, quan điểm của bà thế nào về nhận định này?

Hiện nay, bất kể hoạt động nào trong lĩnh vực nào cũng sẽ chịu không ít ảnh hưởng từ những khó khăn chung của toàn cầu. Nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động M&A ở giai đoạn từ nay tới cuối năm sẽ đứng trước khá nhiều thách thức. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội được mở ra và quan trọng là các nhà đầu tư có tận dụng được những “cánh cửa” đó để tiến hành các hoạt động M&A tốt hay không.

Thứ nhất, hầu hết các quốc gia đều đang nỗ lực để tái thiết kinh tế sau đại dịch và ứng phó với những bất ổn của tình hình thế giới như giao tranh chính trị, áp lực lạm phát cùng nhiều bất ổn khác.

Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Có nhiều doanh nghiệp đã “gục ngã” sau các làn sóng đại dịch và nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng trụ lại. Đó là vì dòng tiền của họ đã cạn dần sau mỗi lần biến động, nhưng để tiếp tục tiến lên lại là bài toán khó, dẫn đến tình trạng bên mua thì tạm thời trì hoãn và bên bán thì không chào được giá như kỳ vọng. Ngoài ra, còn nhiều những yếu tố khác về xã hội, xu hướng vận động của thị trường,… ảnh hưởng đến hoạt động M&A.

Tuy nhiên, theo thống kê, trong thời gian thử thách và khó khăn, ngành M&A vẫn có thể tạo nên được những kỷ lục. Minh chứng rõ nhất là khi đại dịch COVID-19 đang hết sức căng thẳng, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực tác động lên thị trường, giá trị các thương vụ M&A toàn cầu năm 2021 lần đầu tiên lên đến hơn 5.000 tỷ USD, dễ dàng vượt qua kỷ lục cũ vào năm 2007.

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng phía trước, khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm cách nắm lấy, đánh giá và đặt lại chiến lược M&A. Đây là thời điểm để các nhà giao dịch mạnh dạn hành động, theo đuổi những thương vụ M&A phù hợp một cách có tầm nhìn để vượt qua thách thức, đưa doanh nghiệp đạt được những dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển.

Bài toán đặt ra ở đây là các nhà đầu tư giải quyết khó khăn như thế nào và nắm bắt những cơ hội ra sao. Chắc chắn hoạt động M&A từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến đáng để trông đợi.

- Trong bối cảnh các nền kinh tế đều khó khăn bởi nhiều bất ổn bao vây, Fibo Capital Việt Nam đã có chiến lược hành động thế nào, đặc biệt là các thoả thuận liên quan đến số hóa có hiệu quả tích cực không, thưa bà?

Tôn chỉ hoạt động của Fibo Capital Việt Nam là luôn đảm bảo an toàn vốn, cam kết hiệu quả cho các khoản đầu tư. Chính vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Fibo Capital Việt Nam cũng đều tuân thủ những nguyên tắc nhất định và hoặc định những chiến lược hành động một cách cẩn trọng, tỉ mỉ và phù hợp với từng giai đoạn.

Với bối cảnh hiện nay, Fibo Capital Việt Nam nhận định thị trường có nhiều biến động và quan trọng nhất là cần phải dự đoán được những diễn biến và xu thế của nền kinh tế, để đề ra mục tiêu cũng như các hành động thực tiễn. Đội ngũ chuyên gia tài chính, kinh tế với nhiều năm kinh nghiệm sẽ phải đánh giá và đưa ra nhận định về thị trường. Từ đó, Ban lãnh đạo trực tiếp đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để hoàn thành.

Các mục tiêu lại được phân bổ thành các chiến lược và đưa về những phòng ban chuyên môn để thực hiện hóa với đội ngũ nhân sự sắc sảo và nhạy bén. Những chiến lược hành động của Fibo Capital Việt Nam đều mang tính khả thi và đón đầu xu hướng, tập trung vào những dự án mang tính bền vững, có khả năng phát triển nhanh chóng trong thời gian tới gồm nhiều lĩnh vực như: bất động sản, khởi nghiệp, nông nghiệp, sản xuất,…

Bà Kiều Ngoan, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc M&A của Fibo Capital Việt Nam

Bà Kiều Ngoan, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc M&A của Fibo Capital Việt Nam

Đặc biệt, các thỏa thuận liên quan đến số hóa và chuyển đổi số chính là động lực cho sự tăng trưởng tại Fibo Capital Việt Nam, trong đó, chúng tôi cũng đã đầu tư vào các giải pháp số với thương vụ ký kết đầu tư vào dự án Meta 365. Chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của thị trường M&A ngành công nghệ, bởi vì xu hướng này chính là cốt lõi trong chiến lược phát triển của hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Các giải pháp công nghệ đã góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tạo ra nhiều thách thức cho các mô hình kinh doanh truyền thống. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số ngày càng được chú ý bởi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình, phục vụ quá trình chuyển đổi số, mở rộng cơ sở khách hàng và hướng tới phát triển bền vững.

>>Trở lực M&A

- Theo đánh giá của bà, lĩnh vực Khởi nghiệp hiện nay có cơ hội M&A ra sao?

Đối với lĩnh vực khởi nghiệp, hoạt động M&A mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như nâng cao quy mô và thị phần, giảm chi phí nhân lực. Đồng thời, tối ưu hóa nguồn lực tài chính doanh nghiệp cũng là một lợi ích vô cùng nổi bật. Cơ hội M&A của lĩnh vực khởi nghiệp cũng đang “nóng” lên từng ngày vì trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, M&A có thể giúp doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động độc lập và cạnh tranh được với các công ty lớn hơn.

Tính trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam đã ghi nhận 16 thương vụ liên quan đến các công ty khởi nghiệp. Mặc dù số lượng thương vụ giảm nhưng tổng giá trị của các thương vụ (không bao gồm số tiền tài trợ không được tiết lộ) đạt 150 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo mới nhất của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Nextrans. Điều đó chứng tỏ rằng các công ty khởi nghiệp đang tận dụng rất tốt thị trường để M&A nhằm huy động vốn hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, trước bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, sự bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp thời kỳ hậu Covid là điều hoàn toàn có thể nhận thấy được. Song song với điều này thì các thương vụ M&A trong lĩnh vực khởi nghiệp sẽ có nhiều “đất” hơn vì các công ty khởi nghiệp sẽ có xu hướng kết hợp để tận dụng những lợi thế như tôi đã nói ở trên. Nhìn chung, tôi nhận định rằng thời khởi nghiệp là một trong những lĩnh vực có nhiều cơ hội và nhiều thương vụ M&A đáng kỳ vọng hiện nay.

- Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A, xin bà chia sẻ về cách lựa chọn đối tác, tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp và một số bài học thực tiễn?

Theo quan điểm của tôi, M&A phải được dựa trên các tiêu chí khắt khe. Việc lựa chọn đối tác hay tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp thực chất là việc doanh nghiệp có đáp ứng được các tiêu chí của nhà đầu tư hay không.

Tại Fibo Capital Việt Nam, chúng tôi có những quan điểm đầu tư rõ ràng như: Một là, công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt, dòng tiền kinh doanh tốt, ưu tiên đơn vị có chi phí vốn, chi phí vận hành thấp. Hai là, các công ty phải đang nằm trong chu kỳ tăng trưởng như doanh số tăng, lượng khách hàng tăng, thương hiệu được ưa chuộng, sản phẩm nhiều ưu thế,... Ba là, các công ty được lựa chọn thường là những công ty có các lợi thế kinh doanh trong ngành hoặc lợi thế về giá, thương hiệu, ưu đãi chính sách,… Cuối cùng, các công ty phải chứng minh được mình có khả năng mở rộng (scale up) như mô hình chuỗi, hoặc các dự án đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng, đạt điểm hòa vốn sản phẩm nhưng cần dòng tiền để mở rộng kinh doanh.

Về cách lựa chọn đối tác, tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp, theo tôi, doanh nghiệp cần tích cực và chủ động tìm kiếm cơ hội bằng nhiều cách. Quan trọng nhất, là bản thân chủ doanh nghiệp thì bạn phải thể hiện được bạn là ai, doanh nghiệp của bạn có gì đặc biệt và tương lai sẽ có kế hoạch cụ thể để phát triển như thế nào. Một số sách để tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp khá hiệu quả đó là liên hệ các quỹ đầu tư và đăng ký các chương trình dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đơn cử, chúng tôi có nhiều kênh thông tin mở và luôn trân trọng mọi cơ hội hợp tác cùng các doanh nghiệp. Chương trình Doanh nhân Phượng Hoàng – cuộc thi gọi vốn đầu tư cũng chính là một sân chơi mà Fibo Capital Việt Nam mở ra để hỗ trợ và nâng cánh các doanh nhân trẻ mang “gene Phượng Hoàng” trong hành trình khởi nghiệp. Chính tại chương trình, nhiều doanh nghiệp đã tìm được bến đỗ và chốt những “thương vụ tỷ đô” như dự án Gạo Kiến Quốc của công ty Hải Âu Việt hay dự án Bút bi khảm trai của công ty BLUSAIGON. Đó là những thương vụ khá ấn tượng bước ra từ một cuộc thi – một kênh hay để kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn Bà!

Có thể bạn quan tâm

  • M&A 2022: Cơ hội đánh giá lại chiến lược và mạnh dạn hành động

    11:00, 09/08/2022

  • Trở lực M&A

    17:00, 05/08/2022

  • M&A bất động sản tăng tốc

    13:47, 26/07/2022

  • TTC miệt mài M&A

    11:00, 03/07/2022

DIỄM NGỌC