CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 2): Đa dạng hoá kênh huy động vốn
Theo TS. Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh huy động vốn, chú trọng vào các quỹ đầu tư, cho thuê tài chính và khi huy động vốn nên gắn với mục đích cụ thể, phù hợp...
>>Chiến lược huy động vốn trong hoàn cảnh mới
Tại Diễn đàn tài chính 2022: “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới", nhận định về tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính cho rằng, đà phục hồi sẽ chậm lại và tương đối khó khăn do ba yếu tố: dịch bệnh còn phức tạp, chiến lược zero- Covid của Trung Quốc và chiến sự Nga - Ukraine.
Năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 2,9 - 3,2%, bằng 1 nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, 3 rủi ro lớn của nền kinh tế toàn cầu do World Bank công bố bao gồm lạm phát tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất; Chiến sự Nga - Ukraine làm giá năng lượng tăng nhanh và chiến lược Zero- COVID gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả ba yếu tố này làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm nhẹ khoảng 2,5-2,7 điểm phần trăm và đạt mức tăng trưởng 3% trong năm nay.
Lạm phát cao do giá năng lượng và giá lương thực thực phẩm tăng nhanh. Theo TS. Cấn Văn Lực, giá cả hàng hóa đã tăng đến giữa tháng 5 và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, đỉnh lạm phát của thế giới đã tương đối rõ nét trong quý III/2022 tại một số nước như Vương quốc Anh do vấn đề năng lượng tương đối phức tạp.
Cũng theo ông Lực, điểm tích cực là giá hàng hóa và giá xăng dầu đang có xu hướng giảm, và dự báo giảm khoảng 10% trong năm tới. “Bối cảnh quốc tế trong thời gian tới sẽ còn nhiều biến động: bất định tăng; rủi ro tài chính tăng (lãi suất tăng; tỷ giá tăng…); Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tăng. Bên cạnh đó, lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm và đà phục hồi kinh tế giảm từ mức dự báo xuống còn 2,9-3,2%”.
Tuy nhiên, có một xu hướng dịch chuyển nhanh bao gồm kinh tế số, tài chính xanh, bất động sản xanh… Ông Lực đánh giá, đây là dấu hiệu tích cực, cơ hội tốt nhưng cũng là thách thức đã và đang đặt ra.
Với Việt Nam, về cơ bản, ông Lực cho rằng nền kinh tế đang phục hồi tương đối tốt, các lĩnh vực chính, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… đang trở về trạng thái trước dịch. Xuất khẩu tăng trưởng tích cực khoảng 15%. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trưởng tích cực 6-8%, trong đó đầu tư FDI cũng ghi nhận sự tích cực.
Đáng chú ý, lĩnh vực tiêu dùng, mảng bán lẻ phục hồi về trạng thái trước dịch, tăng danh nghĩa khoảng 16%, cần trừ lạm phát sẽ còn khoảng 12%, cao hơn so với cùng kì năm 2019.
Các dự báo hiện nay cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7%, tuy nhiên lạm phát ở mức tương đối cao, khoảng 4% trong năm nay và năm tới.
Hoạt động của doanh nghiệp có sự phân hóa nhưng về cơ bản có sự phục hồi tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn khoảng 40% doanh nghiệp đóng cửa. Theo ông Lực, điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp còn tương đối khó khăn và kinh tế phục hồi không đồng đều.
Đánh giá về rủi ro, thách thức chính với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023, ông Lực cho biết, tình trạng phục hồi sẽ không đồng đều; lãi suất và tỉ giá tiếp tục tăng; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, thâm hụt ngân sách đã và đang tăng lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Đặc biệt giải ngân đầu tư công vẫn còn tương đối chậm; cơ cấu lại doanh nghiệp còn chậm.
Trong bối cảnh lạm phát tăng, mặt bằng lãi suất huy động đã và đang tăng. Về lãi suất cho vay cũng đang chịu áp lực tăng do đồng USD đang tăng, nhưng Chính phủ và Ngân hàng nhà nước vẫn đang cố gắng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, mức giải ngân đầu tư công đạt khoảng 80-85% so với kế hoạch. Đặc biệt chương trình phục hồi triển khai còn chậm, năm nay chỉ có thể giải ngân được khoảng 25-30% so với tổng nguồn vốn của chương trình.
Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ cũng đã đặt ra 1 số quyết sách lớn, bao gồm 4 điểm: tiếp tục phòng chống dịch và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng; thúc đẩy triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023; Đẩy mạnh thể chế (sửa đổi luật đất đai, nhà ở…); Chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. “Vai trò VCCI rất quan trọng trong việc thức đẩy kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp”, ông Lực nhấn mạnh.
Về bài toán vốn cho doanh nghiệp, ông Lực cho biết, hiện nay thị trường vốn đang có 6 dòng vốn khác nhau, bao gồm ngân sách vốn nhà nước, nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu…); huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, fintech, quỹ đầu tư…); vốn tự có; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và vốn từ đối tác.
Ông Lực nhấn mạnh, một dòng vốn quan trọng với doanh nghiệp là thuê tài chính. Đây là kênh quan trọng của các doanh nghiệp SMEs trong bối cảnh tài sản thế chấp còn thiếu.
Đối với các nguồn vốn cho nền kinh tế, vốn tín dụng đóng góp 47% tổng vốn đầu tư năm 2021. Vốn FDI chiếm khoảng 15%; đầu tư công chiếm khoảng 13,5%. Riêng về trái phiếu doanh nghiệp đã và đang tăng tương đối tốt, khoảng 21,5%. Tuy nhiên, huy động vốn từ thị trường cổ phiếu vẫn còn khiêm tốn, khoảng 3,2% tổng lượng vốn đầu tư vào toàn nền kinh tế.
“Đối với nguồn vốn ngân sách trong năm nay và năm tới, doanh nghiệp cần lưu tâm hơn về gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong vòng 2 năm với tổng lượng khoảng 347 ngàn tỷ đồng”, TS. Lực nhấn mạnh.
Trong 5 cấu phần khác nhau của chương trình phục hồi, ông Lực lưu ý 3 cấu phần 2, 3, 4 liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Cụ thể, cấu phần thứ 2 đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm 48 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoảng 18 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…; Cấu phần thứ 3 liên quan đến hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp với 110 ngàn tỷ đồng bao gồm giảm thuế VAT và hỗ trợ lãi suất 40 ngàn tỷ đồng dù quá trình triển khai còn tương đối chậm.
Với cấu phần thứ 4 phát triển kết cấu hạ tầng, năm nay và năm tới bổ sung thêm 113 ngàn tỷ đồng. Dự kiến, sau khi xong quy trình thủ tục về giải ngân, các gói này sẽ được thúc đẩy.
Với dòng vốn tín dụng, tương đương 125% GDP, đây là mức tương đối cao so với mức độ phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, mỗi 1 năm ước tính dư nợ tín dụng khoảng 11,4 triêu tỷ đồng. Trong năm 2022 dự kiến có khoảng 1,5 triệu tỷ đồng tín dụng được cung cấp cho nền kinh tế.
Theo dự báo, năm 2022 huy động vốn của khối ngân hàng chậm hơn và cùng xu hướng năm ngoái; tín dụng tăng trưởng tương đối nhanh, khoảng 9,6%. Giả định NHNN không thay đổi hạn mức, sẽ còn khoảng 4,4% room tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Với kênh vốn từ thị trường tài chính có quy mô chưa lớn, khoảng 30 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho DNNVV trong bối cảnh tài sản thế chấp còn thiếu. Kênh kuy động vốn cổ phiếu, mặc dù vốn hóa tương đối lớn, tuy nhiên, huy động vốn qua kênh này vẫn còn tương đối thấp, chiếm 3,2% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Quy mô trái phiếu Chính phủ của Việt Nam so với khu vực còn tương đối nhỏ. Điều này có nghĩa là còn nhiều dư đia để phát triển tốt hơn trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp SMEs và hộ gia đình còn 1 kênh nữa là fintech, nền tảng công nghệ tài chính. Hiện nay, kênh huy động vốn này vẫn chờ khung pháp lý của Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Đặc biệt kênh tài chính xanh cũng đáng chú ý khi Việt Nam có những cam kết quan trọng tại COP26. Có nhiều nhà đầu tư đã và đang quan tâm hơn đến kênh này trong thời gian qua.
Để phát triển vốn cho doanh nghiệp, ông Lực kiến nghị: Đối với các cơ quan quản lý, cần thống nhất thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tốt hơn, lành mạnh hơn. Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận quan điểm, phát triển cân bằng, kiến tạo cho thị trường tài chính phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới.
Về phía các doanh nghiệp, cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính. Doanh nghiệp khi huy động vốn nên gắn với mục đích cụ thể, phù hợp với mục tiêu bản thân doanh nghiệp và hiệu quả vốn phát hành. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hướng tới minh bạch và chuyên nghiệp; Đồng thời quan tâm quản lý rủi ro tài chính bao gồm lãi suất, tỷ giá...
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới
14:00, 24/08/2022
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới"
13:21, 24/08/2022
Chiến lược huy động vốn trong hoàn cảnh mới
12:00, 24/08/2022
Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất
04:00, 05/06/2022
Đề xuất chính sách để DNNN tiếp cận vốn vay ưu tiên với các ngành đặc thù
14:38, 24/03/2022