CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 5): Cần thay đổi cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng
Theo LS. Phạm Ngọc Hưng, Bộ Tài chính cần thay đổi cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì quỹ này tại TP HCM đã có nhưng không thể tiếp cận được.
>>CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 2): Đa dạng hoá kênh huy động vốn
Phát biểu tại Diễn đàn tài chính 2022: “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, với các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, vấn đề chính hiện nay là vốn.
Qua đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Nguồn vốn bấy lâu nay các DNNVV mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp nhưng DNNVV không có.
Bên cạnh đó, dù có báo cáo tài chính từ 2-3 năm liền có lãi nhưng qua dịch, DNNVV không có lãi nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, DNNVV phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ nhưng thị trường bấp bênh thế này DNNVV rất khó để thực hiện được việc này.
Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước COVID-19, nhưng nhiều DNNVV vẫn khó đáp ứng được. “Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được; còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì khó tiếp cận được vốn tín dụng”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Do đó, nhiều người cho rằng, Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất nhưng doanh nghiệp không tiếp cận vì những lý do trên. Còn 1 lý do nữa, ngân hàng không muốn, không dám cho vay. Một số giám đốc chi nhánh ngân hàng trao đổi, thời kỳ năm 2009-2010, hỗ trợ lãi suất nhưng đến giờ có một số ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong. Do đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay, cần hỗ trợ làm sao cho ngân hàng an toàn, ngân hàng cho vay rồi mà không quyết toán được thì cũng sẽ gặp nhiều rủi ro.
>>“Lột xác” Quỹ bảo lãnh tín dụng
Nói như chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, DNNVV chỉ cần 2-3 tỷ đồng là có thể phục hồi nhưng hiện nay không có điều kiện tiếp cận được vốn tín dụng, và ngược lại, ngân hàng không muốn hỗ trợ gói lãi suất 2%. Đó là lý do vì sao chuyên gia Cấn Văn Lực nói rằng, mới chỉ 1% doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ lãi suất 2%. “Chúng tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp vừa và lớn mới vay được gói hỗ trợ này”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng khẳng định.
Cũng có người nói rằng, sao các DNNVV không áp dụng 4.0, chuyển đổi công nghiệp xanh để không lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, nhưng muốn làm được chuyển đổi số, thì cần vốn. Vì vậy, theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, cần có cơ chế tháo gỡ vốn cho DNNVV.
Trong Luật có 2 định chế là Quỹ hỗ trợ DNNVV nhưng ở TP Hồ Chí Minh chưa thấy quỹ này và Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thì ở TPHCM có nhưng không bảo lãnh được vì yêu cầu của Bộ Tài chính là phải có tài sản đảm bảo, nhưng doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo nên không vay được. Vì vậy, Bộ Tài chính cần thay đổi cơ chế bảo lãnh tín dụng.
Có thể bạn quan tâm
CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 4): Phối hợp chính sách tài khoá – tiền tệ linh hoạt
21:13, 25/08/2022
Xây dựng Chiến lược huy động vốn: Đa dạng các nguồn vốn cho doanh nghiệp
17:20, 25/08/2022
Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới
14:00, 24/08/2022
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới"
13:21, 24/08/2022
Chiến lược huy động vốn trong hoàn cảnh mới
12:00, 24/08/2022