Giải pháp phát triển sâu thị trường tài chính
Cần phát triển sâu thị trường tài chính, để thị trường là nơi huy động, phân bổ hiệu quả đa dạng các loại vốn theo nhu cầu, khả năng của mọi đối tượng khách hàng.
>>Dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều vấn đề nổi cộm
Thời gian qua, sự tăng trưởng vượt trội của thị trường cổ phiếu, trái phiếu cho thấy thị trường vốn đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu, thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ và là kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, những thách thức mới trên thị trường tài chính và sự gia tăng của các loại rủi ro đi kèm với tăng trưởng quá nóng, nguy cơ giá rời xa giá trị thực của tài sản tài chính, nợ xấu, thao túng giá,... có thể gây hệ lụy tới sự phục hồi kinh tế những năm tới. Trong đó, có thể kể đến một số vấn đề nổi cộm như:
Thứ nhất, chênh lệch giữa quy mô hỗ trợ và mức độ thiệt hại. Nền kinh tế Việt Nam có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong số này đa phần đều có năng lực tài chính hạn chế, tài sản đảm bảo giới hạn,... nên rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức tín dụng phải tuân thủ theo các quy định về đảm bảo an toàn nguồn vốn, nợ xấu, trích lập dự phòng,... dẫn đến khó áp dụng các biện pháp như giảm lãi suất mạnh, kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ, cho vay bằng hình thức tín chấp nếu không có sự bảo đảm và hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
Để giải quyết vấn đề trên, theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỉ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, việc thực hiện gói hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc về cách thức thực hiện, nguồn lực để đảm bảo sự hiệu quả của gói hỗ trợ.
Thứ hai, sự “lệch pha” giữa thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mối tương quan giữa tăng trưởng của tín dụng, huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán (TTCK), mức đầu tư trở lại xã hội của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trước và sau khi đại dịch xảy ra cho thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong khi tăng trưởng GDP giảm mạnh thì huy động vốn qua TTCK tăng mạnh, còn tăng trưởng tín dụng và đầu tư của DNBH trở lại nền kinh tế biến động nhỏ hơn nhiều.
Diễn biến tăng giá chứng khoán ngược chiều với tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến tăng nguy cơ “bong bóng” giá tài sản - xảy ra khi giá thị trường của tài sản vượt xa khỏi giá trị thực. Sự tăng trưởng của TTCK trong giai đoạn vừa qua được nuôi dưỡng một phần bởi niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế khi đại dịch được kiểm soát.
Thứ ba, thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro nội tại, có thể gây ra các tác động tiêu cực tới sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Cụ thể là biến động trên thị trường nhanh, liên tục và khó dự báo. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều bất ổn do đại dịch, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, biến động của lãi suất, giá vàng, đồng đô la Mỹ,... trên các thị trường tiền tệ thế giới trở nên nhanh, liên tục và khó dự báo hơn trong quá khứ. Điều này tạo môi trường cho các hoạt động đầu cơ, gây tác động tiêu cực nhất định đến thị trường tiền tệ, thị trường tài chính trong nước.
Đến nay, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng (Trung Quốc tiếp tục chính sách zero Covid, phong tỏa các thành phố lớn), xu hướng thắt chặt lãi suất của các nền kinh tế lớn (Mỹ, châu Âu,...), tình hình địa chính trị căng thẳng (xung đột Nga-Ukraine).
Nếu việc khôi phục sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới không đáp ứng kỳ vọng, sự tăng trưởng của TTCK có nguy cơ rời xa giá trị thực của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng. Tình trạng các doanh nghiệp yếu kém huy động vốn nhờ giá cổ phiếu tăng không chỉ gây ra rủi ro với nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả huy động, sử dụng vốn của nền kinh tế.
>>Nghị quyết 86/NQ-CP: Đưa thị trường chứng khoán về đúng vị thế vốn có
Giải pháp toàn diện
Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế, thị trường tài chính cần củng cố chất lượng tăng trưởng, đảm bảo hoạt động an toàn, minh bạch và hiệu quả.
Giải pháp phát triển thị trường tài chính cần chú trọng giải quyết các vấn đề nội tại, củng cố động lực tăng trưởng dài hạn cho thị trường với một số vấn đề cần chú trọng gồm:
Một là, thường xuyên theo dõi, đánh giá khả năng bong bóng tài sản, cũng như nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên thị trường để có các kịch bản ứng phó kịp thời.
Đối với TTCK, cần theo dõi các dòng tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền của khối ngoại, dòng tiền tín dụng (dư nợ lĩnh vực chứng khoán, tiền cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán) và các kênh huy động vốn của CTCK. Dòng vốn tín dụng cần tiếp tục được kiểm soát theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường quản trị rủi ro, đẩy mạnh hơn các biện pháp kiểm soát tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, bao gồm cả bất động sản.
Về phía Ngân ương Nhà nước, một trong những công cụ chính kiểm soát rủi ro nợ xấu bất động sản gia tăng là giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình, về mức 30% bắt đầu từ ngày 1/10/2022. Đồng thời, NHNN cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản từ mức 150% lên 200%.
Đối với dòng tiền của các CTCK, trong thời gian qua, mặc dù Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo đối với các CTCK có hiện tượng huy động vốn với lãi suất cao, nhưng cơ sở pháp lý để đưa ra các hình thức phạt hoặc các chế tài khác ở cấp độ cao hơn còn nhiều vấn đề đặt ra. Chẳng hạn như thiếu quy định đối với dịch vụ của Fintech, các quy định chồng chéo và mâu thuẫn về quyền nhận tiền gửi dưới hình thức vay vốn của CTCK trong quy định của Luật chứng khoán (2019), Luật Các tổ chức tín dụng (2017), Bộ luật Dân sự (2015), Luật Đầu tư (2020). Do đó, cần rà soát, hoàn thiện quy định liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở cho việc quản lý và giám soát các kênh huy động vốn của CTCK.
Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát đối với tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên TTCK luôn cần được chú trọng, theo dõi thường xuyên, không để xảy ta tình trạng bán giải chấp margin. Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy quá cao trên TTCK có thể trở thành lý do khiến sự hồi phục của TTCK đảo chiều, như trường hợp của TTCK Đài Loan vào tháng 5/2021, hay Việt Nam vào tháng 4/2022.
Hai là, việc sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm cận biên sang nhóm thị trường mới nổi sẽ tạo động lực phát triển mới cho thị trường, đặc biệt trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Để nâng hạng TTCK theo các bảng xếp hạng trên, cần tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề về cải thiện quy định giao dịch (rút ngắn thời gian giao dịch, ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh), quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh, cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ba là, nâng cao quy mô, chất lượng tài sản của các ngân hàng, định chế tài chính, doanh nghiệp. Các bên liên quan, đặc biệt là NHNN tiếp tục xây dựng, dự báo các kịch bản xử lý nợ xấu để có các phương án phù hợp với biến động kinh tế vĩ mô trong nước.
Bốn là, tăng cường thanh tra, giám sát thị trường tài chính (TTTC), đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, theo cơ chế thị trường, tuân thủ pháp luật. Các cơ quan quản lý giám sát dịch vụ tài chính trên thị trường cần được chú trọng bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn để tăng cường năng lực, kỹ năng, công nghệ trong phát hiện, nhận diện các trường hợp vi phạm, thao túng giá, các hoạt động tín dụng đen núp dưới bóng công nghệ tài chính.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát để các công ty chứng khoán tuân thủ pháp luật, minh bạch hoạt động cho vay ký quỹ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, không cho vay theo tỷ lệ đối với các cổ phiếu trong danh mục cho vay của công ty chứng khoán,... Nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTTC cần căn cứ theo mức độ trục lợi, gây thiệt hại cho nền kinh tế để các chế tài có tính răn đe.
Năm là, phát triển sâu TTTC, để thị trường là nơi huy động, phân bổ hiệu quả đa dạng các loại vốn theo nhu cầu, khả năng của mọi đối tượng khách hàng. Hoàn thiện tổ chức thị trường, thực hiện cơ chế quản lý giám sát đồng bộ đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), như quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành trong quản lý giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với công ty chứng khoán và tổ chức tín dụng.
Khuyến khích xếp hạng tín nhiệm độc lập nhà phát hành và các công cụ nợ. Đến năm 2023, các quy định về xếp hạng tín nhiệm mới thể hiện những ràng buộc mang tính pháp lý. Như vậy, từ năm 2021-2023 là khoảng thời gian để tạo lập thói quen sử dụng thông tin xếp hạng tín nhiệm trong phát hành, đầu tư TPDN và nâng cao chất lượng các dịch vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.
Cuối cùng, cần chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, tiến tới làm chủ công nghệ để chủ động ứng phó với các sự cố trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng hợp nhất các công ty chứng khoán
13:30, 28/08/2022
Đồng đô la tăng mạnh, chứng khoán Châu Á sẽ đi về đâu?
11:44, 22/08/2022
“Liệu cơm gắp mắm” trên thị trường chứng khoán
05:30, 07/08/2022
Thị trường chứng khoán xanh rực sau cuộc họp của FED
12:00, 28/07/2022
Dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
12:00, 04/09/2022
Bất động sản tiếp tục e dè với trái phiếu
00:15, 04/09/2022
Phải vay tiền lãnh đạo trả nợ trái phiếu, TNH làm ăn ra sao?
05:00, 31/08/2022