Tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu
Theo chuyên gia, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu đến nay bị coi là đã lỗi thời nhưng vẫn được áp dụng, khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này càng bán càng lỗ...
>>Giá xăng dầu có thể giảm mạnh trong hôm nay (12/9)
Xăng dầu... càng bán càng lỗ
Giá dầu thế giới đạt mức đỉnh 120 USD/thùng vào tháng 5/2022 và giữ ở mức cao hơn 100 USD/thùng, sau đó quay đầu giảm xuống dưới mức 80 USD vào tháng 9 này. Vấn đề đặt ra là sự suy giảm của giá dầu sẽ kéo dài bao lâu, trong bối cảnh dự báo nhu cầu nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng cao ở châu Âu và Mỹ khi mùa đông đến gần.
Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) nhận định, giá dầu sẽ còn leo cao trong một thời gian trước khi có sự giảm. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề chính trị, đặc biệt là thỏa thuận về hạt nhân giữa Mỹ và Iran, mà các nhà khoa học và các nhà quản lý đã nêu ra.
Giá dầu tăng lên đồng nghĩa với việc có cơ hội tăng thêm nguồn thu từ dầu thô, nhưng ngược lại mất đi nguồn lực kinh tế vì sử dụng giá dầu thành phẩm tăng cao. Trước đây, khi sản lượng dầu thô khai thác tăng cao, mỗi một USD giá dầu tăng lên, chúng ta thu được 1.000 tỷ đồng từ các loại thuế. Nhưng đến nay, sản lượng mỏ giảm, nên mỗi một USD giá dầu tăng chỉ thu được khoảng 400 tỷ đồng. Như vậy, không có nhiều kỳ vọng số thu về dầu thô. Do đó, cần phải tính toán khi giá dầu thành phẩm tăng thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Trên thị trường Việt Nam, dù xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quy định giá, tuy nhiên giá xăng dầu Việt Nam khó đi xa so với mặt bằng chung. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 24 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó xăng RON 95 có 12/24 lần tăng giá, dầu Diezen có 15/24 lần tăng giá. Đáng chú ý, giá dầu Diezen, dầu hỏa hiện tại đã có gía bán cao hơn xăng, trong khi dầu mới chính là đầu vào của nhiều ngành kinh tế, gây áp lực không ít cho sản xuất.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phân tích CTCK Dầu khí đánh giá, ở Việt Nam, giá dầu vượt quá giá xăng sẽ tác động rất lớn, trực tiếp đến chi phí cho vận tải, các hoạt động khác như đánh bắt thủy, hải sản và đánh rất sâu vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến chỉ số CPI trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Thống kê, giá dầu tăng 10% sẽ làm cho CPI tăng 0,36% và GDP giảm 0,5%. Tại Việt Nam về quản lý giá xăng dầu hiện nay đã dẫn đến những nhịp điều chỉnh không theo kịp đà thế giới. Đơn cử như kỳ điều chỉnh xăng dầu 10 ngày một lần, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động theo giờ. Bên cạnh đó, việc vận hành công thức tính giá xăng dầu bị xem là có nhiều điểm lạc hậu, khiến cho việc kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam luôn đối mặt với tình trạng treo biển hết xăng. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần vận hành xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, do giá cả xăng dầu lên xuống rất bất thường, nhưng chủ yếu chúng ta chỉ nhập đủ sản lượng cần phải đáp ứng, nên có thể nói 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đầu mối, cũng có tùy vào doanh nghiệp nhưng đa phần kết quả kinh doanh rất kém.
Theo quy định tại Nghị định 95 quản lý kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu được tính toán bằng giá xăng dầu cộng thuế, cộng chi phí định mức, cộng lợi nhuận định mức. Từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí định mức được xây dựng từ năm 2014 đã lỗi thời, nhưng vẫn được áp dụng khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu càng bán càng lỗ...
>>Cần thêm giải pháp giảm giá xăng dầu
Tính toán lại chi phí
Vừa qua, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bộ tài chính mới điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế, còn chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến các cảng vẫn chưa được ra soát điều chỉnh.
Trao đổi với báo chí, TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, để giảm áp lực do giá dầu gây ra, vẫn cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.
“Trong đó, giảm thuế VAT với xăng dầu đến hết năm nay và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu như nhiều nước đã áp dụng là cần thiết. Ngoài ra, Việt Nam cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu, điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, vị TS khuyến nghị.
Bên cạnh việc tính toán giảm thuế với xăng dầu, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phương án căn cơ để ứng phó với biến động giá dầu vẫn là tăng dự trữ quốc gia và bảo đảm sản xuất của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Vừa qua, thị trường trong nước đã xảy ra những biến động rất lớn về nguồn cung. Các đại lý, phân phối xăng dầu đồng loạt kêu khó về vấn đề chiết khấu và những ách tắc khó gỡ trong vấn đề nguồn cung.
Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản trong ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan dự báo, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, vị chuyên gia Nhật Bản dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thỏa mãn được nhu cầu tăng trưởng.
"Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng, ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai, cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng", ông Kenya nói.
Có thể bạn quan tâm
Giá xăng dầu có thể giảm mạnh trong hôm nay (12/9)
00:00, 12/09/2022
Cần thêm giải pháp giảm giá xăng dầu
04:30, 24/08/2022
Đã đến lúc “khai tử” Quỹ bình ổn giá xăng dầu
04:05, 20/08/2022
Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi, giá xăng dầu liệu có được như kỳ vọng?
11:06, 10/08/2022