Hoá giải thế khó trên thị trường bán lẻ xăng dầu
Nếu Việt Nam mong muốn xây dựng một thị trường xăng dầu thực thụ, thì doanh nghiệp bán lẻ phải được mua ở rất nhiều đầu mối khác nhau để đa dạng nguồn cung.
>>Tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu
Theo quy định của Nhà nước hiện nay, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu về sẽ bán cho các doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trong nước với mức chiết khấu nhất định, để từ đó họ có cơ sở kinh doanh.
Mức chiết khấu này gồm: Một là những chi phí liên quan đến vận chuyển từ 250 - 300 đồng/lít xăng dầu; Hai là chi phí liên quan đến các hoạt động cần thiết để đảm bảo cung ứng xăng dầu, hay chi phí hoạt động định mức khoảng 650 - 700 đồng/lít. Như vậy đâu đó, mức chiết khấu từ 900 - 1000 đồng/lít mới hợp lý, nhưng do việc xăng dầu nhập khẩu của các đầu mối có thể có giá cao, dẫn đến lỗ nên họ cũng yêu cầu phía doanh nghiệp bán lẻ gánh chịu thêm phần lỗ này, gây ra mức chiết khấu 0 đồng, thậm chí một số đầu mối còn yêu cầu mức chiết khấu âm.
Thực tế, câu chuyện chiết khấu có thể được hai bên doanh nghiệp bán lẻ và đầu mối đàm phán với nhau. Nhưng trong thời gian vừa qua, do biến động giá xăng dầu diễn ra mạnh mẽ, ở thời điểm nào đó có thể giá xăng dầu thế giới tăng cao mà giá xăng dầu định giá 10 ngày trong nước ở mức thấp nên có những thay đổi. Chẳng hạn thời điểm cuối tháng 8 - giai đoạn giá bán xăng dầu Singapore cao hơn giá bán xăng dầu bán lẻ của Việt Nam khoảng 2000 đồng/lít. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu về bán sẽ lỗ, nên đã yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ chấp nhận mức chiết khấu 0 đồng.
Có thể nói, về tổng thể kế hoạch nhập khẩu xăng dầu và bán ra thị trường ở Việt Nam thì không thiếu, nhưng ở một số đầu mối hoặc địa bàn có những đứt gãy cục bộ. Ví dụ trong thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã rút giấy phép của 7 đầu mối xăng dầu, mà theo quy định các doanh nghiệp bán lẻ chỉ được mua xăng dầu từ một đầu mối, dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp bán lẻ không nhập được hàng để bán.
Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp xăng dầu khi họ nhập khẩu về bán và thấy giá bán đang thấp hơn giá nhập, nên phải kìm giữ hàng hoá, không bán ra hoặc bán với lượng rất ít, cũng khiến các doanh nghiệp bán lẻ không đủ sản lượng đáp ứng thị trường. Nhìn chung, trong một thời điểm nào đó việc đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu là có xuất hiện.
>>Ổn định thị trường xăng dầu: Cần áp dụng sớm “công cụ” bình ổn giá
Cũng cần giải thích thêm, khi nói về việc quy định một doanh nghiệp bán lẻ chỉ được mua của một đầu mối xăng dầu cũng có lý do. Bởi vì xăng dầu là chất lỏng dễ pha chế, chúng ta phải quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng cho sản xuất kinh doanh ổn định, nếu không, khi truy suất nguồn gốc sẽ rất khó và khó cả cho việc quản lý, kiểm soát thị trường.
Ở chiều ngược lại, điều này mang tính hành chính và cũng mang tính bao cấp. Nếu Việt Nam mong muốn xây dựng một thị trường xăng dầu thực thụ, thì doanh nghiệp bán lẻ phải được mua ở rất nhiều đầu mối khác nhau để đa dạng nguồn cung. Trong trường hợp đầu mối có vấn đề như trong thời gian vừa qua, thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán lẻ vẫn được phép nhập ở đầu mối khác thay thế, đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định.
Điều đáng nói, muốn có thị trường xăng dầu thực thụ, cạnh tranh tự do thì phải dần dần thay đổi, ngay trong thời gian trước mắt cũng là việc khó khăn cho quản lý và yêu cầu điều chỉnh xăng dầu của Nhà nước.
Trước hết, cơ quan quản lý cần phải kiểm tra giám sát xem, việc tiêu thụ xăng dầu cả trong sản xuất kinh doanh, lẫn trong đời sống của các tháng cụ thể tăng giảm ra sao, theo mùa, theo quá trình tăng trưởng của sản xuất, kinh doanh, từ đó có kế hoạch nhập khẩu cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Thứ hai, cần kiểm tra giám sát nguồn đầu vào và lượng xăng dầu dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối, xem có đúng yêu cầu quy định của Nhà nước không, để đảm bảo các đầu mối này không thể dồn xăng dầu vào quỹ dự trữ khi giá tăng hoặc giảm.
Thứ ba, chúng ta cũng cần thay đổi giá cơ sở của xăng dầu. Trước đây, Nhà nước quy định mức giá của chi phí vận chuyển xăng dầu chỉ khoảng 1 USD/thùng dầu, nhưng khoảng hơn 6 tháng trở lại đây, chi phí logistics tăng rất cao 2-3 USD/thùng, thì giá cơ sở phải tăng lên.
Thêm vào đó, quy định tiêu chuẩn khí thải Euro 3 trước đây khoảng 1 USD/thùng dầu, nhưng hiện nay trên thị trường thế giới yêu cầu quy chuẩn Euro 5, vì vậy mức tiêu chuẩn là 7-8 USD mà chúng ta chưa điều chỉnh gây thiệt hại cho người mua và bán xăng dầu đầu mối.
Chưa kể về lâu dài, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh thực thụ, để từ đó có thể bỏ được Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bỏ lợi nhuận định mức và các chi phí kinh doanh định mức. Khi đó, việc mua bán xăng dầu giữa các doanh nghiệp bán lẻ và đầu mối sẽ không quá phức tạp, theo cơ chế thị trường và ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu
15:12, 19/09/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần thay đổi cơ chế tính chi phí
11:30, 16/09/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần áp dụng sớm “công cụ” bình ổn giá
15:00, 15/09/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông
04:00, 14/09/2022