FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế
FED tăng lãi suất mạnh mẽ đã gây sức ép lên các nền kinh tế lớn tạo ra cuộc đua tăng lãi suất ồ ạt, ngoại trừ Nhật Bản. Điều này cũng tạo áp lực cho Việt Nam trong công tác điều hành chính sách.
>>Fed chính thức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản
Chạy đua lãi suất
Sau khi công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất cao tới 4,6% vào năm 2023 trước khi ngân hàng trung ương ngừng cuộc chiến chống lạm phát.
Một loạt các đợt tăng lãi suất lớn được cho là sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Bản tóm tắt các dự báo kinh tế từ Fed cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ước tính sẽ tăng lên 4,4% vào năm tới từ mức 3,7% hiện tại. Trong khi đó, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ giảm xuống 0,2% vào năm 2022.
Với việc thắt chặt mạnh mẽ, lạm phát được đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ giảm xuống 5,4% trong năm nay. Chỉ số này đứng ở mức 6,3% trong tháng 8 và lạm phát mục tiêu 2% của Fed ước tính sẽ đạt được vào năm 2025.
Sau công bố của Fed, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,5% - một sự thay đổi nhằm chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm ở châu Âu vào ngày 22/9. Động thái này diễn ra sau khi lạm phát ở Thụy Sĩ đạt 3,5% vào tháng trước, mức cao nhất trong ba thập kỷ.
Ngân hàng này nhấn mạnh, việc tăng lãi suất nhằm chống lại sự gia tăng mới của áp lực lạm phát và sự lây lan sang hàng hóa, dịch vụ. Đó là chính sách “không thể bị loại trừ”. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng tỷ lệ chuẩn của mình thêm 50 điểm cơ bản lên 2,25% trong một nỗ lực nhằm giảm lạm phát gia tăng sau chưa đầy một ngày Fed tăng lãi suất.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, đồng franc Thụy Sĩ suy yếu đáng kể so với đồng USD và đồng Euro. Vào lúc 9:15 sáng ngày 22/9 (theo giờ London), đồng USD đã cao hơn 1,24% so với đồng tiền Thụy Sĩ và đồng Euro cao hơn 1,6%. Trong phiên đầu tuần, đồng franc đã chạm mức mạnh nhất so với đồng Euro kể từ tháng 1/2015, khi các nhà kinh tế bắt đầu suy đoán về triển vọng tăng 75 điểm cơ bản của Fed.
Thụy Sĩ là quốc gia cuối cùng còn lại ở châu Âu có chính sách nới lỏng, do các ngân hàng trung ương trong khu vực đã tích cực tăng lãi suất để giải quyết lạm phát tăng cao. Trong khi Đan Mạch đã kết thúc chuỗi lãi suất âm kéo dài gần một thập kỷ của mình vào ngày 8/9, khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm lên 0,65%.
Hai ngày trước, ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tăng lãi suất lên 1,75% vào ngày 20/9. Việc tăng 100 điểm cơ bản được đưa ra khi Riksbank cảnh báo lạm phát quá cao.
Còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã vượt lên trên 0% khi tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng vọt vào ngày 8/9. Edward Scicluna, thành viên Hội đồng quản trị ECB tiết lộ, ECB có thể tiếp tục tăng lãi suất, nhưng mức tăng trong tương lai sẽ không mạnh mẽ như lần tăng 75 điểm cơ bản gần đây nhất.
>>Vàng giảm giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất
Nhật Bản lội ngược dòng
Chỉ riêng Nhật Bản, hiện là nền kinh tế lớn cuối cùng có mức lãi suất âm, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ở -0,1% vào ngày 22/9. Quyết định nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mong manh của đất nước, ngăn chặn làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu do các ngân hàng trung ương đang cố gắng kiềm chế lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, trong cùng ngày, Nhật Bản cũng đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để tăng giá đồng yen.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói trong một cuộc họp sau quyết định chính sách rằng: “Hoàn toàn không có gì thay đổi đối với lập trường của chúng tôi về việc duy trì chính sách tiền tệ dễ dàng trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi sẽ không tăng lãi suất trong một thời gian”.
Về động thái trên, Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô tại Equiti Capital ở London đánh giá: “Các biện pháp can thiệp tiền tệ hiếm khi thành công và tôi hy vọng động thái hôm nay sẽ chỉ mang lại sự thu hồi tạm thời đối với đồng yen Nhật”.
Có thể thấy, đồng yen Nhật đã mất giá gần 20% trong năm nay, do BoJ giữ chính sách quá lỏng lẻo trong khi nhiều quốc gia đã mạnh tay can thiệp để hạ nhiệt tỷ giá tăng. Nhưng quốc gia này rất hiếm khi can thiệp mua đồng yen, lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của mình là vào năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây ra tình trạng bán tháo đồng yen và dòng vốn nhanh chóng tháo chạy khỏi khu vực.
>>Fed chính thức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản
Thận trọng cho Việt Nam
Tại Việt Nam, trong phiên họp Chính phủ ngày 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh Fed vừa nâng lãi suất.
Trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, đây là lần thứ 3 Fed tăng lãi suất trong năm nay và mỗi lần Fed tăng lãi suất, tác động đều thể hiện rất rõ. Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỉ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia thì nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.
Đáng chú ý, lãi suất trong nước những tháng cuối vẫn có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng như nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất (có thể tăng đến giữa năm 2023 và thậm chí đến hết năm 2023) khi mà giá cả, lạm phát còn ở mức cao.
Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động, liên tục bám sát tình hình để theo dõi, phân tích, đánh giá và đưa ra những kịch bản ứng phó, xử lý sao cho phù hợp, để một mặt kiểm soát được rủi ro, lạm phát, một mặt ổn định được kinh tế vĩ mô, giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế và có thể tranh thủ tận dụng được một số cơ hội.
“Đặc biệt, trong giai đoạn này cần hết sức bình tĩnh, đòi hỏi công tác điều hành phải nghệ thuật, khôn khéo, chủ động, kịp thời, phù hợp và đồng bộ của các nhà hoạch định chính sách. Ở đây, điều hành phải bằng các công cụ phối hợp nhuần nhuyễn chính sách, tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng và có lựa chọn thứ tự ưu tiên.
Đương nhiên chúng ta phải thận trọng, nhưng không quá cứng nhắc, thái quá. Nếu như điều hành cứng nhắc, thái quá thì sẽ làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, cũng như làm mất đi cơ hội của chính nền kinh tế, và có thể làm khan hiếm nguồn cung, tác động trở lại với lạm phát”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Ngay trong chiều ngày 22/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành các Quyết định số 1606/QĐ-NHNN và Quyết định số 1607/QĐ-NHNN điều chỉnh một số mức lãi suất có hiệu lực từ hôm nay 23/9/2022. Theo Quyết định, NHNN đã nâng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm so với quy định cũ. Các chuyên gia đánh giá quyết định điều chỉnh lãi suất của Việt Nam là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Vàng giảm giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất
14:55, 22/09/2022
Fed chính thức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản
04:59, 22/09/2022
Chính sách của FED có thể sẽ đánh trượt giá Bitcoin
16:30, 20/09/2022