Rủi ro trên thị trường tiền tệ với các nền kinh tế mới nổi
Theo chuyên gia, đồng USD mạnh lên, góp phần làm xấu đi cán cân thương mại, làm trầm trọng thêm rủi ro đối với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi.
>>FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế
Theo các nhà phân tích, dòng vốn chảy ra đều đặn từ Trung Quốc đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với Bắc Kinh và các nền kinh tế mới nổi, vốn đang phải vật lộn để đối phó với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chững lại và sự mạnh lên nhanh chóng của đồng USD.
Áp lực gia tăng với Trung Quốc
Đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây, đã nâng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và tiếp tục nới rộng khoảng cách chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với đợt tăng lãi suất thứ tư có thể xảy ra vào tháng 11, áp lực đối với Bắc Kinh có vẻ sẽ tiếp tục gia tăng khi nước này nỗ lực ngăn chặn đồng Nhân dân tệ giảm giá quá mức và dòng vốn ồ ạt chảy ra ngoài.
Theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), từ tháng 2 đến tháng 7, Trung Quốc đã phải hứng chịu dòng chảy ròng kỷ lục 81 tỷ USD thông qua cơ chế Kết nối cổ phiếu và Kết nối trái phiếu. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho hay, dòng chảy ra đã điều chỉnh một chút trong tháng 8, với việc các nhà đầu tư nước ngoài cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của họ xuống 30 tỷ Nhân dân tệ (4,24 tỷ USD).
Tuy nhiên, quy mô dòng vốn chảy ra của Trung Quốc vẫn chưa thể so sánh với cuộc di cư được ghi nhận vào năm 2015, khi PBoC gây chấn động thị trường bằng cách phá giá đồng Nhân dân tệ hơn 3%. IIF ước tính, Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn ròng là 676 tỷ USD trong năm đó.
Hiện nay, một số nhà phân tích đang kêu gọi Bắc Kinh duy trì sự linh hoạt trong tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, ngay cả khi đồng tiền này gần đây đã vượt ngưỡng tâm lý quan trọng là 7 CNY/USD. Họ cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi kinh để giúp bù đắp những cú sốc bên ngoài.
Đồng Nhân dân tệ đã giảm giá so với đô la Mỹ vào cuối ngày 21/9 và đạt 7,0853 CNY/USD trong giao dịch sớm ngày 22/9 trên thị trường trong nước - mức yếu nhất kể từ ngày 29/6/2020 và đóng cửa ở mức 7,0810 so với đồng bạc xanh.
Nhìn chung trên thị trường tiền tệ đến nay, đồng USD đã mạnh lên 10,9% so với Nhân dân tệ, 13,7% so với đồng Euro, 17,4% so với won của Hàn Quốc và 24,9% so với yen Nhật.
Trong một ghi chú ngày 22/9, các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank đã cảnh báo về tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với đồng Nhân dân tệ từ sức mạnh của đồng đô la Mỹ và các động thái chính sách của Fed. “Điều này càng phù hợp hơn với dự báo mới nhất của Fed về việc tăng thêm nhiều lần lãi suất nữa trong năm nay, hy vọng PBoC sẽ nhẹ nhàng với các quyết định về lãi suất của mình cho đến khi chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ đạt đỉnh”.
Bất ổn từ nội tại
Trước sức ép từ Fed và các nền kinh tế lớn, PBoC đã kiềm chế việc giảm lãi suất cho vay chuẩn trong một đợt điều chỉnh cố định hàng tháng vào ngày 20/9. Đồng thời cho rằng lãi suất này là hợp lý và quốc gia vẫn còn nhiều khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Zhang Ming, Phó giám đốc Viện Tài chính & Ngân hàng tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc lý giải, mục tiêu chính của việc đồng Nhân dân tệ suy yếu so với USD là để ổn định đồng Nhân dân tệ so với rổ tiền tệ có trọng số thương mại. Bất chấp sự suy yếu của nó so với USD, đồng Nhân dân tệ vẫn ổn định so với các đồng tiền khác của các đối tác thương mại lớn.
Cũng có ý kiến cho rằng, từ quan điểm mở rộng nhu cầu bên ngoài và duy trì một mức tăng trưởng nhất định trong ngoại thương, hiện tại cần phải giảm giá đồng Nhân dân tệ ở mức vừa phải. Tuy nhiên, Trung Quốc nên thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự giảm giá quá mức của đồng tiền.
Bên cạnh kế hoạch tăng lãi suất tích cực của Fed, dòng vốn chảy ra liên tục của Trung Quốc, với việc các nhà đầu tư nước ngoài cắt giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc, cũng đang bị thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng, bao gồm cả việc Nga tấn công Ukraine. Đồng Nhân dân tệ suy yếu có những lợi ích và mất mát, nhưng điều đó dường như chưa phải mối quan tâm quá mức của Bắc Kinh.
Vào năm 2015, để kiềm chế dòng chảy vốn, PBoC đã áp dụng biện pháp kiểm soát vốn khắc nghiệt, siết chặt lãi suất và đốt cháy gần 320 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của mình để dập tắt sự hoảng loạn của thị trường, đồng thời giảm nguy cơ tháo chạy khỏi Nhân dân tệ.
Yu Yongdong, cựu cố vấn của PBoC cho biết trong một bài đăng trên blog rằng: “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là duy trì tính linh hoạt tối đa của đồng Nhân dân tệ và tiếp tục quản lý dòng vốn xuyên biên giới. Để giải quyết một cách căn bản vấn đề tháo chạy vốn, Trung Quốc phải cải cách thể chế sâu sắc hơn. Nhưng không thể bỏ việc quản lý vốn xuyên biên giới. Việc Fed tăng lãi suất đã gây áp lực lên các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, nhưng về cơ bản, những thách thức đang đến từ chính bên trong Trung Quốc”.
>>Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất: Chính sách tiền tệ bình thường hóa hậu đại dịch
Rủi ro cho các nền kinh tế mới nổi
Theo công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại London đánh giá, nhu cầu chậm chạp sẽ góp phần làm xấu đi cán cân thương mại, làm trầm trọng thêm rủi ro đối với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi phát sinh từ đồng USD đang mạnh hơn.
Các thị trường mới nổi như Malaysia đã bắt đầu cảm thấy sức nóng từ các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và biến động tỷ giá hối đoái lớn hơn, vì họ đã phải chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài bán bớt nợ và cổ phiếu của họ. Dữ liệu từ Tập đoàn United Overseas Bank (UOB) cho thấy, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Malaysia đã giảm 1 tỷ USD trong tháng 8 xuống 108,2 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
“Với sức mạnh của đô la Mỹ và sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ dự kiến sẽ tiếp tục, chúng tôi nghĩ rằng đồng Ringgit của Malaysia sẽ vẫn ở thế phòng thủ trước đô la Mỹ, chạm mức 4,58 vào cuối năm và 4,60 vào giữa năm 2023”, Tập đoàn UOB cho biết.
Còn tại Việt Nam, theo kinh tế gia Maybank Group, đồng Việt Nam (VND) đã mất khoảng -4% giá trị so với USD tính từ đầu năm (mặc dù vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất của ASEAN), bất chấp sự can thiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã bán khoảng 13 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay để hỗ trợ tiền tệ (~ 11% dự trữ tính ở mức cao điểm của quỹ vào cuối tháng 1), theo ước tính của tổ chức trong nước.
Bắt đầu từ ngày 23/9, NHNN bắt đầu chính sách tiền tệ bình thường hóa hậu đại dịch với lãi suất tăng mạnh +100 điểm cơ bản (bps) sau khi Fed tăng mạnh lãu suất. Như vậy, Việt Nam là nước ASEAN-6 cuối cùng có chính sách nâng lãi suất. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu sẽ được nâng lên lần lượt là 5% và 3,5% từ 4% và 2,5%.
Lãi suất cho vay qua đêm (đối với thanh toán điện tử liên ngân hàng và các khoản cho vay để trang trải vốn thiếu hụt trong thanh toán bù trừ) sẽ được nâng lên 6%, từ 5%. Chính sách lãi suất tiền gửi với các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được tăng thêm 0,3 - 1% tùy theo kỳ hạn. Việc tăng lãi suất chủ yếu nhằm phản ứng với việc đồng tiền đang suy yếu do Fed thắt chặt tiền tệ và nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu trong nước.
“Chúng tôi không cho rằng việc tăng lãi suất sẽ có tác động đáng kể đến sự phục hồi kinh tế, khi Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi. Đồng thời kỳ vọng NHNN sẽ giữ vững chính sách tiền tệ hiện tại trong thời gian còn lại của năm 2022”, nhóm chuyên gia dự báo.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất: Chính sách tiền tệ bình thường hóa hậu đại dịch
14:42, 23/09/2022
FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế
05:30, 23/09/2022
Vàng giảm giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất
14:55, 22/09/2022
Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu việc tăng lãi suất điều hành
11:07, 22/09/2022