Cung - cầu vốn trên thị trường tài chính quý III

TS. NGUYỄN ĐẠI LAI - Chuyên gia tài chính, ngân hàng 26/09/2022 11:15

Tính đến cuối quí III/2022, tức là đến cuối tháng 9/2022, bức tranh tổng quát nhất của thị trường tài chính (TTTC) nước ta đang đặt ra nhiều câu hỏi.

>>> Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất: Chính sách tiền tệ bình thường hóa hậu đại dịch

Đó là những câu hỏi từ thực tiễn nền kinh tế với các nhu cầu rất khác nhau về cung và cầu vốn đối với thị trường tài chính. Tính độc lập tương đối của TTTC cũng đang phải chống chọi với những rủi ro đã và đang đặt ra không chỉ từ nền kinh tế trong nước mà cả từ kinh tế quốc tế.

Việt Nam vẫn là

Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiêu thụ vốn hơn là thừa vốn. (Ảnh minh họa: ACB)

Tuy nhiên với nền kinh tế nước ta, những nhân tố tích cực vẫn đang lớn hơn so với những nhân tố nguy cơ cho TTTC nhờ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang tăng trưởng rất tốt. Đến nay nếu nhìn tổng quát các dòng vốn trên TTTC trong nước, ta đang thấy rất rõ về:

Các xu thế chủ đạo

Thị trường chứng khoán (TTCK): Trên thị trường này những tháng qua đã và đang lao dốc cả về giá và lượng giao dịch ở hầu hết các nhóm mã chứng khoán. Trong đó nhiều mã chứng khoán giá đã co về sát mệnh giá xuất phát, thậm chí có mã thấp hơn giá khởi điểm.

Nguyên nhân chính là do: Nhìn từ các nhân tố tác động trên thị trường quốc tế: Lạm phát từ Mỹ tăng (CPI tháng 8/2022 tiếp tục duy trì ở mức cao, tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái), NHTW Mỹ - FED phải liên tục tăng lãi suất để hút tiền về, tác động trực tiếp đến dòng tiền vào TTCK trong và ngoài nước Mỹ giảm; Từ châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột giữa EU với Nga về Ukraine, kéo theo khủng hoảng bất ổn kinh tế, lạm phát ở khu vực EU cũng có những tác động xấu tới TTCK trong và ngoài các nước EU, trong đó có Việt Nam.

Về các nhân tố bên trong nền kinh tế nước ta: Tiền rút khỏi TTCK rất mạnh do giá chứng khoán giảm liên tục theo đà giảm của giá chứng khoán thế giới và theo sự tháo chạy của các nhà đầu tư ngoại tại TTCK trong nước. Thậm chí mã chứng khoán của cả những doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI đang làm ăn phát đạt, lợi nhuận cao mà giá chứng khoán vẫn giảm mạnh! Niềm tin vào thị trường này của nhà đầu tư đã sụt giảm, mặc cho nhiều doanh nghiệp rất muốn hút vốn qua thị trường này như đã từng “bán giấy lấy tiền” nếu TTCK không được hoạt động trong cơ chế thị trường minh bạch.

Thị trường tiền tệ: Trong thời gian qua, tiền mặt hút về NHTM và NHNN đồng thời diễn ra khá lớn: NHNN hút tiền mặt nội tệ về qua bán ròng ngoại tệ cho NHTM, còn tại các NHTM tiền gửi thanh toán và tổng phương tiện thanh toán (tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp và cá nhân) đều tăng rất mạnh bởi cả hai lý do: Tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao và tiền “nằm chờ” cơ hội đầu tư của cả cá nhân và doanh nghiệp tăng mạnh.

NHNN

NHNN đã sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ hệ thống. (Nguồn thống kê: SSI Research)

Ngày 7/9, NHNN đã có thông cáo cho biết đã và sẽ thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và có thông báo gửi trực tiếp các TCTD này. Việc điều chỉnh room tín dụng được NHNN căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư số 52/2018/TT-NHNN về tình hình hoạt động của các TCTD theo những quy định xếp hạng các TCTD, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài trong năm 2022, về diễn biến thị trường và định hướng theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 về việc tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế từ đầu năm đến nay.

Ở một khía cạnh khác, nhiều TCTD có những lúc lại đột ngột thiếu thanh khoản do việc đáo hạn các hợp đồng bán USD đã khiến một lượng VND không nhỏ tương ứng bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên cao, có những thời điểm lãi suất liên ngân hàng đã vọt lên tới mức 7,5%/năm, là mức cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây để lấy tiền thanh toán các kỳ nội tệ đáo hạn hoặc các hợp đồng tín dụng tới hạn giải ngân.

Trong những tình huống như vậy NHNN đã kịp thời sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ qua thị trường liên ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn để bổ sung tiền mặt cho ngân hàng thương mại (NHTM), giảm sức ép tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Trên thị trường tiền tệ từ đầu năm 2022 đến nay, NHNN luôn đóng vai trò nhạc trưởng trong việc hướng dòng vốn từ các NHTM mà trước hết là từ các NHTM lớn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền thông qua lãi suất và cơ chế chi tiết hóa room tín dụng cho từng NHTM để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

>>> NHNN đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022

Đến nay, NHNN đã đưa ra cơ chế kiểm soát tín dụng toàn nền kinh tế thông qua chỉ tiêu tín dụng định hướng cả năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn từng nhóm, thậm chí từng NHTM. Cơ chế kiểm soát tín dụng của NHNN đối với từng NHTM là không phân bổ chỉ tiêu giống nhau mà NHNN có xem xét và thông tin riêng hạn mức tín dụng đến từng TCTD, không công bố công khai ra công chúng để không gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các TCTD. Qua các cơ chế đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát tín dụng toàn ngành, kiếm soát lạm phát nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất ổn trong suốt nhiều tháng qua.

Trên thực tế, tỷ trọng cho vay các lĩnh vực có nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các NHTM cổ phần Nhà nước luôn thấp hơn nhiều so với các TCTD cổ phần phi Nhà nước.

Hàm ý gì từ những con số?

TTCK: Cho đến nay chúng ta thấy chỉ số VN-Index đang ở xung quạnh khu vực 1.285 điểm sẽ là dấu mốc quyết định xu hướng của thị trường trong tháng 9. Chỉ số này đến cuối ngày 20/9 thậm chí đang ở con số 1.218.93 điểm, là mức rất thấp; Đang chứng tỏ đà hồi phục lên vùng mục tiêu đã nhiều người dự báo từ đầu năm là kết thúc năm 2022, chỉ số VN-Index có thể đạt ở vùng 1300 +- 10 điểm là khó khả thi. 

Chỉ số

Xu hướng của chỉ số thị trường trong tháng 9 sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm định lại vùng kháng cự 1.285 điểm trên VN-Index. (Nguồn:SSI Research)

Vùng dao động của VN-Index đến cuối năm theo tôi chỉ xung quanh con số 1.250 cộng trừ 10 điểm, là vùng rất thấp và không phản ánh đúng xu hướng phát triển kinh tế rất tốt của cả nước. TTCK nước ta do đó đã và đang có biểu hiện tách rời so với sự phát triển chung của nền kinh tế là điều cần phải kiểm tra lại cơ chế kiểm soát bộ phận cấu thành TTTC của thị trường quan trọng này.

Trên thị trường vốn đến từ khu vực ngành ngân hàng:

Tính đến thời điểm giữa tháng 9/2022 và xu hướng cả năm 2022, có thể dự báo tổng tỷ trọng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế bình quân có thể đạt xung quanh 13%. Trong đó, đến nay Vietcombank đã được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với số dư cuối kỳ vào thời điểm 31/12/2021. Tính đến 8/9/2022, hạn mức room tín dụng được tăng thêm cho 15 NHTM được NHNN cấp thêm room tín dụng lần này, gồm: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB khoảng 3,1%; VIB (3%); Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%... Nhiều khả năng trong quí 4/2022 NHNN vẫn có thể xem xét nâng hạn mức tín dụng cho một số TCTD đã và sẽ được nâng khi đáp ứng các yêu cầu của cơ chế kiểm soát an toàn hệ thống và đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường vốn, trong giới hạn bảo đảm nguyên tắc tham gia chống lạm phát.

Tính đến ngày 26/8/2022, tín dụng toàn ngành mới tăng 9,91% so với cuối năm 2021, nhưng là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Với dự báo GDP năm 2022 Việt Nam có thể tăng vượt 7,5% thì tổng mức tăng tín dụng sẽ còn cao hơn do nhu cầu phát triển rất khả quan của nền kinh tế.

Như vậy là trong khi Mỹ, EU và kể cả Nhật Bản là những quốc gia, những vùng kinh tế lớn trên thế giới phải hút vốn về chống lạm phát, chống dư vốn, thì nền kinh tế Việt Nam hiện đang là nền kinh tế tiêu thụ vốn hơn là thừa vốn. Đây chính là những nhân tố tích cực vẫn đang lớn hơn so với những nhân tố nguy cơ mà nước ta đang hơn hẳn so với nhiều quốc gia, vùng kinh tế lớn trên thế giới. Khi nghiên cứu về kinh tế Việt Nam nói chung và TTTC Việt Nam trong năm nay đến 3 năm sau nói chung, nhiều nhà kinh tế đều hy vọng TTTC Việt Nam đang tham gia điều chỉnh lại nền kinh tế một cách hiệu quả nhất!

Có thể bạn quan tâm

  • Lãi suất cho vay chưa thể tăng mạnh

    Lãi suất cho vay chưa thể tăng mạnh

    04:00, 24/09/2022

  • FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế

    FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế

    05:30, 23/09/2022

  • Lãi suất tăng thêm 1% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/9

    Lãi suất tăng thêm 1% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/9

    18:00, 22/09/2022

TS. NGUYỄN ĐẠI LAI - Chuyên gia tài chính, ngân hàng