Quản lý dòng tiền với thuế thương mại điện tử
Để quản lý thuế thương mại điện tử hiệu quả, cần quản lý được dòng tiền, nhằm đối soát khi các nền tảng xuyên biên giới, hoặc tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh doanh thu.
>>Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán – Liệu có tối ưu?
Cơ hội cùng thách thức
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong thời gian qua, với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Xu hướng phát triển TMĐT sẽ có sự chuyển dịch doanh thu từ các giao dịch giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng, sang các giao dịch giữa các cá nhân với nhau. Thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hoá, đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng.
Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của TMĐT đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có cơ quan thuế, cụ thể:
Thứ nhất, khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế.
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế.
Thứ ba, khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Thứ tư, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.
Thứ năm, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục Thuế đã triển khai những hoạt động như xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
Cùng với đó là triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền tại các chuyên mục đặc biệt về pháp luật thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về quản lý thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang trong quá trình xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai các quy định về phối hợp giữa hai cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý Thuế.
“Với các giải pháp tích cực thực hiện trong thời gian qua, ngành thuế đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cơ bản người nộp thuế là cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đã có ý thức tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Một số sàn giao dịch TMĐT đã có sự phối hợp tốt trong việc triển khai cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế. Cơ quan thuế đã tăng cường quản lý thuế và đưa vào diện quản lý thuế đối với rất nhiều các cá nhân, tổ chức có kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT để tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện theo quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính cho biết.
Quản lý dòng tiền
Tại buổi toạ đàm về Quản lý thuế đối với TMĐT, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) khẳng định, Bộ TT&TT cũng như Bộ Tài chính đã có ký biên bản hợp tác phối hợp trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như trao đổi dữ liệu giữa 2 Bộ trong đó có hoạt động quản lý thuế.
“Hiện nay chúng tôi đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72, bổ sung các quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội trong nước và ngoài nước yêu cầu các tài khoản, các trang cộng đồng, các kênh cung cấp nội dung, thông tin liên hệ với Bộ TT&TT hoặc qua các mạng xã hội trong nước để nắm bắt được các dữ liệu và cần thiết sẽ trao đổi với các cơ quan có liên quan để nắm bắt được các hoạt động của các đối tượng có hoạt động doanh thu.
Quan trọng nhất chúng tôi cho rằng phải quản lý hoạt động của dòng tiền, bởi các giao dịch có thể một giao dịch hàng trăm nghìn USD nhưng cũng có giao dịch số tiền hạn chế. Vấn đề là chúng ta làm sao quản lý được dòng tiền để đối soát các việc khi mà các nền tảng xuyên biên giới hoặc các tổ chức cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh doanh thu hoặc kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, họ kê khai thuế thì liệu việc thực hiện việc kê khai thuế có đầy đủ như quy định hay không và có trường hợp nào giống như trốn thuế thì các Bộ ngành có liên quan cũng phối hợp để rà soát”, bà Huyền khuyến nghị.
Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta thu thuế thông qua hành vi dòng tiền, nhưng có thể người tiêu dùng không sử dụng tiền Việt Nam để thanh toán mà dùng các đồng tiền số. Trong khi hiện nay Việt Nam chưa thừa nhận các đồng tiền số đó nhưng thực tế vẫn đang diễn ra các hoạt động phát sinh thu nhập, kinh doanh, lấy các nguồn tiêu dùng của những người trong nước.
Vậy những đối tượng như vậy được đưa vào cơ chế điều tiết như thế nào và càng ngày càng xuất hiện nhiều, thì chúng ta phải có khuôn khổ pháp luật có khả năng bao phủ được hết tất cả các hành vi.
“Về mặt khuôn khổ pháp luật, cơ bản chúng ta đã có để thực thi các nghiệp vụ, biện pháp để thu thuế trên nền tảng số. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi liên tục, tạo ra nhiều hành vi, nhiều hoạt động mới, có thể ngày hôm nay chúng ta biết rồi, đưa vào quy định nhưng có thể ngày mai lại không có nữa. Chính vì vậy, sự cần thiết phải hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật. Trước hết là liên quan đến đối tượng mà chúng ta phải điều chỉnh ở đây là đối tượng nào phải chịu thuế khi diễn ra các giao dịch ở trên mạng”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nói.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cụ thể:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là nhà cung cấp nước ngoài, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Hai là, tích cực tham gia đàm phán xây dựng nội dung Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.
Ba là, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Đồng thời đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung đối với VBQPPL chuyên ngành để đảm bảo căn cứ pháp lý thống nhất và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT.
Bốn là, tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, Sàn thương mại điện tử, ...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Năm là, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT.
Sáu là, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Bảy là, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với nàh cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Tám là, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, phối hợp quản lý và hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT.
Có thể bạn quan tâm
Siết quản lý thuế qua nắm dữ liệu ngân hàng: Vẫn cần thêm quy định
12:30, 08/05/2022
Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử
05:00, 04/10/2021
Hóa đơn điện tử: Bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế
11:02, 30/09/2021
Hiện đại hoá quản lý thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
15:28, 11/09/2021