Minh bạch quản lý từ thí điểm đấu giá biển số xe

DIỄM NGỌC 23/10/2022 05:05

Theo TS. Phan Đức Hiếu, thực hiện được đề án thí điểm đấu giá biển số xe sẽ góp phần minh bạch quá trình quản lý biển số xe và làm tăng hiệu ứng quản lý của Nhà nước với lĩnh vực này.

>>Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

Tăng hiệu ứng quản lý

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

 Việc cấp biển số xe theo mong muốn người được cấp biển có lợi ích về kinh tế, làm gia tăng giá trị tài sản trong khi biển số cũng là một tài sản công (ảnh: Cục CSGT)

Việc cấp biển số xe theo mong muốn người được cấp biển có lợi ích về kinh tế, làm gia tăng giá trị tài sản trong khi biển số cũng là một tài sản công (ảnh: Cục CSGT)

Vấn đề này được đánh giá là đã chín, đã rõ và đạt sự đồng thuận cao, đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của một bộ phận người dân và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, nhu cầu sở hữu một biển số theo ý muốn mà người dân cho là đẹp là có. Điển hình là trong thời gian qua, có rất nhiều giao dịch mua bán xe với giá cao hơn nhiều so với một chiếc xe thông thường vì có biển số đẹp.

Về đề án cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá không phải được trình lần đầu tiên, hay lần đầu tiên được đề cập đến, mà từ nhiều năm trước, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã có nhiều đề xuất liên quan đến việc thí điểm, đấu giá biển số xe nhưng vẫn chưa thành công. Bên cạnh đó, việc cấp biển số xe theo mong muốn người được cấp biển có lợi ích về kinh tế, làm gia tăng giá trị tài sản trong khi biển số cũng là một tài sản công. Luật về tài sản công hay các luật có liên quan đều yêu cầu phải nâng cao hiệu quả đối với các tài sản công, trong đó có cả lợi ích về mặt vật chất và quản lý.

“Điểm nữa mà tôi cho rằng có lợi ích khi chúng ta thực hiện thành công đề án thí điểm, đó là có thể giải tỏa được những nghi ngờ và minh bạch hóa hơn trong việc cấp biển số. Thực tế không ít người nghi ngờ tại sao có những chiếc xe có biển số rất đẹp, là vô tình hay ngẫu nhiên chủ xe bốc được biển số như vậy, do đó, nếu thực hiện được đề án sẽ góp phần minh bạch quá trình quản lý biển số xe, làm tăng hiệu ứng quản lý của Nhà nước”, TS. Phan Đức Hiếu khẳng định.

Hiện nay, có một số lưu ý mà người dân rất quan tâm là sau khi trúng đấu giá biển số xe thì họ có quyền lợi gì ngoài việc sở hữu biển đó, câu hỏi đặt ra là họ có được cho tặng thừa kế chuyển nhượng hay không? TS. Phan Đức Hiếu phân tích, theo Dự thảo của đề án quy định các quyền cơ bản như: Người dân có quyền đấu giá số biển số xe trước khi họ mua xe và được quyền giữ số đó trước khi gắn vào một chiếc xe trong vòng 12 tháng; Khi số biển số xe đã được gắn vào một chiếc xe thì họ có quyền chuyển nhượng chiếc xe đó và có quyền giữ lại số cho mình.

Tuy nhiên có hai hạn chế là, khi họ chuyển nhượng xe gắn kèm biển số trúng đấu giá thì người nhận chuyển nhượng và biển số lại không có quyền như người trúng đấu giá và sẽ trở về trạng thái quản lý bình thường, nghĩa là quyền đó chỉ dành cho người trúng đấu giá. Đồng thời, trong thời gian người trúng đấu giá biển số xe chưa gắn vào xe thì không được quyền chuyển nhượng biển số.

“Theo tôi, có rất nhiều nội dung cũng rất thuận lợi, mở rộng nhiều quyền và tăng tính hấp dẫn của việc đấu giá biển số xe. Nhưng có một số ý kiến cho thấy, người dân mong muốn nhiều hơn so với quyền đó. Ví dụ họ mong muốn trong quá trình người trúng đấu giá biển số xe chưa gắn vào một chiếc xe ô tô nào đó, thì có quyền chuyển nhượng hoặc mua bán biển số để tạo ra thị trường thứ cấp.

Trong đề xuất phương án tạm thời hiện chưa cho phép chuyển nhượng giao dịch những biển số xe trúng đấu giá trong thời gian chưa gắn vào xe, vì bối cảnh của chúng ta là đang thí điểm và nếu thừa nhận một thị trường thứ cấp thì đòi hỏi đề án phải bổ sung thêm rất nhiều nội dung về quản lý quá trình mua, bán, chuyển nhượng hay các vấn đề chính sách thuế liên quan.

Điều đó dẫn đến khối lượng công việc về mặt quản lý, chuẩn bị đề án tăng lên, trong khi nhu cầu lại đang rất cần. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể tạm thời giới hạn các quy định như hiện nay, nhưng về mặt lâu dài, sau khi thực hiện thí điểm thì cũng nên tiến tới việc có thể mở rộng thêm quyền đối với người trúng đấu gía biển số xe, bao gồm cả quyền mua bán chuyển nhượng và các hoạt động trên thị trường thứ cấp”, ông Hiếu nói.

>>Đề xuất áp dụng giá khởi điểm đấu giá biển số xe là 40 triệu đồng

Kinh nghiệm quốc tế

Về kinh nghiệm quốc tế, vị chuyên gia cho hay, quy định tại các quốc giá khá là khác nhau, nhất là liên quan đến quyền của người trúng đấu giá biển số xe. Ví dụ tại Singapore có sự cởi mở hơn, ngược lại có nơi lại hạn chế hơn, không cho phép chuyển nhượng mua bán biển số đó. Điều đó còn phụ thuộc vào bối cảnh, hệ thống quản lý, cũng như mục đích của mỗi quốc gia.

TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Nhưng có một điểm trong quy trình đấu giá biển số xe này theo tôi nhận thấy, có rất nhiều nước xung quanh đều có quy trình riêng, đơn giản, dễ thực hiện và cũng rất hiệu quả, khác với quy trình chung cho việc đấu giá một tài sản công.

Nếu so sánh với đề án đấu giá biển số xe của chúng ta hiện nay, quy trình đấu giá dự kiến dựa trên quy trình về đấu giá tài sản công, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp hơn đối với tài sản là biển số xe.

Thứ nhất, việc đấu giá chỉ có một người tham gia để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí không đáng có. Thứ hai, chúng ta có thiết kế mức xác định giá khởi điểm khác với việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá tài sản công, bằng cách đưa ra một mức giá khởi điểm chung cho các số được yêu cầu cấp theo phương thức đấu giá.

“Đây là hai điểm sửa đổi đáng kể và cũng phù hợp, nhưng theo mong muốn của tôi, chúng ta nên có sự học hỏi các nước để có quy trình riêng và phù hợp với việc đấu giá biển số xe đơn giản hơn, cạnh tranh hơn, dễ thực hiện hơn.

Ví dụ như mô hình của Singapore, việc đấu giá biển số xe được thiết kế theo cách thức là diễn ra từ đầu tuần đến cuối tuần và người tham gia đấu giá biển số xe trong thời gian đấu giá đó, lựa chọn số của mình và bỏ một giá bằng hoặc cao hơn giá khởi điểm.

Tuy nhiên, cạnh tranh trong đấu giá nằm ở chỗ trong thời gian trước khi công bố kết quả đấu giá, thì họ cũng không biết có bao nhiêu người mong muốn như mình và giá phải trả là bao nhiêu, nên luôn dẫn đến áp lực phải trả một cái giá tương đối cao để đảm bảo mình có thể sở hữu được tài sản. Ngoài ra, còn cả những quy trình thanh toán, cũng như giải quyết câu chuyện đặt cọc thanh toán biển số cũng rất đơn giản.

Có thể thấy, các nước khá đa dạng về phạm vi quyền biển số xe trúng đấu giá, nhưng có một điều khá chung là đều thiết kế một quy trình riêng, đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao trong việc tạo áp lực cạnh tranh để chọn được người trả giá cao nhất”, TS.Phan Đức Hiếu cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất áp dụng giá khởi điểm đấu giá biển số xe là 40 triệu đồng

    11:00, 21/10/2022

  • Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

    05:05, 21/10/2022

  • Sẽ quy định đấu giá biển số xe

    15:21, 16/09/2020

DIỄM NGỌC