Nhân dân tệ phục hồi trước kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh zero Covid
Kỳ vọng ngày càng tăng về việc Trung Quốc sẽ xoay trục khỏi chính sách zero Covid đã hỗ trợ đồng Nhân dân tệ tăng giá, nhưng các nhà phân tích cho rằng con đường phục hồi kinh tế sẽ rất gập ghềnh.
>>Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng nhiều Nhân dân tệ tại ASEAN
Tuần vừa qua, đồng Nhân dân tệ đã phục hồi so với đô la Mỹ trong bối cảnh kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách zero Covid. Các nhà phân tích cho biết, mặc dù kỳ vọng của thị trường về việc chấm dứt chiến lược cứng rắn là rất cao, nhưng sự phục hồi kinh tế hoàn toàn sẽ không diễn ra suôn sẻ.
Các thành phố trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 sau khi Phó Thủ tướng Sun Chunlan cho biết, cuộc chiến chống đại dịch đang bước vào giai đoạn mới .
Theo các nhà phân tích tại Commerzbank, mặc dù các ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm, giúp chính quyền địa phương dễ dàng dỡ bỏ các hạn chế hơn, nhưng tăng trưởng kinh tế không vì thế được đảm bảo sẽ tăng tốc trong những tháng tới.
“Giai đoạn đầu mở cửa trở lại có thể sẽ rất khó khăn, vì các ca nhiễm có thể tăng trở lại khi các hạn chế được nới lỏng. Công chúng sẽ mất thời gian để thay đổi thói quen và trở lại bình thường. Có thể mong đợi một sự phục hồi vững chắc trong ngắn hạn nhưng nhiều khả năng hơn là vào nửa cuối năm 2023, vì chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ vượt qua giai đoạn ban đầu và mở cửa trở lại đáng kể vào thời điểm đó”, ngân hàng này cho hay.
Có thể thấy, đồng Nhân dân tệ và rộng hơn là các đồng tiền châu Á đã chịu áp lực so với đồng USD mạnh lên, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc cũng đã mất lợi suất so với trái phiếu kho bạc Mỹ vào tháng 4, điều này làm trầm trọng thêm dòng vốn chảy ra của nước này.
Nhưng đến nay, đồng đô la Mỹ đã giảm giá so với các đồng tiền châu Á trong vài tháng qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang báo hiệu tốc độ tăng lãi suất chậm hơn bắt đầu ngay sau tháng 12. Cụ thể, vào ngày 5/12, tỷ giá hối đoái CNY/USD trong nước đã vượt mốc 7 và giảm 1,3% xuống 6,9625. Tỷ giá hối đoái của CNY/USD tại nước ngoài cũng giảm và đang giữ khoảng 6,97.
Wang Tao, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư UBS cho biết, áp lực rút vốn có thể đã giảm nhẹ trong tháng 11 nhờ sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ gần đây, trong khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể tăng khoảng 80 tỷ USD lên 3,132 nghìn tỷ USD.
Còn theo Citic Securities, đồng Nhân dân tệ có thể biến động trở lại sau khi thị trường hấp thụ các yếu tố tích cực và nhu cầu ngoại hối được hiện thực hóa. Ngân hàng đầu tư Trung Quốc khẳng định: “Việc các nền tảng kinh tế cơ bản trong tương lai có thể đảo ngược thành công khỏi tình trạng yếu kém hiện tại hay không, sẽ quyết định liệu đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục tăng giá trong năm tới hay không”.
>>Trung Quốc dần nới lỏng chính sách zero- COVID
Có nhận định rằng, thực tế một đồng tiền yếu không nhất thiết là một vấn đề đối với Trung Quốc - một cường quốc xuất khẩu, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách thích một đồng Nhân dân tệ ổn định cho công tác quản lý tiền tệ và ngoại hối được thuận lợi hơn.
Trong năm nay, sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Mỹ đã làm giảm chênh lệch lợi tức với đồng USD, làm tăng tính bất ổn trên thị trường ngoại hối và giảm đà mua chứng khoán của Trung Quốc. Như vậy, nó đã hạn chế khả năng mở rộng chính sách tiền tệ của Bắc Kinh vì nó có thể khiến đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn.
Đồng nhân dân tệ đã giảm tới 13% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay, điều này đã góp phần vào dòng vốn chảy ra lớn nhất trong hơn 5 năm. Theo Viện Tài chính Quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 8,8 tỷ USD tiền từ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong tháng 10, phản ánh những thay đổi trong tâm lý đối với những lo ngại về địa chính trị và lo lắng về chính sách zero Covid của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích tại UOB Group kỳ vọng, tốc độ tăng lãi suất chậm hơn có thể làm giảm áp lực rút vốn đầu tư của các đồng tiền châu Á, nhưng sự không chắc chắn về chính sách zero Covid của Trung Quốc vẫn là một vấn đề.
“Nhìn chung, chúng tôi đã thận trọng và dự đoán các đồng tiền châu Á sẽ suy yếu nhẹ so với đồng đô la Mỹ trong năm 2023. Cụ thể, tỷ giá đô la Mỹ so với Nhân dân tệ giữ quỹ đạo tăng lên 7,3 vào cuối năm 2023 do những bất ổn về kinh tế và chính sách COVID”, UOB cho biết vào tuần trước.
Nhiều nhận định đưa ra rằng, việc thoát khỏi COVID-19 có khả năng thúc đẩy niềm tin của cả người tiêu dùng và nhà đầu tư, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp cao ở Trung Quốc, đồng thời xoa dịu sự thất vọng của các doanh nghiệp nước ngoài.
Trung Quốc gần như đã đóng cửa biên giới với du lịch quốc tế trong gần ba năm. Các chuyến bay nội địa vẫn ở mức thấp so với mức trước đại dịch và những người đến phải đối mặt với 8 ngày cách ly khiến các nhà đầu tư khó chịu.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura cho biết, kỳ vọng về việc chấm dứt chính sách này là rất cao nhưng quá trình trở lại bình thường sẽ không dễ. “Điều này là do tỷ lệ lây nhiễm thấp trước đây đạt được nhờ cách ly nghiêm ngặt và vấn đề phòng chống dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Mặt khác, chúng tôi không thể nghĩ rằng “buông bỏ” có nghĩa là nhiều vấn đề đã được giải quyết. Trong quá trình này, nếu giai đoạn đầu mở cửa trở lại dẫn đến lây nhiễm quy mô lớn và gây nhầm lẫn ở một mức độ nhất định, thì điều đó có thể khiến Trung Quốc phải thắt chặt lại ở một mức độ nhất định trong quá trình bình thường hóa. Vì vậy, mọi người phải luôn cảnh giác và không được quá lạc quan một cách mù quáng”.
Có thể bạn quan tâm
Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể đã đạt đến “điểm nghẽn”
05:53, 14/10/2022
Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng nhiều Nhân dân tệ tại ASEAN
05:30, 12/10/2022
Nga tăng sự phụ thuộc vào đồng Nhân dân tệ
05:30, 08/10/2022
Nhân dân tệ vẫn chìm trong áp lực
04:50, 11/06/2022
Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?
12:30, 01/06/2022
Nhân dân tệ khó vượt qua thách thức bởi đô la Mỹ
05:00, 27/05/2022