Trung Quốc đối mặt thách thức lớn hơn vào năm 2023

DIỄM NGỌC 20/12/2022 05:00

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với thách thức lớn hơn vào năm 2023, khi nguy cơ suy thoái toàn cầu và khủng hoảng nợ gia tăng, khiến các nhà kinh tế kêu gọi việc hỗ trợ khẩn cấp để đối phó.

>>Trung Quốc đối mặt mối đe dọa vị thế “công xưởng thế giới”

Khó khăn còn tiếp diễn

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu vào năm tới sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức đối với Trung Quốc, do đó, cần sự hỗ trợ nhanh chóng để giúp chống lại những cơn gió ngược từ bên ngoài đối với quốc gia này.

Rủi ro suy thoái toàn cầu và xung đột thị trường tài chính là những rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc trong năm tới. Ảnh:Bloomberg

Rủi ro suy thoái toàn cầu và xung đột thị trường tài chính là những rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc trong năm tới. Ảnh:Bloomberg

Cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao mới đây cho biết, khi nguy cơ suy thoái toàn cầu hiện rõ, Trung Quốc nên cảnh giác với sự hỗn loạn trên thị trường quốc tế và khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

 “Có thể có những thách thức lớn hơn cho năm 2023. Các cuộc khủng hoảng nợ đã nổ ra ở một số nước kém phát triển sau khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi chiến tranh Nga - Ukraine đã làm chao đảo thị trường năng lượng và thực phẩm.

Bên cạnh đó, một cuộc suy thoái đang cận kề với nước Anh và nếu Quốc hội Mỹ không nâng hạn mức nợ kịp thời, thị trường tín phiếu kho bạc Mỹ có thể sụp đổ, gây ra một cơn bão tài chính lớn”, ông Zhu Guangyao nói.

Lời cảnh báo của ông được đưa ra trước thềm hội nghị công tác kinh tế trung ương, nơi đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ quyết định triển vọng kinh tế và chính sách cho năm tới.

Ngoài ra, vị cựu quan chức còn dự đoán việc tăng lãi suất giữa các nước phát triển sẽ không dừng lại cho đến giữa năm 2023 và nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế. Hiện nay, các thị trường phát triển là điểm đến chính của hàng hóa Trung Quốc và sự biến động tài chính ở đó thường lan ra khắp các thị trường toàn cầu.

Trước đó, nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến sự gián đoạn lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi nhu cầu bên ngoài giảm buộc phải đóng cửa các nhà máy và 20 triệu công nhân nhập cư buộc phải trở về quê hương của họ.

Thực tế, Trung Quốc không chỉ bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ ở phương Tây, mà nền kinh tế nước này còn chịu nhiều tác động từ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với đại dịch COVID-19. Mặc dù Chính phủ đã đột ngột thay đổi chính sách phong toả vào tuần trước, nhưng nền kinh tế vẫn đang trên một con đường gập ghềnh ngay cả khi zero Covid có chấm dứt.

Vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết ổn định tăng trưởng kinh tế, việc làm và giá cả trong năm tới. Điều đó được cho là sẽ hỗ trợ nền kinh tế bằng các công cụ tiền tệ có mục tiêu và hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2011 và đã chịu áp lực nặng nề trong suốt ba năm qua.

GS. Li Daokui, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết tại một diễn đàn rằng, tăng trưởng kinh tế giảm là một rủi ro tiềm tàng đáng được chú ý. Vị GS lặp lại những lời kêu gọi ngày càng tăng về một gói kích thích mạnh mẽ hơn để cứu nền kinh tế, đồng thời đề xuất ba mũi tên gồm: Tiếp thêm sinh lực cho các thực thể trên thị trường; Tái cơ cấu nợ và ổn định thị trường bất động sản; Cuối cùng là sự cần thiết của một mặt trận thống nhất chống lại áp lực kinh tế của Mỹ.

“Các cơ quan quản lý kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta nên hình thành một sự đồng thuận, đảm bảo một mức độ nhất định tăng trưởng sẽ là nhiệm vụ quan trọng đối với Trung Quốc trong những năm tới. Chúng ta nên tự tin vì nền kinh tế Trung Quốc vẫn có tiềm năng to lớn”, ông nói.

Với vai trò là một động lực tăng trưởng quan trọng, sự suy yếu của Trung Quốc đang đe dọa nền kinh tế thế giới. Theo Nikkei Asia, từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đến năm 2021, GDP toàn cầu tăng trưởng 90%. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc mở rộng quy mô gấp 5,3 lần, đóng góp 31% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đóng góp 10% vào tăng trưởng toàn cầu.

>>Nhân dân tệ phục hồi trước kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh zero Covid

Tăng sức mạnh cho Nhân dân tệ

Với các khó khăn phải đối mặt, Trung Quốc đang tích cực xây dựng kế hoạch mở rộng sử dụng đồng tiền của nước này trong giao dịch dầu mỏ với 6 quốc gia Trung Đông, nhằm nâng cao việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu.

Trung Quốc muốn hoàn thành nhiều thỏa thuận đổi nhân dân tệ lấy dầu với các quốc gia vùng Vịnh, phần lớn là để nước này có thể mua nhiên liệu mà không cần sự can thiệp của Hoa Kỳ

Trung Quốc muốn hoàn thành nhiều thỏa thuận đổi nhân dân tệ lấy dầu với các quốc gia vùng Vịnh, phần lớn là để nước này có thể mua nhiên liệu mà không cần sự can thiệp của Hoa Kỳ

Nhưng trong khi điều đó có thể dẫn đến nhiều giao dịch đổi Nhân dân tệ lấy dầu mỏ hơn, chủ yếu để Trung Quốc có thể mua nhiên liệu mà không cần sự can thiệp của Hoa Kỳ thì các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này sẽ không bù đắp được việc sử dụng đồng USD với dầu mỏ, hoặc thúc đẩy đáng kể việc sử dụng Nhân dân tệ bên ngoài các thị trường năng lượng.

Zhao Xijun, phó Hiệu trưởng Trường Tài chính tại Đại học Renmin (Bắc Kinh) cho biết, Trung Quốc và Trung Đông trước đây sẽ sử dụng đô la Mỹ làm tiền tệ dài hạn của họ. Nhưng đối mặt với địa chính trị và các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính, rất ít quốc gia đang xem xét liệu họ có thể sử dụng các loại tiền tệ khác để giải quyết các tài khoản liên quan tới dầu khí hay không.

“Tuy nhiên, số lượng giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ dự kiến sẽ tăng lên vì Trung Quốc - nước mua dầu lớn nhất thế giới  sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu sử dụng đồng tiền của họ”, ông Zhao nói.

Ông cho biết thêm, các khu vực khác trên thế giới sẽ bắt kịp nếu thủ tục trao đổi Nhân dân tệ thuận tiện và đồng tiền của Trung Quốc được coi là “an toàn” hơn so với đồng USD.

Trung Quốc và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã thiết lập một hệ thống tổng hợp dự trữ Nhân dân tệ vào tháng 6 với các ngân hàng trung ương ở Malaysia, Indonesia, Singapore và Chile, cũng như Cơ quan tiền tệ Hồng Kông. Nhà kinh tế Deng Weishen của UBS Bắc Á cho biết sẽ có thêm nhiều ngân hàng trung ương tham gia trong tương lai.

Tại Nga, đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đồng đô la Mỹ vào tháng 10 để trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow. Có thể thấy, Trung Quốc muốn sử dụng nhiều hơn đồng tiền của mình để đảm bảo nguồn cung dầu trong trường hợp Mỹ nhắm mục tiêu tài chính vào nước này như một phần của các tranh chấp chính trị và thương mại kéo dài giữa họ. Ví dụ, Mỹ và các đồng minh đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT vào tháng 3 năm nay, sau khi nước này tấn công Ukraine.

Một số chuyên gia cho rằng, việc mở rộng sử dụng đồng Nhân dân tệ để mua dầu và khí đốt ở Trung Đông có thể thúc đẩy đồng tiền tăng giá trong các lĩnh vực khác, vì các đối tác thương mại có thể sử dụng đồng nhân dân tệ để mua thêm hàng hóa từ Trung Quốc hoặc đầu tư, kể cả vào cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn đánh giá, hồ sơ toàn cầu của đồng tiền này sẽ ở mức thấp do Trung Quốc muốn tiếp tục kiểm soát tỷ giá hối đoái quốc tế.

Còn theo Nick Marro, nhà phân tích thương mại châu Á-Thái Bình Dương của The Economist Intelligence Unit bình luận, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các loại hình thương mại khác phụ thuộc vào nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc và liệu các đối tác thương mại có thấy đồng tiền này khả thi để phòng ngừa rủi ro hoặc sử dụng dự trữ hay không.

Ông nói: “Dưới sự kiểm soát tiền tệ ngày nay, chúng ta có thể sẽ không thấy tiến bộ trong việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ ở cấp độ toàn cầu, ngay cả khi thương mại dầu mỏ bằng đồng tiền này tăng trưởng. Ví dụ tốt nhất để theo dõi có thể là những gì xảy ra giữa Nga và Trung Quốc, xét đến việc mở rộng dòng chảy thương mại bằng đồng Nhân dân tệ một phần được thúc đẩy bởi sự cấp bách về địa chính trị. Nhưng những động lực tương tự đó không xuất hiện khi chúng ta nói về mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với Ả-rập Xê-út chẳng hạn”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhân dân tệ phục hồi trước kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh zero Covid

    05:21, 08/12/2022

  • Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng nhiều Nhân dân tệ tại ASEAN

    05:30, 12/10/2022

  • Nga tăng sự phụ thuộc vào đồng Nhân dân tệ

    05:30, 08/10/2022

  • Trung Quốc đối mặt mối đe dọa vị thế “công xưởng thế giới”

    03:00, 18/12/2022

  • Cơ hội từ mở cửa kinh tế Trung Quốc

    03:00, 17/12/2022

  • Ấn Độ sẽ "soán ngôi" Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới?

    04:30, 14/12/2022

DIỄM NGỌC