Trung Quốc mở cửa nhanh chóng, thị trường hoảng sợ
Thị trường tài chính từng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chính sách zero – Covid, nhưng khi quốc gia này mở cửa nhanh hơn so với dự đoán lại gây ra lo ngại về sự gián đoạn, khiến các nhà đầu tư lo sợ.
>>Trung Quốc mở cửa - Biến số mới của lạm phát
Thị trường lo ngại...
Chỉ vài tháng trước đây, mong muốn nền kinh tế Trung Quốc mở cửa là vấn đề được đặt ra rất nhiều, bởi cách tiếp cận zero - Covid hà khắc của Bắc Kinh được xem là trở ngại lớn nhất đối với việc ổn định giá tài sản và cho phép các biện pháp kích thích kinh tế hoạt động hiệu quả hơn.
Thông tin Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế đã khiến cổ phiếu ở nước ngoài của Trung Quốc tăng vọt. Nhiều công ty tại Phố Wall, vốn đang tìm kiếm lý do để lạc quan hơn về Trung Quốc, đã chuyển sang đầu cơ giá lên đối với cổ phiếu của nước này và bị lôi kéo bởi mức định giá thấp trong lịch sử của chúng.
Tuy nhiên, kể từ khi Chính phủ bất ngờ tuyên bố loại bỏ gần như tất cả các biện pháp kiểm soát nội bộ vào đầu tháng này, thì “cảm tình” đối với Trung Quốc lại không có nhiều cải thiện. Ngay cả những nhà đầu tư lạc quan cũng thừa nhận, quá trình mở cửa trở lại sẽ rất gập ghềnh và nguy hiểm, đặc biệt sự thay đổi trong các nhận định ở nhiều báo cáo nghiên cứu của các ngân hàng đầu tư lớn trong vài tuần qua là rất đáng chú ý.
Cụ thể, trong một lưu ý được công bố vào ngày 13/12, ngân hàng Morgan Stanley cho biết, họ không còn coi quá trình mở cửa trở lại là hấp dẫn nữa và khuyến nghị khách hàng nên phòng ngừa rủi ro gia tăng. Những mối đe dọa này chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân là Bắc Kinh thiếu sự chuẩn bị cho việc mở cửa ở quy mô lớn.
“Việc không đảm bảo người cao tuổi được tiêm phòng đầy đủ và hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ các ca bệnh đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Trong khi quỹ đạo của đợt bùng phát là không chắc chắn, nhiều người từng hy vọng Trung Quốc sẽ học cách sống chung với Covid-19, nhưng giờ đây lại lo sợ hậu quả của việc rút lui vội vàng này”, báo cáo phân tích.
Trong khi lo ngại về một thảm họa sức khỏe cộng đồng chắc chắn sẽ gia tăng sau khi các biện pháp kiểm soát bị dỡ bỏ nhanh chóng, thì sự thay đổi đột ngột trong câu chuyện kinh tế xung quanh việc mở cửa mới là điều đáng chú ý hơn. Đã có hàng loạt nghiên cứu về tác động có hại của việc phong tỏa và các hạn chế hà khắc khác đối với niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhà phân tích, đặc biệt ở phương Tây hiện đang lo ngại về chi phí kinh tế khi mở cửa trở lại.
>>Ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh mới (bài 2): Việt Nam nên làm gì?
Biến số về lạm phát
Tại một báo cáo được công bố vào Chủ nhật tuần trước, “ông lớn” ngân hàng JPMorgan đã bày tỏ lo ngại về “nỗi đau chuyển tiếp”, tức là cả sản xuất do mất nguồn cung lao động tạm thời và nhu cầu do hạn chế đi lại tự đặt ra có thể yếu đi, khi Trung Quốc chuyển từ mức lây nhiễm thấp sang miễn dịch cộng đồng.
Không chỉ những lo ngại rằng việc mở cửa trở lại có thể dẫn đến giai đoạn tiếp theo của sự gián đoạn chuỗi cung ứng, mà còn có suy đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa gây áp lực lạm phát cao hơn.
Có những dấu hiệu, nhất là ở Mỹ cho thấy, lạm phát đã lên đến đỉnh điểm và cho phép các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, trong khi giá hàng hóa giảm, nhưng lạm phát dịch vụ vẫn tiếp tục tăng là một vấn đề nóng trên thị trường, chủ yếu do lo ngại rằng việc thắt chặt chính sách mạnh mẽ sẽ gây ra suy thoái kinh tế.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng nhìn vào việc mở cửa trở lại của Trung Quốc thông qua lăng kính chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. Thị trường trái phiếu đã định giá cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm tới mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) miễn cưỡng nới lỏng chính sách. Trong khi đó, thị trường chứng khoán và nợ doanh nghiệp tin rằng một cuộc suy thoái toàn diện có thể được ngăn chặn. Điều này tạo ra nhiều khả năng cho tình trạng hỗn loạn hơn nữa nếu lạm phát không giảm đủ nhanh hoặc nếu hoạt động kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh hơn trong những tháng tới.
Một chuyên gia cho biết, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc vào đúng thời điểm các nhà đầu tư bị che mắt bởi sự thay đổi đột ngột trong chính sách trên toàn thế giới. Ví dụ mới nhất là quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới đây nhằm điều chỉnh các biện pháp "kiểm soát đường cong lợi suất". Vì vậy, những hậu quả khó lường của việc Trung Quốc đột ngột rút khỏi zero-Covid có thể trở thành một trong những rủi ro lớn nhất cho năm 2023. Điều này là do nền kinh tế toàn cầu cũng như giá tài sản bị kẹt giữa lạm phát và suy thoái.
“Trước đó, các thị trường đã kêu gọi Trung Quốc mở cửa trở lại trong một thời gian và nhận thức rõ rằng nước này chưa thể sẵn sàng có một lối thoát nhanh chóng. Nhưng giờ đây, khi Bắc Kinh đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch lại khiến các nhà đầu tư lo sợ.
Thời gian sẽ cho biết liệu việc mở cửa trở lại có tốt hơn hay không và điều rõ ràng là cho dù đó là sự kết thúc của zero - Covid tại Trung Quốc, hay cuộc chiến chống lạm phát thì đều cần phải thực hiện những đánh đổi mà thị trường cần phải chấp nhận”, vị chuyên gia bình luận.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc mở cửa - Biến số mới của lạm phát
05:05, 21/12/2022
TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023
12:25, 18/12/2022
KINH TẾ 2023: Điều hành chính sách cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng
19:06, 17/12/2022
Vàng vẫn tăng giá bất chấp dữ liệu mới về lạm phát
16:00, 10/12/2022