DỰ BÁO KINH TẾ 2023: “Gió ngược” ngành logistics
"Gió ngược” với ngành logistics năm 2023 là sự sụt giảm đơn hàng xuất nhập khẩu, xu hướng xanh hóa đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics.
>>>DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp chủ động có kịch bản ứng phó
Phát biểu tại Toạ đàm Dự báo kinh tế - vượt “cơn gió ngược” 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngành 27/12/2022, ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, với vai trò là “xương sống” của nền kinh tế, ngành logistics đã kết thúc tốt đẹp năm 2022, một năm đầy khó khăn cho công tác vận tải, logistics nói chung với những biến động khôn lường, tạo ra sự mất cân đối trong quan hệ cung cầu hàng hóa làm cho giá cước vận tải biển quay đầu giảm mạnh sau hơn một năm tăng “vô kiềm tỏa”.
“Chỉ số về giá cước thế giới (World Container Index WCI) đã giảm 80% so với mức đỉnh của tháng 9-2021, tuy vẫn còn cao hơn 49% so với mức trung bình của 2019 tức là trước dịch và tiếp tục xu hướng giảm hàng tuần với tốc độ có chậm hơn. Giá ở Việt Nam đã ở mức cực kỳ thấp, mức giá đi châu Âu chỉ ở 1.600 USD, đi Bờ Tây Mỹ 1.400 USD, đi bờ Đông của Mỹ khoảng 2.800 USD/container 40 feet”, ông Khoa cho biết.
Đồng thời đánh giá, “gió ngược” với ngành logistics năm 2023 là sự suy thoái kinh tế tiếp tục do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, cạnh tranh nước lớn và phân cực địa chính trị, kinh tế suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, lạm phát gia tăng, giá dầu leo thang…tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics.
Cùng với đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại, xanh hoá logistics…dần trở thành yêu cầu tất yếu, tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics. Đơn cử như việc đánh thuế carbon mới đây của châu Âu.
“Do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị những kịch bản ứng phó, cần tìm ra bước đi mới cho vấn đề sụt giảm đơn hàng từ kinh nghiệm và tính chịu đựng, thích ứng để phát triển trong thời gian khó khăn của Đại dịch Covid-19 gây ra”, Phó Chủ tịch AFFA nhấn mạnh.
Lãnh đạo VLA cũng cho biết có căn cứ để lạc quan khi chúng ta có năm 2022 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với GDP dự kiến tăng trên 8%, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD, đạt 732 tỷ USD...đây là bước tạo đà cho năm 2023. Bên cạnh đó, các Hiệp định FTA thế hệ mới và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng thế giới…đã tạo xung lực cho sản xuất, xuất nhập khẩu phát triển theo đó là dịch vụ logistics tăng trưởng.
Từ thực tế này, Phó Chủ tịch AFFA đề xuất chính sách và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics để vượt qua khó khăn thách thức trong năm 2023.
>>>DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Thanh khoản sẽ tốt hơn vào những tháng cuối năm 2023
Cụ thể, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi só, góp phần thay đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
“Đặc biệt trong bối cảnh xuất nhập khẩu gia tăng nhưng chủ yếu của các doanh nghiệp FDI. Điều này đặt ra vấn đề doanh nghiệp logistics không tham gia được vào chuỗi của các doanh nghiệp FDI. Vì vậy Chính phủ cần chính sách phát triển các doanh nghiệp xứng tầm, có cơ chế ưu đãi tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, thuế cho việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
Cùng với đó, phát huy vai trò của Các Hiệp hội logistics như Hiệp hội quốc gia VLA, các hiệp hội địa phương HPLA, HLA, HNLA hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc tiến hành các giải pháp công nghệ như E-DO, EB/L tạo ra “bước nhảy” có lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, nắm bắt xu thế phát triển logistics xanh, logistics thông minh, logistics phục vụ nông nghiệp. Ví dụ: Ngày 29/12/2022 các doanh nghiệp hội viên VLA là Tân Cảng Sài Gòn và VIMC sẽ mở luồng tàu container chạy thường xuyên chuyên chở hàng nông sản từ Cần Thơ di TP HCM và Hải Phòng đề xuất khẩu tiếp.
Bên cạnh đó, về phía nhà nước Lãnh đạo VLA cũng nhấn mạnh các giải pháp về triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về logistics và các Chương trình phát triển năng lực thực tế.
“Các Chiến lược, chương trình cần được cụ thể hơn cũng như có nguồn lực cho việc thực hiện các Chiến lược này”, ông Khoa nhấn mạnh.
Đồng thời đề xuất, Bộ KHCN và các cơ quna liên quan cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển công nghệ, đơn cử như với quỹ phát triển công nghệ quốc gia, đề xuất có chương trình đặc biệt cho logistics trong đó việc tiếp cận nguồn vốn và giải ngân không cần theo quy định có tài sản đảm bảo mà dựa trên tính khả thi và hiệu quả kinh doanh do ứng dụng công nghệ - đúng theo tinh thần của quỹ. Các địa phương cũng cần chủ động đưa ra mức ngân sách hay quỹ hỗ trợ của địa phương, nhất là hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.
Nói thêm về xu hướng của ngành logistics năm 2023, ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept cho rằng, vòng xoáy vận tải biển sẽ tiếp tục giảm. “Sau đại dịch, các thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi, do đó cung toàn cầu giảm đi, năm 2023 sẽ là rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu “vượt sóng” cần có những kiến nghị mạnh mẽ hơn với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp tránh tình trạng phải cắt giảm lao động. Đáng lưu ý Chính phủ rất riết ráo nhưng địa phương còn chưa mạnh mẽ, đây là điều cần VCCI và các cơ quan có sự đồng hành”, ông Long nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp
16:21, 27/12/2022
DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Thanh khoản sẽ tốt hơn vào những tháng cuối năm 2023
16:07, 27/12/2022
DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản
16:00, 27/12/2022
DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Tăng trưởng tích cực từ quý 3 trở đi
15:38, 27/12/2022
DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp chủ động có kịch bản ứng phó
14:32, 27/12/2022