Trung Quốc mở cửa, Nhân dân tệ tăng giá
Theo đánh giá, nếu tăng trưởng của Trung Quốc có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023, dòng vốn ròng chảy ra sẽ giảm hoặc thậm chí đảo ngược hỗ trợ thêm cho đồng Nhân dân tệ.
>>Nhân dân tệ phục hồi trước kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh zero Covid
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong hơn 4 tháng so với đồng USD vào ngày 3/1 - ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023. Mức tăng được củng cố bởi sự lạc quan của nhà đầu tư vào khả năng phục hồi kinh tế trong nước có thể diễn ra sớm hơn dự kiến.
Theo Reuters, sức mạnh của đồng Nhân dân tệ xuất hiện sau khi đồng tiền này suy yếu 7,9% so với đồng đô la Mỹ vào năm 2022, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1994, phản ánh đồng bạc xanh đang hồi phục trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất và suy thoái kinh tế trong nước do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của đại dịch Covid-19.
Một số nhà giao dịch tiền tệ chia sẻ, trong tuần này nhiều người dân ở các thành phố của Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường và những người tham gia thị trường cũng dần dần quay trở lại sàn giao dịch, đồng thời lưu ý hoạt động giao dịch diễn ra sôi động hơn so với cuối năm 2022.
Còn theo các nhà phân tích tại Barclays – công ty chuyên về dịch vụ tài chính tại Anh đánh giá, việc mở cửa trở lại nhanh chóng và khả năng miễn dịch cộng đồng có thể đến sớm hơn, tăng trưởng có thể đã chạm đáy trong quý 4/2022 và sẽ dần phục hồi trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng để việc trở lại hoàn toàn cuộc sống bình thường có thể mất vài tháng. Các nhà phân tích cũng lưu ý, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một thử nghiệm mở cửa quan trọng khác vào tháng 1 và tháng 2 khi đợt cao điểm du lịch Tết Nguyên đán truyền thống sẽ diễn ra, kéo dài khoảng 1 tuần.
Trước đó, đa số các nhà đầu tư và nhà phân tích đã dự đoán Trung Quốc sẽ không tuyên bố mở lại biên giới và nền kinh tế trước cuộc họp Quốc hội thường niên vào tháng 3/2023. Nhưng việc dỡ bỏ đột ngột các quy trình phòng ngừa Covid vào cuối tháng 12 vừa qua đã khiến số ca nhiễm bệnh trên cả nước tăng đột biến.
Trước khi mở cửa thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã đặt tỷ giá trung bình của đồng Nhân dân tệ ở mức cao nhất trong hơn hai tuần là 6,9475 CNY/USD, cao hơn 0,25% so với mức cố định trước đó là 6,9646 CNY.
Trên thị trường giao ngay, đồng Nhân dân tệ trong nước mở cửa ở mức 6,9200 CNY/USD và tăng lên mức cao 6,8785 CNY, mức cao nhất kể từ ngày 26/8/2022.
>>PBoC bật tín hiệu bảo vệ đồng Nhân dân tệ
Các nhà giao dịch tiền tệ hy vọng sự phục hồi kinh tế sẽ giúp bù đắp cho các chỉ số kinh tế tháng 12 đi xuống, bao gồm cả dữ liệu hoạt động của khu vực sản xuất. Ngoài ra, nhu cầu theo mùa đối với đồng nội tệ đã hỗ trợ phần nào vì các công ty thường phải chuyển đổi các khoản thu từ ngoại hối sang đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để thanh toán cho các đơn đặt hàng và tiền thưởng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Một cách riêng biệt, PBoC đã kéo dài giờ giao dịch trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng từ ngày 3/1 để tiếp tục quốc tế hóa đồng tiền Trung Quốc, với giờ mới kéo dài đến 19:00 GMT từ 15:30 GMT trước đó.
Theo Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới - Yu Yongding phân tích, thực tế giá trị của đồng Nhân dân tệ không được quyết định bởi ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. Đồng tiền này vẫn giữ được sức mạnh cơ bản bắt nguồn từ niềm tin của thị trường vào nền kinh tế Trung Quốc. Lần này, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ đã không gây ra sự hoảng loạn nào trên thị trường tài chính Trung Quốc, điều này cũng phản ánh sự trưởng thành của các nhà đầu tư Trung Quốc và của chính thị trường.
“Nếu tăng trưởng của Trung Quốc có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023, dòng vốn ròng chảy ra sẽ giảm hoặc thậm chí đảo ngược, hỗ trợ thêm cho đồng Nhân dân tệ. Quyết định từ bỏ chính sách không có Covid của Bắc Kinh khiến kịch bản này có nhiều khả năng xảy ra hơn, đặc biệt là vì chính sách đó tạo thành rào cản mạnh mẽ nhất đối với việc thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Bất kể điều gì xảy ra, PBoC sẽ vẫn cho phép tỷ giá hối đoái hoạt động như một công cụ ổn định tự động, đồng thời coi việc kiểm soát vốn là biện pháp cuối cùng. Nói cách khác, chính phủ Trung Quốc nên tập trung vào tăng trưởng kinh tế và để thị trường tự điều tiết đồng Nhân dân tệ”, ông Yu Yongding bình luận.
Việc đồng Nhân dân tệ tăng cao sẽ khiến nhập khẩu của các nước khác vào thị trường Trung Quốc được hưởng lợi, giá hàng nhập khẩu từ các nước khác tính ra đồng CNY rẻ đi, thúc đẩy nhập khẩu từ các nước khác vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên ở góc độ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, bức tranh kinh doanh thực không chỉ có lợi. Cụ thể, khi đồng Nhân dân tệ tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu, ví dụ như với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, là các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, bắt buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu, do vậy nếu giá cao vẫn phải mua. Theo đó, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng theo, dẫn đến sản phẩm từ kho đến tay người dùng cuối sẽ tăng theo.
Có thể bạn quan tâm
Nhân dân tệ phục hồi trước kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh zero Covid
05:21, 08/12/2022
Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể đã đạt đến “điểm nghẽn”
05:53, 14/10/2022
Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng nhiều Nhân dân tệ tại ASEAN
05:30, 12/10/2022
Nga tăng sự phụ thuộc vào đồng Nhân dân tệ
05:30, 08/10/2022