Tăng trưởng tiền lương của Hoa Kỳ tác động đến kinh tế toàn cầu
Theo chuyên gia, chỉ số tăng trưởng tiền lương của Hoa Kỳ năm nay có tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu, vì có thể khiến FED không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ chính sách tiền tệ thắt chặt.
>>FED tăng lãi suất (Kỳ II): Tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế
Giới phân tích đánh giá, nền kinh tế dường như đã chậm lại một năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 2/2020, lạm phát toàn cầu đã đạt mức 10% vào năm 2022 do sự kết hợp của các chương trình kích thích lớn và cú sốc giá hàng hóa bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Chi phí đi vay tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ đã góp phần vào sự sụt giảm đáng kinh ngạc về giá trị của cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu trong năm này.
Theo dữ liệu của Bloomberg, thị trường nợ đã bị tắc nghẽn, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trung bình ở Nhóm 7 nền kinh tế (G7) tăng từ 0,7% lên 3%. Trong vài tháng qua, các dấu hiệu lạm phát có thể đạt đỉnh đã trở nên rõ ràng hơn. Việc giảm bớt áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và lương thực giảm, cũng như nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh đã khiến giá cả ở một số nền kinh tế lớn chậm lại.
Trong đó, lạm phát ở Hoa Kỳ đã giảm xuống 7,1% vào tháng 11/2022, mức thấp nhất trong gần một năm, trong khi giá cả ở khu vực đồng Euro giảm lần đầu tiên sau 17 tháng. Dữ liệu từ JPMorgan cho hay, tại các thị trường mới nổi, tỷ lệ lạm phát trung bình không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc có giá cả thấp hơn so với bảng xếp hạng trước đây và chỉ là 1,6% ở Trung Quốc (đã giảm xuống 7,7% từ mức 8,7% trong tháng 6).
Tuy nhiên, ngay sau khi nỗi lo lạm phát lắng xuống thì các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về suy thoái kinh tế, càng trở nên trầm trọng hơn do chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ. Vào tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy giảm trong năm nay, riêng châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đồng loạt tăng trưởng chậm lại.
Một số nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), sẽ sớm buộc phải bắt đầu cắt giảm lãi suất do mức độ nghiêm trọng của suy thoái và tình trạng hỗn loạn mới trên thị trường. Các nhà giao dịch trái phiếu đang định giá khả năng lãi suất thấp hơn đáng kể ở Mỹ trong nửa cuối năm 2023 bất chấp những gợi ý từ FED rằng họ vẫn chưa gần kết thúc chiến dịch tăng lãi suất.
>>Fed sẽ giảm dần các động thái "diều hâu" từ đầu quý 2/2023
Các chuyên gia cho rằng, bằng chứng cũng cho thấy cuộc suy thoái toàn diện sắp xảy ra càng rõ ràng thì áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải nhượng bộ càng lớn. Năm ngoái, thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt là rất rõ như tăng mạnh chi phí đi vay sau khi đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của cú sốc lạm phát.
Năm nay, công việc của các ngân hàng trung ương sẽ khó khăn hơn nhiều do suy thoái mạnh. Tăng trưởng giảm tốc nhanh chóng đã thay thế áp lực về giá thành, mối đe dọa chính đối với nền kinh tế và thị trường toàn cầu.
Những phát hiện trong cuộc khảo sát quản lý quỹ mới nhất của Bank of America cho thấy, trong khi 90% số người được hỏi dự đoán giá sẽ giảm trong vòng 12 tháng tới, thì 68% tin rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra. Mặc dù tăng trưởng yếu hơn hiện là mối quan tâm chính không có nghĩa là lạm phát ít đe dọa hơn, trong khi lạm phát cơ bản - không bao gồm giá năng lượng và lương thực vẫn ở mức cao. Chính những áp lực lạm phát cơ bản này - đặc biệt là giá dịch vụ, chịu ảnh hưởng của tăng trưởng tiền lương đang tỏ ra khó chế ngự và sẽ cần phải thắt chặt hơn nữa để kiểm soát giá cả.
Chia sẻ trên SCMP, chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro tại công ty tư vấn kinh tế vĩ mô và bất động sản Lauressa Advisory (Anh) cho biết, trên thị trường lao động của Hoa Kỳ, tình trạng thiếu hụt nhân công và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã buộc người sử dụng lao động phải tăng lương, vốn đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11. Con số này vượt xa mức cần thiết để giá giảm trở lại mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
“Không thể nói chỉ số kinh tế toàn cầu quan trọng nhất trong năm nay là tăng trưởng tiền lương của Hoa Kỳ. Nhưng nếu thu nhập không chậm lại một cách có ý nghĩa, thì lạm phát cơ bản sẽ vẫn ở mức cao và FED – cơ quan quyết định hiệu quả mức chi phí đi vay toàn cầu sẽ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc giữ chính sách cực kỳ chặt chẽ.
Điều này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như bất động sản và công nghệ. Mối lo lớn hiện nay là toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế dễ bị tổn thương và mắc nợ nhiều sẽ bị ảnh hưởng nếu các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn so với dự đoán của thị trường trái phiếu”, vị chuyên gia nói.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng năm nay, ngăn chặn suy thoái kinh tế sâu sắc cũng quan trọng như đè bẹp lạm phát. Nếu chỉ một trong những mục tiêu này có thể đạt được, thì đó đã là một thành công.
Có thể bạn quan tâm
Lo lắng về suy thoái kinh tế có thể hỗ trợ đồng USD
05:20, 10/12/2022
“Bóng ma” suy thoái kinh tế tạo lực đẩy giá vàng dài hạn
11:10, 20/11/2022
FED tăng lãi suất (Kỳ II): Tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế
04:00, 13/11/2022