Cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn dài
Với lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, thị trường tài chính ngày càng lo ngại rằng sẽ cần phải tăng thêm lãi suất.
>>Khi nào FED ngừng tăng lãi suất?
Nhìn lại một năm từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát động cuộc chiến chống lại lạm phát lan tràn trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Khi đó, nhiều quan điểm cho rằng chỉ cần tăng 0,25 điểm phần trăm có thể giải quyết tình trạng tăng giá, tuy nhiên không lâu sau đó, các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra rằng bước đi đầu tiên này là không đủ...
Những tháng tiếp theo, thị trường đều chứng kiến các đợt tăng lãi suất lớn hơn, nâng lãi suất vay tiêu chuẩn của Fed lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Đến nay, câu hỏi liệu ngân hàng trung ương sẽ mất bao lâu để quay trở lại mức lạm phát tiêu chuẩn 2%, vẫn đặt ra.
Theo CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial - Quincy Krosby cho biết, Fed đã mất một thời gian dài để thừa nhận rằng lạm phát nghiêm trọng hơn so với đánh giá ban đầu. Các quan chức Fed trong nhiều tháng đã mắc kẹt với câu chuyện lạm phát chỉ là “nhất thời” và sẽ tự giảm đi. Trong thời gian tạm thời đó, giá cả tăng vọt, tiền lương tăng lên nhưng không theo kịp đà tăng giá.
Một cuộc thăm dò của Gallup vào cuối năm 2022 cho thấy, chỉ 37% công chúng có ấn tượng tốt về Fed – cơ quan mà cách đó không lâu được xem là một trong những cơ quan đáng tin cậy nhất.
“Điều này không phải để chỉ trích Fed mà để hiểu rằng, họ không biết nhiều về lạm phát hơn người tiêu dùng bình thường. Điều đó rất quan trọng”, Krosby nói.
Trong cơn khủng hoảng về lạm phát vào năm ngoái, giá năng lượng đã có thời điểm tăng hơn 41% trong khoảng thời gian 12 tháng. Lạm phát lương thực đạt đỉnh trên 11%. Giá của các mặt hàng riêng lẻ như trứng, giá vé máy bay và thức ăn cho vật nuôi cũng tăng chóng mặt.
Khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, ông và các đồng nghiệp của mình đang thực hiện “những bước đi mạnh mẽ” để giảm lạm phát. Các quan chức Fed hầu như đều thừa nhận họ đã chậm chạp để nhận ra tính lâu dài của lạm phát, nhưng cũng đã có hành động phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Mới đây, tại cuộc họp báo ngày 1/2/2023, ông Powell cho biết: “Sẽ là quá sớm để tuyên bố chiến thắng với lạm phát. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn là giảm lạm phát”.
Hiện chỉ số giá tiêu dùng cá nhân được Fed theo dõi chặt chẽ hơn, khi điều chỉnh nhanh hơn theo những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và đã giảm xuống mức 5,4% hàng năm.
>>Kiềm chế lạm phát và kỳ vọng giảm lãi suất
Trong những tháng gần đây, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã thiết lập lãi suất giảm mức tăng lãi suất, từ 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp xuống 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 và 0,25 điểm phần trăm vào đầu tháng 2. Nhưng với lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed, thị trường tài chính ngày càng lo ngại rằng, sẽ cần phải tăng lãi suất nhiều hơn, thậm chí nhiều hơn dự đoán của các quan chức ngân hàng trung ương.
Một nỗi sợ hãi lớn khác của thị trường là Fed sẽ gây ra suy thoái kinh tế với việc tăng lãi suất, khiến lãi suất vay qua đêm chuẩn nằm trong khoảng từ 4,5% - 4,75%. Các thị trường cho rằng Fed sẽ đưa tỷ lệ đó lên đến phạm vi từ 5,25% -5,5% trước khi dừng lại.
Về vấn đề này, Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của Hoa Kỳ tại TS Lombard lại cho rằng, một cuộc suy thoái nhẹ có thể là trường hợp tốt nhất. Ông nói: “Nếu chúng ta không bị suy thoái, chúng ta sẽ ở mức lãi suất 6% vào cuối năm nay và ngược lại, mức lãi suất chỉ là 3%”.
Tuy nhiên cho đến nay, suy thoái kinh tế ít nhất không phải là mối đe dọa trong thời gian tới. Các động thái của Fed đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các lĩnh vực nhạy cảm hơn với lãi suất của nền kinh tế. Nhà ở đã giảm trở lại từ thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, trong khi Thung lũng Silicon cũng bị cản trở bởi chi phí cao hơn và bị đẩy vào vòng sa thải nhân viên lớn nhất từ trước đến nay, sau khi đã tuyển dụng quá nhiều.
Nhà kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup bày tỏ lạc quan rằng, Fed có thể chế ngự các chỉ số lạm phát chính xuống còn khoảng 4% vào cuối năm nay. Điều đó sẽ tốt hơn so với CPI cốt lõi mới nhất là 5,6%, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu. Các chỉ số mạnh hơn mong đợi gần đây đối với cả hai chỉ số cho thấy rủi ro đang tăng lên.
Tương tự, ông lớn ngân hàng Goldman Sachs cũng tự tin lạm phát sẽ giảm trong tháng tới. Tuy nhiên một số tin tức trong tháng trước đã khiến triển vọng ngắn hạn trở nên khó khăn hơn. Nhà kinh tế Ronnie Walker của Goldman Sách lưu ý với khách hàng rằng, giá hàng hóa đối với các mặt hàng như ô tô đã qua sử dụng đang tăng lên nhanh chóng.
Bất chấp các thông tin, dự báo, Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari khẳng định: “Chúng tôi ý thức được rằng, nếu chúng ta tuyên bố chiến thắng quá sớm, sẽ có một làn sóng phấn khích và sau đó chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để giảm bớt điều đó. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì đang làm cho đến khi hoàn thành công việc và tôi cam kết thực hiện điều đó”.
Có thể bạn quan tâm
Kiềm chế lạm phát và kỳ vọng giảm lãi suất
05:30, 02/03/2023
Tăng giá điện phải cân nhắc tác động đến lạm phát
12:12, 15/02/2023
Giá vàng ngày 15/2: Biến động mạnh khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát
11:00, 15/02/2023