Lo ngại chất lượng giám sát hoạt động ngân hàng từ sự sụp đổ SVB

DIỄM NGỌC 16/03/2023 16:00

Từ vụ sụp đổ SVB đã dấy lên câu hỏi về những nguy cơ có thể làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới. Đồng thời cho thấy mối lo ngại về chất lượng và sự nghiêm ngặt của việc giám sát.

>>Áp lực của thị trường tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất và SVB

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ đã làm nổi bật các lỗ hổng tài chính, khi lãi suất liên tục tăng cao với quyết tâm giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Sự sụp đổ của SVB đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường vốn mạo hiểm và khiến các nhà đầu tư hạ thấp triển vọng của họ đối với các ngân hàng trên toàn thế giới

Sự sụp đổ của SVB đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường vốn mạo hiểm và khiến các nhà đầu tư hạ thấp triển vọng của họ đối với các ngân hàng trên toàn thế giới

Một ngân hàng mất 40 năm để đạt đến đỉnh cao với tư cách là nhân tố chủ chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã biến mất sau 36 giờ, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tốc độ của các sự kiện và mức độ nghiêm trọng của vụ sụp đổ, làm dấy lên câu hỏi về những nguy cơ có thể làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới. Đồng thời cho thấy mối lo ngại về chất lượng và sự nghiêm ngặt của việc giám sát.

Phân tích trên SCMP, ông James David Spellman, chuyên gia tại công ty tư vấn Strategy Communications LLC cho biết, khá dễ dàng để giải thích cho thất bại của SVB. Ngân hàng này đã thu về khoảng 209 tỷ đô la Mỹ tài sản và 175,4 tỷ đô la Mỹ tiền mặt vào cuối năm 2022, do các khách hàng công nghệ cao của họ “ngập” trong tiền mặt, khi đại dịch Covid-19 giải phóng nhu cầu chưa từng có đối với cơ sở hạ tầng công nghệ, từ mở rộng băng thông đến thiết bị mạng và dịch vụ điện toán đám mây.

Trước đó, SVB đã đầu tư vào trái phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ có lãi suất cố định, dài hạn. Điều này rất có ý nghĩa vào thời điểm Fed báo hiệu rằng lãi suất sẽ tiếp tục được giảm xuống.

Nhưng vào tháng 3/2022, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bắt tay vào một chiến dịch mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát ở Mỹ, dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa số tiền SVB trả để thu hút tiền gửi và số tiền SVB kiếm được từ tiền lãi. Trong khi đó, các khách hàng đã rút tiền mặt từ tài khoản SVB, khi cổ phiếu của họ giảm giá trị do nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sụt giảm. Các giám đốc doanh nghiệp cần tiền mặt, vì các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã bắt đầu giảm hoạt động rót vốn (-32%) vào năm 2022 so với năm trước.

Khi việc rút tiền diễn ra nhanh chóng, SVB buộc phải bán chứng khoán của mình với khoản lỗ 1,8 tỷ USD và huy động tiền mặt thông qua việc bán cổ phiếu trị giá 1,75 tỷ USD. Thông tin này đã khiến cổ phiếu SVB lao dốc vào ngày 9/3. Đến ngày 10/3, các cơ quan quản lý ngân hàng California đã đóng cửa SVB và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang xử lý tài sản. Chỉ hai ngày trước đó, Silvergate Capital Corporation cũng rơi vào tình trạng siết chặt tiền mặt tương tự và tuyên bố sẽ tự nguyện thanh lý.

Giới truyền thông cũng đưa tin, chỉ một tỷ lệ nhỏ tiền gửi của SVB được bảo hiểm, nghĩa là người gửi tiền có thể mất phần lớn tiền của họ. Đơn cử như công ty khởi nghiệp Roku cho biết, 487 triệu USD trong số 1,9 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền được giữ tại SVB. Các công ty khởi nghiệp khác đã gửi thông báo cho nhân viên rằng, họ có thể không được trả lương. Một thế hệ khởi nghiệp có thể bị xóa sổ...

Trong khi đó, phạm vi hoạt động của SVB cũng mở rộng sang Trung Quốc, từng là phương tiện để các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại đất nước tỷ dân này huy động vốn bằng đô la Mỹ. Tương tự, các quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Trung Quốc coi SVB là đối tác chính.

>>Đổ vỡ SVB và bài học tránh "bank run" lan rộng

Như vậy, sự sụp đổ của SVB đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường vốn mạo hiểm và khiến các nhà đầu tư hạ thấp triển vọng của họ đối với các ngân hàng trên toàn thế giới. Điều này khiến thị trường đặt ra câu hỏi, liệu có xuất hiện một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác không?

Sự sụp đổ của SVB đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động rộng lớn của việc tăng lãi suất vượt ra ngoài trọng tâm đã được tuyên bố của Fed

Sự sụp đổ của SVB đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động rộng lớn của việc tăng lãi suất vượt ra ngoài trọng tâm đã được tuyên bố của Fed

Ông James David Spellman đã so sánh sự kiện này với cuộc khủng hoảng năm 2008 và cho thấy sự khác biệt, thời điểm đó là do bong bóng bất động sản của Mỹ vỡ, các khoản thế chấp được đưa ra một cách tự do, hay rủi ro đã được che giấu bởi kỹ thuật tài chính, đòn bẩy của các ngân hàng đầu tư quá cao.

Còn viễn cảnh về sự sụp đổ của SVB vì một lý do quá rõ ràng mà không được chú ý, đã đặt ra câu hỏi về điểm yếu của các cơ quan quản lý. Trong khi ưu tiên hàng đầu đối với các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới là họp ngay lập tức, để tổ chức các cuộc kiểm tra mới, nhằm hiểu rõ hơn về việc phân bổ tài sản của các ngân hàng và những khó khăn có thể xuất hiện khi lãi suất cao hơn, làm thay đổi giá trị của các khoản đầu tư do ngân hàng nắm giữ.

“Sự sụp đổ của SVB đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động rộng lớn của việc tăng lãi suất vượt ra ngoài trọng tâm đã được tuyên bố của Fed. Tốc độ và kỹ năng được các nhà quản lý và ngân hàng trung ương thể hiện, nhằm chống lại sự sụp đổ trong tương lai sẽ nói lên nhiều điều về những rắc rối có thể xảy ra phía trước.

Bài học từ năm 2008 đã được rút ra cho thấy, các Chính phủ cần phải có những hành động nhanh chóng và chắc chắn. Sự dò dẫm làm xói mòn niềm tin, nền tảng của thị trường tài chính và gây ra sự hoảng loạn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Vào ngày 14/3 vừa qua, Moody’s Investors Service - một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn và uy tín nhất thế giới đã hạ triển vọng tín nhiệm của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ xuống “tiêu cực” từ mức “ổn định” trước đó. Moody’s cho biết, thực hiện động thái này trên cơ sở những vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ khiến nhà chức trách nước này phải vào cuộc hôm 12/3, với kế hoạch đảm bảo tiền gửi và giữ vững các định chế khác bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi phải thay đổi triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Mỹ sang “tiêu cực” để phản ánh sự xấu đi nhanh chóng trong môi trường vận hành của hệ thống ngân hàng, sau các vụ rút tiền ồ ạt khỏi Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank và Signature Bank.

Chúng tôi cho rằng, sức ép đối với hệ thống tài chính Mỹ sẽ dai dẳng và trầm trọng thêm bởi chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ còn tiếp diễn, với lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn, cho tới khi lạm phát giảm về mục tiêu của Fed. Các ngân hàng Mỹ giờ đây phải đối mặt với lãi suất tiền gửi tăng mạnh sau nhiều năm lãi suất thấp. Điều đó sẽ khiến lợi nhuận suy giảm, nhất là ở những ngân hàng có tỷ trọng nắm giữ trái phiếu lớn hơn”, Moody’s nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Giới startup lo ngại khi HSBC mua lại SVB Anh

    11:29, 15/03/2023

  • Áp lực của thị trường tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất và SVB

    11:00, 15/03/2023

  • Chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng gì từ việc SVB sụp đổ?

    04:50, 14/03/2023

  • SVB sụp đổ, ảnh hưởng như thế nào đến các startup?

    11:01, 13/03/2023

DIỄM NGỌC