Trung Quốc tham vọng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế
Khi phương Tây bước vào thời kỳ “mong manh” về tài chính sau các sự cố ngân hàng, Trung Quốc đã gấp rút củng cố Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như tham vọng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế.
>>Hạ lãi suất và sự kiện SVB có đảo ngược chính sách tiền tệ chống lạm phát?
Chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow dự kiến bắt đầu vào ngày 20/3 và sự thất bại của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) cùng những ngân hàng khác là những sự kiện không liên quan đến nhau. Tuy nhiên khi kết hợp lại, chúng gợi ý về sự thay đổi có thể xảy ra trong cán cân quyền lực kinh tế Đông - Tây một cách bất ngờ.
Sự sụp đổ của SVB cũng như sự "khốn đốn" của Credit Suisse một lần nữa đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế thị trường trước những cuộc khủng hoảng tài chính. Sức khỏe hệ thống tài chính của một quốc gia là rất quan trọng đối với sức mạnh kinh tế và phạm vi toàn cầu của quốc gia đó.
Trước mắt chúng ta là bối cảnh Trung Quốc thoát khỏi tình trạng phong tỏa để phục hồi kinh tế và gia tăng ảnh hưởng ngoại giao toàn cầu, trong khi nhiều nền kinh tế phương Tây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính bởi nhiều áp lực đè nặng. Các vấn đề của hệ thống tài chính được nhiều người dự báo sẽ tiếp tục leo thang, trái ngược với niềm tin thị trường trước đó rằng, tất cả sẽ tốt đẹp với việc giảm lạm phát. Trong khi, việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương ngày càng được chứng minh là nguyên nhân gây ra tình trạng kiệt quệ cho hệ thống tài chính.
Một báo cáo gần đây của Reuters cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Credit Suisse đã khiến cuộc khủng hoảng ngân hàng ảnh hưởng tới toàn cầu”. Hay như một chuyên gia ngoại hối tại Oanda đã lưu ý, nỗi sợ hãi một lần nữa bao trùm các thị trường, với lo ngại về sự lặp lại của các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.
Sự lây lan nhanh chóng vào thời điểm này và điều khiến tình hình trở nên bất ổn là hành động của các ngân hàng trung ương, nhằm hỗ trợ các tổ chức tài chính thông qua bảo lãnh tiền gửi, bơm vốn... hoàn toàn trái ngược với chính sách kiềm chế lạm phát của họ.
>>Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp "điêu đứng" vì SVB
Anthony Rowley, chuyên gia tài chính châu Á đánh giá, nền kinh tế phương Tây đã bị che khuất khỏi tầm nhìn trong hơn một thập kỷ bởi mức lãi suất cực thấp và thái độ chi tiêu dễ dãi, tất cả những điều này đang bị thay đổi đáng kể.
Cơn dư chấn của SVB cũng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, khu vực khởi nghiệp công nghệ cao sẽ gặp khó khăn về khả năng huy động vốn, khu vực này đang cần thiết để duy trì vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
"Cũng chính trong thời điểm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn để tiến hành việc mở rộng ngoại giao ở Nga và làm trung gian cho việc nối lại quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Trung Quốc cần một Ukraine ổn định như một mắt xích quan trọng trên đất liền trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.
Trong báo cáo gần đây có tiêu đề “Khủng hoảng Nga-Ukraine: Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại ngã tư đường (BRI)”, các nhà nghiên cứu nhận xét, Ukraine chiếm một vị trí chiến lược trong BRI, gần điểm giao nhau giữa châu Âu và châu Á, khiến nó trở thành một cửa ngõ vào châu Âu tiềm năng. Báo cáo đã nhận xét, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine làm gián đoạn cả sáng kiến cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối của Trung Quốc nói chung, làm đảo lộn chuỗi giá trị toàn cầu, làm suy yếu thương mại tự do và làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoản an ninh lương thực, năng lượng.
Tuy nhiên, để tận dụng triệt để giai đoạn có vẻ mong manh về tài chính ở các nền kinh tế phương Tây, Trung Quốc sẽ cần củng cố cấu trúc, độ tin cậy và hình ảnh toàn cầu của Sáng kiến Vành đai và Con đường”, chuyên gia phân tích.
Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa - Wang Huiyao cũng chỉ ra, BRI chủ yếu được xây dựng xung quanh các mối quan hệ song phương của Trung Quốc. Các hình thức chính của thỏa thuận hợp tác là các biên bản ghi nhớ (MOU) song phương và các tuyên bố chung ủng hộ sáng kiến. Tuy nhiên, các thỏa thuận này có các điều khoản pháp lý tương đối yếu, đó là MOU thường có thời hạn hiệu lực ngắn và các bên ký kết có thể rút lại bất cứ lúc nào.
“Biên bản ghi nhớ không đủ tính ổn định để Trung Quốc hệ thống hóa sự hợp tác với các nước khác. Khi cuộc khủng hoảng tài chính manh nha sau sự sụp đổ SVB và các sự cố hệ thống tài chính khác lan rộng, khả năng của các quốc gia phương Tây trong việc tài trợ cho kế hoạch của Trung Quốc có thể bị xói mòn. Bắc Kinh cần gấp rút củng cố nền tảng cơ sở hạ tầng và thể chế của Sáng kiến Vành đai và Con đường cho giai đoạn tiếp theo”, Wang lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Hạ lãi suất và sự kiện SVB có đảo ngược chính sách tiền tệ chống lạm phát?
05:24, 19/03/2023
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp "điêu đứng" vì SVB
03:30, 18/03/2023
Lo ngại chất lượng giám sát hoạt động ngân hàng từ sự sụp đổ SVB
16:00, 16/03/2023
Giới startup lo ngại khi HSBC mua lại SVB Anh
11:29, 15/03/2023