Cần phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh thực chất
Theo GS. TSKH Trần Đình Long, muốn phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh thì cần tái cơ cấu ngành điện và tổ chức được các công ty mua bán buôn điện của các thành phần kinh tế khác tham gia.
>>EVN trước áp lực tăng giá điện
Doanh nghiệp lo đối phó
Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/4 vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết áp lực tăng giá bán lẻ điện là rất lớn. Vì thế, mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hòa lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát.
Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), mỗi tháng một nhà máy của Vitajean tiêu tốn khoảng 600 triệu-1tỷ đồng tiền điện. Giá điện tăng cao lên bao nhiêu phần trăm thì doanh nghiệp phải trả thêm từng đó chi phí, trong khi thị trường đầu ra hiện nay rất khó khăn bởi lạm phát tăng mạnh, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ, EU rất lớn đang khiến doanh nghiệp phải giảm công suất 80%, công nhân nghỉ việc luân phiên.
“Trong bối cảnh lãi suất cho vay cao, chi phí xăng dầu vận chuyển cao đã khiến doanh nghiệp không có lãi, thì việc giá điện sắp tới được điều chỉnh tăng càng khiến người sản xuất trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu trong thời gian tới còn khó lường, giá điện tăng cũng không thể tính vào chi phí sản xuất khiến sản phẩm không thể cạnh tranh với đối thủ của các nước khác. Vì vậy nếu giá điện trong nước tăng trong thời gian tới thì cần có lộ trình sớm cho doanh nghiệp chuẩn bị và tăng với mức độ phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp”, ông Việt bày tỏ.
Tương tự, đại diện công ty Tôn Đông Á cũng cho rằng, giá điện tăng sẽ tác động ngay đến chi phí sản xuất của mọi ngành sản xuất. Đặc biệt với ngành thép nói chung và ngành mạ - đây là những ngành tiêu tốn nhiều điện năng, nên việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, sức mua của thị trường giảm do mọi chi phí đều tăng, sẽ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp nếu giá điện tăng.
GS. TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam đánh giá, cách đây 10-15 năm, nước ta có nguồn thuỷ năng tốt tỷ lệ thuỷ điện chiếm trên dưới 40%, nhưng đến nay, những nguồn thuỷ năng lớn, những con sông lớn, hay những nơi có thể xây dựng các công trình thủy điện có công suất đáng kể đã gần hết.
Vì vậy, tỷ lệ nguồn điện từ thủy điện đang ngày càng giảm và tác động của thủy điện cũng ngày càng ít trong cân bằng điện năng nói chung của hệ thống điện Việt Nam. Những năm mưa gió thuận lợi thì có thể tốt đến khả năng phát điện và đóng góp một phần trong việc hạ giá thành sản xuất điện năng, nhưng tỷ lệ này không lớn lắm và ngày càng giảm. Hiện thuỷ điện chỉ chiếm khoảng 25 - 30% và sẽ còn giảm trong tương lai.
>>Thận trọng tăng giá điện
Tái cơ cấu ngành điện
Vừa qua, EVN cũng đã phát đi thông tin cho biết, giá điện nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng mạnh, cụ thể, giá điện bán buôn trung bình tại Italia là 211,2 Euro/MWh tương đương 5.714 đồng/kWh. Tại Pháp là 178,9 Euro/MWh, tương đương 4.847 đồng/kWh. Hay tại Đức là 157,8 Euro/MWh, tương đương 4.278 đồng/kWh.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực, thậm chí mức giá bán lẻ điện Việt Nam chỉ bằng 50% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực. Riêng Lào là nước có giá điện thấp nhất khu vực, do quốc gia này có 70% điện năng sản xuất từ thủy điện giá rẻ và 25% từ nhiệt điện than.
Đối với thị trường giá điện, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần giảm tính độc quyền của ngành điện, tiến tới bán điện theo giá thị trường, nhưng đến nay mục tiêu này vẫn được cho là khó thực hiện. Tuy nhiên, GS. Trần Đình Long lại cho rằng, thực tế nhà nước đã bắt đầu thực hiện chủ trương thị trường hóa ngành điện và hiện nay EVN không còn là độc quyền hoàn toàn như trước đây. Bên cạnh EVN còn có Petro Việt Nam, Tổng công ty Than & Khoáng sản Việt Nam cũng có những cơ sở phát điện. Ngoài ra gần đây, rất nhiều nhà đầu tư tư nhân phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời và tham gia vào việc bán điện.
Bên cạnh đó, chúng ta đang đi đến giai đoạn cuối của thị trường phát điện cạnh tranh, nghĩa là hầu như Việt Nam đã thực hiện các bước để hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh. Trong đó, các nhà phát điện chào giá và bên điều đồ hệ thống điện, điều hành thị trường sẽ sắp xếp bên nào chào giá rẻ thì được ưu tiên mua trước, bên nào chào giá đắt sẽ mua sau và mua cho đến khi đáp ứng được nhu cầu thì dừng lại. Như vậy các nhà đầu tư sẽ cạnh tranh nhau để bán điện với giá hợp lý. Do đó, khái niệm độc quyền không còn thể hiện đúng nữa trong bối cảnh hiện nay.
“Thị trường điện của Việt Nam về hình thức đã kết thúc giai đoạn 1 là giai đoạn phát triển cạnh tranh và đang bắt đầu thực hiện giai đoạn thứ hai là bán buôn điện cạnh tranh. Sau đó mới đến mức cao hơn là bán lẻ điện cạnh tranh.
Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện giai đoạn 2 - thị trường bán buôn cạnh tranh thì còn khá nhiều việc phải làm, trọng tâm là tái cơ cấu ngành điện. Muốn bán buôn điện cạnh tranh thì phải có rất nhiều công ty bán buôn mới tạo ra tính cạnh tranh.
Hiện nay, chức năng bán buôn là do các Tổng công ty phân phối điện gồm 5 Tổng công ty thuộc EVN và chưa xuất hiện một công ty tư nhân hay một công ty của các thành phần khác có quyền mua bán buôn điện. Nếu tổ chức được các công ty mua bán buôn điện của các thành phần kinh tế khác tham gia vào, thì cạnh tranh mới là thực chất”, GS. Trần Đình Long phân tích.
Cũng theo vị GS, nhiều người đặt ra vấn đề so sánh giữa ciệc điều hành thị trường điện với thị trường xăng dầu, tuy nhiên cách thức điều hành hai thị trường này là khác nhau. Giá xăng dầu có thể điều hành hằng ngày, thậm chí nửa ngày một theo thông tin của thị trường thế giới. Còn ở Việt Nam, theo thông lệ người mua điện sẽ trả tiền điện theo tháng. Vì vậy ít nhất sau một tháng mới có thể điều chỉnh được giá điện.
Cách đây 10 năm, đã từng có nghiên cứu về giá điện và thị trường điện, với đề xuất rằng cơ quan quản lý nên định kỳ xem xét lại giá điện khoảng 6 tháng một lần, để cân đối giữa yếu tố đầu vào chi phí sản xuất và giá điện đầu ra. Trong khi ở Việt Nam, hơn 3 năm nay giá điện vẫn nằm yên một chỗ.
Theo kinh nghiệm quốc tế về điều hành giá điện của các nước, họ cũng có vai trò điều khiển của Chính phủ nhưng không trực tiếp và không cứng nhắc. Ví dụ một số nước trong khu vực như Philippines, việc quyết định thay đổi giá điện là do Ủy ban Điều tiết điện lực, tương đương với Cục Điều tiết điện lực của Việt Nam.
“Theo tôi như vậy có thể hợp lý hơn, vì Chính phủ khi đã đặt ra Cục Điều tiết điện lực thì họ phải có nhiệm vụ quản lý chuyên môn về ngành điện và phải xem xét quá trình tăng giảm giá điện trước khi trình Chính phủ. Còn Chính phủ chỉ là nơi chính thức hóa việc tăng - giảm đó sẽ hợp lý hơn.
Về xu thế chung của năng lượng là tăng, nếu chúng ta ghìm lại càng lâu và sau đó để đuổi kịp, thì sẽ phải tăng càng mạnh và gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh cũng như các thành phần tiêu thụ điện. Việc cần làm là để giá điện biến động một cách linh hoạt theo thực tế thị trường, mà không dẫn đến bước nhảy vọt do kìm hãm quá lâu”, vị GS nói.
Có thể bạn quan tâm
Tăng giá điện: Khó chồng khó!
03:00, 07/04/2023
Thận trọng tăng giá điện
05:05, 06/04/2023
Bộ Công Thương yêu cầu EVN sớm thống nhất giá điện gió, điện mặt trời
12:00, 04/04/2023
Liệu giá điện có tăng đến 10%?
00:01, 04/04/2023