Giá xăng tăng chưa tác động mạnh đến lạm phát
Giá xăng tăng trong kỳ điều chỉnh mới đây vẫn chưa tác động mạnh đến chỉ số lạm phát. Như vậy, NHNN vẫn còn dư địa để có thể duy trì chính sách tiền tệ, cũng như môi trường thúc đẩy đầu tư công.
>>Giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng?
Trong kỳ điều hành mới đây, giá bán xăng dầu đã đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể giá xăng E5RON 92 không cao hơn 23.173 đồng/lít, tăng 1.091 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Giá xăng RON 95 không cao hơn 24.245 đồng/lít, tăng 1.120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Đối với thị trường xăng dầu, Việt Nam là một quốc gia có dầu mỏ, nhưng vẫn phải nhập khẩu rất nhiều dầu để có thể sản xuất. Cấu phần xăng dầu trong giá thành của tất cả các mặt hàng trên thị trường cũng rất lớn. Vì vậy, khi Nhà nước muốn kiểm soát lạm phát, sẽ phải kiểm soát cả giá xăng dầu, bởi mỗi khi xăng tăng giá sẽ tác động đến yếu tố mà nhiều người e ngại nhất đó là lạm phát.
Trên thị trường dầu quốc tế, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) là tổ chức có quyết định về sản lượng cũng như mức giá chính. Vì vậy, khi họ nhìn thấy nhu cầu suy giảm và để bù đắp lại thì sẽ cắt giảm sản lượng dẫn đến việc tăng giá.
Ngày 2/4, OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng dầu một ngày và bắt đầu từ tháng 5/2023. Điều này đã khiến giá dầu leo thang từ mức trung bình hơn 70 USD/thùng lên 85 USD/thùng. Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư JP Morgan, với xu hướng như vậy, giá dầu có thể lên đến 96 USD/thùng vào cuối năm nay.
Trong nước, nhìn vào các nhóm ảnh hưởng đến cấu phần chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua một chuỗi thời gian từ năm 2004 - 2022 sẽ thấy, lạm phát của Việt Nam hầu như được quyết định bởi 3 thành phần gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Nhà ở, phát triển xây dựng; và Giao thông. Các nhóm này ít nhiều đều chịu ảnh hưởng bởi giá xăng và riêng nhóm giao thông là chịu tác động lớn nhất nếu giá xăng tăng. Tương tự, khi giá xăng giảm ở thời kỳ Covid-19, chỉ số CPI giao thông còn giảm và tác động rất thấp đến CPI chung.
>>Vẫn loay hoay giá xăng dầu
Về CPI trong tháng 4, AFA Capital đã đưa ra dự phóng như sau: giả sử giá thịt heo giữ nguyên 53.000 đồng/kg như tháng trước, giá điện tháng tới vẫn là 1.762 đồng/1kWh và giá xăng tăng lên 24.200 đồng/lít so với tháng trước là 23.120 đồng/lít.
Như vậy, sự thay đổi của giá điện và giá thịt heo là 0%, nhưng sự thay đổi giá của giá xăng là tăng 4,67% sẽ tác động đến 2,32% trong cấu phần CPI giao thông và 0,46% CPI chung so với tháng 3; tăng 4,1% so với tháng 4 năm ngoái; còn tính từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay so với từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022 là tăng 4,16%.
Trong khi chỉ tiêu lạm phát của Việt Nam năm 2023 là 4,5%. Vậy đâu đó, chúng ta vẫn còn dư địa để kiểm soát mục tiêu này và theo đánh giá của tôi, giá xăng tăng vẫn chưa tác động mạnh đến chỉ số lạm phát. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để có thể duy trì chính sách tiền tệ, cũng như môi trường thúc đẩy đầu tư công...
Tuy nhiên, giá xăng có phải vấn đề hay không còn chờ vào giai đoạn nửa sau năm 2023. Vì giá xăng dầu đạt đỉnh vào tháng 6 hoặc tháng 7/2022, nên các vấn đề về giá xăng dầu sẽ tập trung vào thời điểm cuối năm nay. Nghĩa là cùng kỳ năm trước giá xăng dầu đã tụt rồi mà năm nay giá xăng tiếp tục tăng thì sẽ là vấn đề lớn với lạm phát.
Xét về tác động của giá xăng dầu với doanh nghiệp, nếu đầu vào của doanh nghiệp sử dụng rất nhiều nguyên liệu xăng dầu, thì chắc chắn giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình từ đầu vào, sản xuất và đầu ra, khiến giá thành đầu ra sẽ tăng dẫn tới lợi nhuận sụt giảm. Đây là điều mà các doanh nghiệp sẽ cần có sự cân đối để ứng phó với các biến động xảy ra.
Có thể bạn quan tâm