Kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất lần cuối cùng vào tháng 5

NGUYỄN MINH TUẤN, CEO AFA Capital 29/04/2023 05:00

Sự đổ vỡ liên tiếp các ngân hàng tại Mỹ vừa cũng là tín hiệu cảnh báo các chính sách tiền tệ đã quá thắt chặt, hy vọng với dấu hiệu này, tháng 5 tới sẽ là lần cuối mà Fed có động thái tăng lãi suất.

>>FED, biến số cung dầu và câu chuyện tỷ giá

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng “những bất ổn gần đây trong ngành ngân hàng có thể khiến tín dụng bị thắt chặt hơn đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng lao động và lạm phát”. Trong bối cảnh này, giới quan chức vẫn chú ý đến rủi ro lạm phát. Vì vậy, dự báo kịch bản khả thi nhất là Fed nâng lãi suất thêm 0,25% trong tháng 5/2023, nếu điều này xảy ra thì đây là mức cao nhất của mọi người kỳ vọng trong cuộc họp Uỷ ban thị trường mở Liên bang (FOMC).

Dự báo kịch bản khả thi nhất là Fed nâng lãi suất thêm 0,25% trong tháng 5/2023

Dự báo kịch bản khả thi nhất là Fed nâng lãi suất thêm 0,25% trong tháng 5/2023

Và nếu đây là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed, thì chúng ta đã xử lý được một biến số rất lớn đối với thị trường tài chính trong nước, mức lãi suất sẽ dừng lại ở 5,25% và sẽ giảm dần ở những năm sau.

Tuy nhiên, điều này cũng không thể chắc chắn 100% vì kinh tế vĩ mô luôn luôn phụ thuộc vào các biến số khác, do đó cần phải xem một cách cẩn trọng về CPI của Mỹ. Vừa qua, các dữ liệu cho thấy Chỉ số tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái đã có sự sụt giảm. Trong khi, mục tiêu của chính sách tiền tệ chính là kiểm soát lạm phát, bao gồm việc nâng giá tiền và giảm lượng tiền cung cấp ra ngoài thị trường. Trong quá trình đó, giá của chi phí vốn tăng lên, khối lượng tiền giảm đi và các điều kiện cho vay ngặt nghèo hơn, thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ chậm lại. Ở một góc độ nào đó, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại theo đúng chính sách mà họ theo đuổi, như tôi đã nói, chúng ta vẫn phải xem các biến số khác như lạm phát của Mỹ.

Những ngày gần đây, sự việc của First Republic Bank xảy ra khiến nhiều người lo ngại về sự khủng hoảng ngân hàng chưa kết thúc. Theo tôi, các ngân hàng của Mỹ được sự hỗ trợ rất lớn từ Ủy ban Bảo hiểm tiền gửi Liên bang, nên tính hệ thống sẽ không cao và cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến Việt Nam. Song, đó cũng là tín hiệu cảnh báo đến các chính sách tiền tệ đã quá thắt chặt, gây ra nhiều vấn trong hệ thống ngân hàng của Mỹ. Chúng tôi kỳ vọng với dấu hiệu này, đây sẽ là lần cuối mà Fed có động thái tăng lãi suất.

>>Chính sách tiền tệ - tài khóa "lỏng" hơn để hỗ trợ nền kinh tế

Đối với Việt Nam, trong biến số của Ngân hàng Nhà nước cần phải giải cho nền kinh tế đó là, nếu chúng ta đã cố định được yếu tố đầu tiên là lãi suất Mỹ, thì sẽ rất dễ dàng để ổn định yếu tố thứ hai là lãi suất của Việt Nam. Đồng thời, khi ổn định được hai yếu tố này, sẽ kiểm soát được tỷ giá và lạm phát. Năm 2023, Việt Nam kiểm soát được lạm phát thì sẽ có dư địa lớn hơn cho thúc đẩy tăng trưởng.

Nếu lãi suất Mỹ ổn định, thì sẽ rất dễ dàng để ổn định yếu tố thứ hai là lãi suất của Việt Nam

Nếu lãi suất Mỹ ổn định, thì sẽ rất dễ dàng để ổn định yếu tố thứ hai là lãi suất của Việt Nam

Có thể thấy, việc Fed tăng lãi suất không phải bây giờ mới tăng, mà đã tăng từ cuối năm ngoái. Thị trường tài chính là thị trường biến động theo kỳ vọng, khi mức độ tăng của đồng USD chưa được xác định đâu là đỉnh, thì chỉ số DXY có khi tăng rất cao và trong thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam, tỷ giá đô - đồng cũng tăng rất nhanh, mang tính đầu cơ lớn. Chính vì vậy, khi DXY đã đạt đỉnh thì toàn bộ kỳ vọng đã được phản ánh vào giá nên tỷ giá sẽ không tăng mạnh mà có xu hướng đi ngang hoặc giảm.

Theo phân tích của chúng tôi, lãi suất thị trường liên ngân hàng đang dừng ở vùng 5%, với sự liên thông giữa các thị trường sẽ thấy lãi suất của chúng ta rất khó xuống sâu như thời kỳ Ngân hàng Nhà nước công bố các hoạt động hỗ trợ thanh khoản. Và khi lãi suất của Mỹ dừng ở mức 5% thì lãi suất của thị trường liên ngân hàng Việt Nam cũng dừng ở 5%.

Riêng về tăng trưởng, với một quốc gia có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào khối FDI, xuất khẩu thì việc thị trường nước ngoài suy giảm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung. Ở nền lãi suất cao như hiện tại, nhu cầu tiêu dùng kể cả ở châu Âu, Mỹ - là những thị trường lớn của Việt Nam vẫn chưa có sự hồi phục. Chúng ta đang rất kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc - là điểm sáng có thể trung hòa hoặc làm cho bức tranh kinh tế đỡ tối màu hơn, còn trong năm 2023, quan điểm của chúng tôi là sự suy thoái đã đến rất gần, rất nhanh.

Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy, vai trò của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã rất quyết liệt ở góc độ chính sách, như chính sách tiền tệ, có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để có dòng vốn ở chi phí thấp hơn. Cụ thể với trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, liên tục ban hành các Thông tư 02, Thông tư 03 để tháo nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như nợ xấu của bất động sản.

Với chính sách tài khóa, Chính phủ cũng quyết liệt giải ngân đầu tư công, các chính sách hỗ trợ liên tiếp được đưa ra như giảm thuế VAT, hỗ trợ thuế đối với xăng dầu. Theo tôi, Chính phủ đang làm triển khai nhiều biện pháp, kể cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ để ngăn chặn đà suy thoái mà đa phần đến từ phía bên ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • FED tiếp tục tăng lãi suất, giá vàng tuần tới “đứt gãy” đà tăng?

    11:30, 16/04/2023

  • FED chưa thể ngừng tăng lãi suất

    03:00, 16/04/2023

  • FED, biến số cung dầu và câu chuyện tỷ giá

    05:00, 10/04/2023

  • FED sắp ngừng tăng lãi suất, giá vàng tiếp tục bứt phá?

    04:30, 02/04/2023

NGUYỄN MINH TUẤN, CEO AFA Capital