Nguy cơ Mỹ vỡ nợ, cơ quan xếp hạng tín nhiệm nói gì?
Trong khi nguy cơ vỡ nợ lớn hơn bao giờ hết, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu vẫn đánh giá có “triển vọng ổn định” đối với xếp hạng của Hoa Kỳ, ngụ ý rằng xác suất vỡ nợ gần như bằng không.
>>"Bí ẩn" đằng sau nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Mỹ
Tạm ngưng giới hạn nợ
Theo Hãng tin AP, chi tiết về thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã được công bố vào ngày 28/5, dưới dạng một dự luật dài 99 trang sẽ đình chỉ giới hạn nợ của Mỹ cho đến năm 2025, nhằm tránh vỡ nợ liên bang đồng thời hạn chế chi tiêu chính phủ.
Ông Biden và ông McCarthy đều đang cố thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch kịp thời, để ngăn chặn một vụ vỡ nợ có thể làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng và tranh luận về luật, trong đó cũng bao gồm các điều khoản tài trợ cho việc chăm sóc y tế cho các cựu chiến binh, thay đổi yêu cầu công việc đối với một số người nhận viện trợ của chính phủ và hợp lý hóa các đánh giá về môi trường đối với các dự án năng lượng...
Ông McCarthy cho biết, Hạ viện sẽ bỏ phiếu về luật này vào thứ Tư, cho Thượng viện thời gian để xem xét trước ngày 5/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhấn mạnh, Hoa Kỳ có thể không trả được các nghĩa vụ nợ nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời.
Thỏa thuận sẽ giữ cho chi tiêu phi quốc phòng gần như không thay đổi trong năm tài chính 2024 và tăng 1% vào năm sau, cũng như đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 1/2025 - sau cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo.
Trong năm tài chính tiếp theo, dự luật phù hợp với ngân sách quốc phòng đề xuất của ông Biden là 886 tỷ USD và phân bổ 704 tỷ USD cho chi tiêu phi quốc phòng. Dự luật cũng yêu cầu Quốc hội phê duyệt 12 dự luật chi tiêu hàng năm hoặc phải đối mặt với việc rút lại giới hạn chi tiêu so với năm trước, nghĩa là cắt giảm 1%. Luật này nhằm hạn chế tăng trưởng ngân sách liên bang ở mức 1% trong 6 năm tới, nhưng điều khoản đó sẽ không có hiệu lực bắt đầu từ năm 2025.
Nhìn chung, Nhà Trắng ước tính kế hoạch này sẽ giảm chi tiêu của chính phủ ít nhất 1.000 tỷ USD, nhưng các tính toán chính thức vẫn chưa được công bố.
>>Nguy cơ khủng hoảng tài chính từ làn sóng nợ lần thứ 4
Sự lạc quan từ các cơ quan tín nhiệm
Chia sẻ trên SCMP, ông Moritz Kraemer, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng toàn cầu LBBW (Landesbank Baden-Württemberg - Đức) cho biết, trong một cuộc đối đầu tương tự về trần nợ năm 2011, các cơ quan xếp hạng là các tổ chức thị trường vốn quan trọng đã được giao nhiệm vụ dự báo vỡ nợ.
Khi đó, cơ quan xếp hạng lớn nhất thế giới - S&P Global Ratings lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay đã hạ bậc xếp hạng của Hoa Kỳ, từ AAA xuống AA+. Lý do chính là quá trình chính trị rối loạn được thể hiện trong tình trạng khó khăn về trần nợ.
Đến hiện tại, mọi diễn biến hoàn toàn ngược lại khi nguy cơ vỡ nợ lớn hơn bao giờ hết, nhưng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu đều có “triển vọng ổn định” đối với xếp hạng của Hoa Kỳ, ngụ ý rằng việc hạ cấp thậm chí không được coi là một khả năng hợp lý. Các xếp hạng đều ở mức AAA, mức cao nhất trong thang xếp hạng.
Điều đó cho thấy xác suất vỡ nợ gần như bằng không. Chỉ có cơ quan xếp hạng lớn nhất châu Âu, Scope là đang chính thức dự tính hạ bậc xếp hạng tín dụng đối với Mỹ.
Với phương pháp được S&P sử dụng, xếp hạng chủ quyền của Hoa Kỳ sẽ phải thấp hơn một bậc nữa để phản ánh tình trạng nợ công đang xấu đi, kể từ lần hạ bậc ban đầu vào năm 2011. Song, S&P đã đưa ra một quyết định đáng chú ý từ tháng 3/2021, đó là nâng đánh giá về chất lượng của các thể chế chính trị và quản lý của Hoa Kỳ – một trong năm đánh giá riêng biệt đưa xếp hạng lên mức tốt nhất có thể.
Trong khi đó, Fitch Ratings đã nâng triển vọng của Hoa Kỳ lên ổn định từ tiêu cực vào mùa hè năm ngoái. Nhiều người sẽ không biết Hoa Kỳ đang mấp mé bờ vực vỡ nợ nếu chỉ nhìn vào sự im lặng từ các cơ quan xếp hạng.
“Tất cả những điều này cho thấy, ngành công nghiệp xếp hạng không muốn vướng vào những khó khăn của chính trị Hoa Kỳ trong vũng lầy trần nợ. Việc S&P phải đối mặt với vụ kiện trị giá hàng tỷ USD từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sau khi hạ cấp năm 2011 hẳn vẫn còn mới mẻ trong ký ức của các cơ quan này. Bằng cách từ chối đưa ra ý kiến, những cơ quan xếp hạng đang gợi ý cho các nhà đầu tư rằng, không cần phải lo lắng về việc Mỹ vỡ nợ”, vị chuyên gia nói.
Thực tế, nguy cơ Mỹ vỡ nợ là mối lo của nhiều quốc gia và giới đầu tư toàn cầu, bởi nó khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, lãi suất tăng, giá trị đồng USD sụt giảm và biến động gia tăng. Việc này cũng có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, tăng áp lực đối với ngành ngân hàng cũng như ngành bất động sản Mỹ. Kéo theo đó là những tác động tiêu cực tới nền kinh tế và các thị trường tài chính toàn cầu.
Cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Maurice Obstfeld cho biết: “Nếu độ tin cậy của trái phiếu Kho bạc bị suy giảm vì bất kỳ lý do gì, nó sẽ gây ra những làn sóng xung kích khắp hệ thống và có những hậu quả to lớn đối với tăng trưởng toàn cầu”.
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ khủng hoảng tài chính từ làn sóng nợ lần thứ 4
05:10, 17/11/2022
Nga vỡ nợ có gây nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu?
05:08, 15/03/2022
Credit Suisse có châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?
05:02, 17/03/2023