Nguy cơ Mỹ “vỡ nợ” và tác động với Việt Nam
Kịch bản Mỹ “vỡ nợ” đang dấy lên những lo ngại về sự ảnh hưởng đến ngoại thương của Việt Nam, chúng ta không chỉ khó khăn trong việc bán hàng ra, mà còn nhận về đồng tiền có giá trị thấp hơn.
>>Nguy cơ khủng hoảng tài chính từ làn sóng nợ lần thứ 4
Nhà Trắng và các nhà lập pháp Mỹ đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc nhằm nâng trần nợ công, hạn chế chi tiêu và ngăn chính phủ vỡ nợ vào đầu tháng 6 tới. Thỏa thuận này sẽ phải được soạn thảo chi tiết và thông qua tại Hạ viện, Thượng viện Mỹ trước thời điểm chính phủ Mỹ hết tiền.
Trước hết, chúng ta cần hiểu “vỡ nợ” có nghĩa là xù nợ, là phá sản, nhưng một quốc gia thì không thể phá sản và không cho phép mình phá sản. Vì vậy khái niệm vỡ nợ trong bối cảnh của một quốc gia, chính là mất khả năng thanh toán với các khoản nợ nước ngoài (không phải nợ nội địa). Trong quá khứ, đã có nhiều đất nước rơi vào tình trạng này như Argentina, Hy Lạp... và phải chịu những hậu quả vô cùng lớn.
Thứ nhất, những quốc gia là chủ nợ sẽ không viện trợ và ngừng cho vay tiếp; Thứ hai, các quốc gia đó sẽ tìm cách thu hồi tài sản của quốc gia nợ, chẳng hạn đóng băng tài khoản ở nước ngoài, hay đi đến biện pháp ngặt nghèo hơn là cấm vận từng phần, hoặc cấm vận toàn bộ và cuối cùng, quốc gia mất khả năng trả nợ có thể đi vào tình trạng bị nhiều quốc gia cho vay cô lập, dẫn đến suy kiệt.
Tuy nhiên, Mỹ là một nền kinh tế hàng đầu thế giới, tiền và tài sản của Mỹ rất nhiều, có nhiều quốc gia trong đó bao gồm cả Việt Nam nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Do đó, nếu Mỹ rơi vào tình trạng không thanh toán được nợ thì họ sẽ kéo cả thế giới vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Vấn đề của Mỹ hiện tại không phải là Mỹ không có khả năng thanh toán, mà tại Mỹ có đạo luật về trần nợ công, với mức trần đã chạm ngưỡng quy định là 31.400 tỷ USD.
Vào ngày 1/6 tới đây sẽ là ngày Quốc hội Mỹ có quyết định nâng trần nợ công hay không. Trong trường hợp Quốc hội Mỹ không chấp thuận thì Mỹ sẽ phải ngồi trên một đống nợ mà không còn khả năng thanh toán. Trong khi đó, Mỹ phải thanh toán nợ gốc và lãi cho tất cả những người giữ trái phiếu chính phủ, đồng thời chi tiêu cho các vấn đề như an sinh xã hội, quốc phòng, ngân sách quốc gia,...
Nếu kịch bản mất khả năng thanh toán của Mỹ xảy ra, thì tác động tiêu cực cũng sẽ xảy ra trên diện rộng. Cụ thể, chính phủ không thể phát hành trái phiếu để có tiền tiếp tục chi tiêu công, trả nợ và gây ra khủng hoảng cho chính nước Mỹ. Đặc biệt với những người đang sống bằng an sinh xã hội, trong đó có người già, người yếu thế, người thất nghiệp, cùng với các chi phí về quốc phòng, y tế, có thể tạo ra khủng hoảng trong xã hội Mỹ.
Ngoài ra, trái phiếu chính phủ Mỹ bị tụt hạng và đồng USD mất giá trị sẽ lan tỏa đến những cuộc khủng hoảng khác. Đối với ngoại thương toàn cầu, chúng ta đều biết rằng 40-60% các quốc gia trao đổi hàng hóa, dịch vụ bằng đồng đô la Mỹ. Một khi đồng bạc xanh mất giá thì tất cả các giao dịch bằng ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng theo.
Tương tự, các tài sản được định giá bằng USD cũng mất giá, khi đó, thế giới sẽ cần một đồng tiền quốc tế khác thay thế và quốc gia có đồng tiền thay thế đó phải có sức mạnh kinh tế rất lớn. Nhưng tại thời điểm này, cá nhân tôi chưa có quốc gia nào có sức mạnh kinh tế cao hơn Mỹ. Vì vậy, việc không tăng trần nợ công để chính phủ Mỹ đi vào tình trạng mất khả năng trả nợ là rất khó xảy ra.
Đối với Việt Nam, hiện nay Mỹ đang là thị trường xuất khẩu rất lớn của chúng ta. Nếu Mỹ mất khả năng thanh toán, các thành phần kinh tế tại nước Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm các công ty của Mỹ cho chính phủ Mỹ vay, dẫn đến khả năng mua hàng của họ với Việt Nam sẽ giảm mạnh.
Đồng thời, tất cả những hỗ trợ của chính phủ Mỹ với Việt Nam về mặt tài chính sẽ bị cắt giảm. Chưa kể, nếu đồng USD mất giá thì số tiền chúng ta thu về thông qua xuất khẩu bị giảm giá trị rất nhiều.
Như vậy, nó trực tiếp ảnh hưởng đến ngoại thương của Việt Nam, chúng ta không chỉ khó khăn trong việc bán hàng ra mà còn nhận lại về đồng tiền có giá trị thấp hơn. Trước hết là về nông sản, thuỷ hải sản, đến các mặt hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép, và kế đến là những hàng điện tử...
Không riêng Việt Nam, các quốc gia đều có lượng dự trữ ngoại hối rất lớn bằng đồng USD, lượng dự trữ ngoại hối đó phải đủ để bao phủ 3 tháng nhập khẩu. Trong trường hợp giá trị đồng USD giảm, giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ giảm thì giá trị về dự trữ ngoại hối của các quốc gia cũng giảm rất mạnh, đưa một số quốc gia vào khủng hoảng tài chính. Cho nên chúng ta đều mong, rằng câu chuyện “vỡ nợ” sẽ không xảy ra với nước Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ khủng hoảng tài chính từ làn sóng nợ lần thứ 4
05:10, 17/11/2022
Nga vỡ nợ có gây nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu?
05:08, 15/03/2022
Làn sóng vỡ nợ ở Trung Quốc: Kỳ I- Nguy cơ khủng hoảng tài chính
01:00, 06/12/2020
Credit Suisse có châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?
05:02, 17/03/2023