Mỹ có thể “phanh nợ” kiểu Thụy Sĩ để hạn chế nợ công quốc gia
Chuyên gia cho rằng, sửa đổi trong hiến pháp Thụy Sĩ đã buộc chính phủ phải cân bằng ngân sách, làm giảm tỷ lệ nợ trên GDP của đất nước và với quy mô nợ quốc gia của Mỹ cũng có thể làm tương tự.
>>Nguy cơ Mỹ “vỡ nợ” và tác động với Việt Nam
Kể từ năm 1960, Hoa Kỳ đã tăng trần nợ 78 lần và sắp tới sẽ là lần thứ 79 nếu Quốc hội thông qua thỏa thuận mới nhất vào phút cuối. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1989, đồng hồ nợ quốc gia của Mỹ đã tăng cao không ngừng, từ 2.700 tỷ USD lên 31.400 tỷ USD như hiện nay.
Chưa bao giờ nước Mỹ hay nền kinh tế thế giới mắc nợ nhiều như vậy. Kể từ năm 2000, lượng nợ toàn cầu đã tăng vọt, từ 87.000 tỷ USD lên hơn 300.000 tỷ USD - một tốc độ gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, điều này đồng nghĩa dự trữ tiền mặt của Chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt vào ngày 1/6 này. Nếu Quốc hội Mỹ không thể đi đến thống nhất về việc nâng trần nợ, Chính phủ Mỹ có thể sẽ vỡ nợ, đe họa gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Có câu hỏi đặt ra là có thể làm gì để dừng lại hoặc thậm chí làm chậm đồng hồ nợ quốc gia của Mỹ? Chia sẻ với SCMP, ông R. James Breiding, nhà sáng lập Naissance Capital phân tích, vào đầu thế kỷ 20, Thụy Sĩ đã nghĩ ra một giải pháp gọi là "phanh nợ", buộc chính phủ liên bang phải cân đối ngân sách của mình trong suốt một chu kỳ kinh tế.
Để đối phó với nợ công gia tăng và thâm hụt lặp đi lặp lại trong những năm 1990, một nhóm các nhà kinh tế và chính trị gia Thụy Sĩ bắt đầu ủng hộ sửa đổi hiến pháp nhằm hạn chế chi tiêu và vay nợ của chính phủ.
Năm 2001, chính phủ Thụy Sĩ đề xuất cắt giảm nợ, các cử tri đã thông qua nó với tỷ lệ áp đảo trong một cuộc trưng cầu dân ý và trở thành một phần của hiến pháp nước này.
Biện pháp đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Kể từ khi nó được ban hành, tổng nợ của chính phủ tính theo tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội đã giảm từ 30% xuống còn 20%. Trong cùng thời kỳ, nợ đã tăng vọt lên mức chưa từng thấy ở Anh (186%), Nhật Bản (220%), Mỹ (120%) và các nơi khác.
“Biện pháp phanh nợ của Thụy Sĩ hoạt động vì nó có một mục tiêu đơn giản là hạn chế sự gia tăng nợ công, bằng cách ngăn chính phủ tiêu tiền mà họ không có. Hơn nữa, vì nó được quy định trong hiến pháp Thụy Sĩ nên nó có tính hợp pháp chính trị cao và rất khó để bãi bỏ hoặc sửa đổi.
Có thể thấy, việc cung cấp một tiêu chuẩn rõ ràng để đo lường tiến độ làm cho các quan chức được bầu có trách nhiệm hơn với công dân mà họ đại diện và loại bỏ cám dỗ vay nợ để đảm bảo tái đắc cử trong khi chuyển gánh nặng trả nợ cho các thế hệ tương lai.
Đồng thời, phanh nợ không phải là một chiếc áo bó cứng nhắc. Nó bao gồm các công cụ ổn định tự động và ngược chu kỳ, cho phép thâm hụt tạm thời trong thời kỳ kinh tế suy yếu, chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và khuyến khích trả nợ trong thời kỳ thuận lợi”, ông R. James Breiding cho biết.
>>Hệ lụy với nước Mỹ khi trần nợ công bị "vũ khí hóa"
Cũng theo vị chuyên gia đánh giá, ngày nay, Thụy Sĩ được xếp hạng tín dụng AAA, điều quan trọng trong một thế giới có chi phí đi vay ngày càng tăng. Ở mức nợ và lãi suất hiện tại, những người nộp thuế ở Mỹ chi tiêu cho các khoản thanh toán lãi nhiều hơn khoảng 15 lần so với những người nộp thuế ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, hiến pháp Mỹ khó thay đổi hơn nhiều so với hiến pháp Thụy Sĩ. Nhưng những người sáng lập Hoa Kỳ coi việc tích lũy nợ công là một vấn đề có tầm quan trọng cơ bản. Họ nhận ra nợ nần chồng chất có thể tạo gánh nặng cho các thế hệ tương lai, đe dọa sự ổn định kinh tế và ảnh hưởng đến nền độc lập quốc gia. Họ biết nợ nần chồng chất đã dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế La Mã, chế độ quân chủ Pháp và Đế chế Tây Ban Nha.
Ngược lại, những người sáng lập nước Mỹ tin tưởng vào tầm quan trọng của trách nhiệm tài chính và ủng hộ việc hạn chế chi tiêu của chính phủ và tránh nợ nần chồng chất.
“Cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ - Alexander Hamilton đã từng lập luận, chính phủ nên có quyền vay tiền với điều kiện nghiêm ngặt rằng “việc tạo ra nợ phải luôn đi kèm với các biện pháp dập tắt nợ”. Với mục tiêu đó, hiến pháp Hoa Kỳ được thiết kế với các biện pháp kiểm tra và cân bằng nhằm ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực, bao gồm cả sự vô trách nhiệm về tài khóa. Mặc dù những người soạn thảo nó đã giao quyền quản lý hầu bao cho ngành lập pháp, nhưng mục đích của họ là đảm bảo giám sát và kiểm soát chi tiêu.
Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ được sửa đổi 27 lần kể từ năm 1787, trong khi hiến pháp Thụy Sĩ được sửa đổi thường xuyên. Nhưng một quá trình nghiêm ngặt và đầy thách thức ngụ ý tính hợp pháp cao hơn. Đây là những gì đã xảy ra khi 85% công dân Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc bao gồm một khoản nợ. Công dân Mỹ xứng đáng có cơ hội quyết định xem họ có muốn điều gì đó tương tự hay không”, nhà sáng lập Naissance Capital nói.
Có thể bạn quan tâm
Hệ lụy với nước Mỹ khi trần nợ công bị "vũ khí hóa"
04:30, 30/05/2023
"Hậu quả khôn lường" từ vấn đề trần nợ công Mỹ
04:30, 01/05/2023
Bội chi ngân sách 2020 gần 9,3 tỷ USD, Quốc hội yêu cầu quản lý chặt bội chi nợ công
12:33, 15/06/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60%GDP
20:10, 14/04/2022