Chuyển nguồn và đối tượng hỗ trợ

LÊ MỸ 11/06/2023 12:00

Để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế và đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2023 là 6,5%, đòi hỏi lực hỗ trợ “thấm” sớm vào các động lực tăng trưởng.

>>Ngân hàng Nhà nước nói gì về các gói hỗ trợ và tái cơ cấu nhà băng yếu kém?

Việt Nam hiện vẫn chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay. Song các tín hiệu từ bối cảnh các thị trường đối tác lớn của Việt Nam đang tiếp tục co hẹp sản xuất và giảm nhập khẩu, cùng với đó các dữ liệu vĩ mô cho thấy nền kinh tế vẫn đang chững lại - theo thống kê tháng 5 của GSO - đang đặt ra nhiều thách thức với các mục tiệu cả năm. Do đó, đòi hỏi các đòn bẩy hỗ trợ lớn hơn.

Giảm thuế VAT được đặt nhiều kỳ vọng nhưng các chuyên gia cho rằng cần thêm những cú hích góp tăng tổng cầu. Ảnh minh họa

Giảm thuế VAT được đặt nhiều kỳ vọng nhưng các chuyên gia cho rằng cần thêm những cú hích góp tăng tổng cầu. Ảnh minh họa

Về mặt tiền tệ, theo NHNN cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các NHTM hạ lãi suất cho vay. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, bên cạnh đó, vẫn phải có giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế.

Một trong những giải pháp góp sức tăng sức cầu là NHNN đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 2% khoảng 24.000 tỷ đồng để triển khai giảm thuế VAT. Đây là bước cần thiết khi gói hỗ trợ lãi suất này từ chỗ được doanh nghiệp đặt kỳ vọng tạo nguồn vốn giá rẻ trên quy mô 1 triệu tỷ đồng cho 2 năm, nhưng thực tế tỷ lệ tiếp cận và được giải ngân quá thấp, làm giảm hiệu quả gói hỗ trợ.

Từ trường hợp chuyển nguồn đó, một số chuyên gia và doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng về việc các nhà quản lý điều hành có thể xem xét lại gói hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội và công nhân do 4 NH có vốn Nhà nước triển khai quy mô 120.000 tỷ đồng. Bởi trong bối cảnh hiện nay, sau 3 lần hạ lãi suất điều hành của NHNN,  vốn cho vay nhà ở thương mại phân khúc trung bình và đáp ứng nhu cầu thực - phân khúc có dự án và người mua- vẫn đang ở mức cao (trung bình trên 12%). Thị trường bất động sản cũng chưa thoát khỏi khó khăn, gây hiệu ứng khó khăn từ cục bộ đến lan ra nhiều ngành liên quan, mắt xích trong nền kinh tế.

Nói về gói này, Hiệp hội Bất động sản TP HCM mới đây đã có văn bản cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Nhưng do Văn bản 2308/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước sử dụng cụm từ “thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi” đã dẫn đến sự ngộ nhận đây là “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội”.

>>Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

"Nhưng trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở mới, trong đó có chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội thì trước mắt, gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cũng có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; hoặc chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nhưng đối với người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội thì tác động rất hạn chế", Hiệp hội nhận định và đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét đề xuất “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng” theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, đáp ứng được khoảng 30% nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, mà theo kinh nghiệm thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây thì các ngân hàng thương mại được “cấp bù lãi suất” 1 đồng có thể huy động được 33 đồng vốn của xã hội, mang lại hiệu quả rất lớn.

Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nên dành một phần gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và gói 40.000 tỷ đồng giảm 2% lãi suất năm 2022 nhưng kết quả giải ngân chưa đáng kể để sử dụng các nguồn vốn này hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay nhưng có triển vọng phục hồi, phát triển trở lại, nhất là tập trung hỗ trợ người tiêu dùng và khách hàng để làm tăng tổng cầu giúp cho nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. 

Nhìn nhận tổng quan, chuyên gia cũng cho rằng “giảm thuế VAT là chưa đủ để kích cầu mà dòng tiền trong thị trường phải vận động, quay vòng nhanh. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng của gói hỗ trợ sang phân khúc này, tăng thanh khoản cho bất động sản, “nhóm mồi” để thị trường ấm lên”.

Hiện nay, ngay sau ước tính về dữ liệu vĩ mô tháng 5, các chuyên gia kinh tế của Maybank và 1 số định chế tài chính, đã hạ dự báo GDP Việt Nam xuống dưới 5% cho cả năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai gói hỗ trợ trước chưa hấp thụ hết, liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi?

    Hai gói hỗ trợ trước chưa hấp thụ hết, liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi?

    14:54, 31/05/2023

  • Gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, đúng đối tượng

    Gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, đúng đối tượng

    01:00, 30/05/2023

  • “Chuyên biệt hóa” các gói hỗ trợ

    “Chuyên biệt hóa” các gói hỗ trợ

    13:30, 26/05/2023

LÊ MỸ